'Sell in May': Trong rủi ro vẫn có cơ may?
Diễn biến vừa qua của VN-Index đã kết thúc xu hướng tăng ngắn hạn bắt đầu từ tháng 11/2023. Bước sang tháng 5 với hiệu ứng hay được nhắc tới là 'Sell In May, Go Away' - 'Bán trong tháng 5 và đi chơi', dự báo xu hướng của VN-Index kém tích cực khi còn nhiều rủi ro.
VN-Index trải qua tháng 4 "ảm đạm" khi chứng kiến một nhịp sụt giảm mạnh từ vùng 1.270 điểm xuống vùng 1.180 điểm giữa tháng, trước những rủi ro về vĩ mô như tỷ giá tăng mạnh, bất ổn địa chính trị trên thế giới… khiến xu hướng tăng điểm chấm dứt. Giá trị giao dịch trung bình đạt 21 nghìn tỷ đồng/phiên, hầu hết các nhóm, ngành cổ phiếu chịu áp lực điều chỉnh theo diễn biến thị trường chung. Tính chung cả tháng, VN-Index mất gần 75 điểm.
Tháng 5 nhiều rủi ro
Theo giới phân tích, diễn biến vừa qua của VN-Index đã kết thúc xu hướng tăng ngắn hạn bắt đầu từ tháng 11/2023. Diễn biến thanh khoản cũng củng cố cho kịch bản VN-Index chưa kết thúc nhịp điều chỉnh, chỉ đang hồi phục về mặt kỹ thuật.
Bước vào tháng giao dịch tiếp theo - tháng 5 với hiệu ứng hay được nhắc tới là “Sell in May and go away”, dự báo xu hướng của VN-Index kém tích cực.
“VN-Index có thể "sáng nắng, chiều mưa", bởi chỉ cần một biến cố thay đổi sẽ ngay lập tức tác động mạnh đến thị trường chứng khoán (TTCK). Nhà đầu tư phải theo dõi cả thị trường trong nước và diễn biến thế giới để tính toán”, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT CTCP AZfin Việt Nam lưu ý.
Thực tế, tháng 5 thường là khoảng thời gian thiếu vắng thông tin hỗ trợ, khi các báo cáo tài chính, họp đại hội cổ đông đều đã được công bố trước và trong tháng 4, trong khi số liệu kết quả kinh doanh quý II phải hết tháng 6, đầu tháng 7 mới được công bố. Hơn nữa, diễn biến TTCK trong nước còn chịu tác động bởi việc chia cổ tức của các doanh nghiệp sẽ diễn ra ào ạt trong quý II. Đây là những yếu tố tác động quan trọng đến tâm lý, động thái của nhà đầu tư, khiến tâm lý giao dịch của nhà đầu tư không quá tích cực.
Một vấn đề cũ nhưng vẫn đang là nỗi lo đối với đà hồi phục của TTCK trong cả ngắn và dài hạn là tình hình trái phiếu doanh nghiệp, khi hoạt động mua lại trước hạn vẫn trầm lắng. Theo đó, lũy kế từ đầu năm đến nay mới chỉ có khoảng hơn 13.100 tỷ đồng trái phiếu đã được mua lại trước hạn, giảm 64% so với cùng kỳ. Trong khi con số đáo hạn sẽ đạt đỉnh trong quý II này với tổng giá trị rơi vào khoảng 72.000-74.000 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 4/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 193.600 tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Trong đó, nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 70% giá trị chậm trả.
Trong khi đó, tình hình bên ngoài cũng vẫn có những rủi ro nhất định với TTCK Việt Nam. Nổi bật là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể không cắt giảm lãi suất như dự kiến, bởi những dữ liệu gần đây chỉ ra nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh và lạm phát chưa hạ nhiệt đủ nhanh. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến đồng USD đang rất mạnh và có tác động rõ ràng đến nhiều mặt của nền kinh tế trong nước, trong đó có TTCK. Động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước gần đây đối với tỷ giá là một ví dụ.
Hiện tại, TTCK thế giới vẫn sẽ là một trong những tham chiếu quan trọng cần theo dõi, đặc biệt là những vận động xung quanh phiên họp của Fed vào đầu tháng 5.
“Tuần qua, số liệu kinh tế và lạm phát tại Mỹ cho thấy những tín hiệu trái chiều, dự báo chính sách lãi suất của Fed thời gian tới khó đoán. Khả năng lãi suất chưa sớm giảm như kỳ vọng. Điều này có thể tiếp tục tạo ra áp lực đối với tỷ giá trong nước, vốn đã căng thẳng thời gian gần đây”, chuyên gia phân tích của Chứng khoán Nhất Việt (VFS) nhận định
Theo quan điểm của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc CTCP Chứng khoán DSC Chi nhánh TP HCM, TTCK Việt Nam sẽ bước vào tuần giao dịch sau lễ đầu tháng 5 với một số thông tin kém tích cực và nhà đầu tư cần hình dung những gì thị trường phải đối mặt. Dù vậy, để đánh giá những thông tin này có thực sự ảnh hưởng quá tiêu cực đến TTCK hay không thì cần nhìn lại những yếu tố đó có đủ ảnh hưởng mạnh tới 3 trụ cột của thị trường tăng giá năm nay hay không. Đó là chính sách nới lỏng tiền tệ; đà phục hồi kinh tế và kỳ vọng nâng hạng thị trường.
Cuối tháng khởi sắc?
Cũng theo ông Huy, sau những áp lực, nếu thị trường thế giới không quá tiêu cực sau phiên họp của Fed và trụ vững qua khoảng 1-2 tuần đầu tháng 5, tạo đáy sau cao hơn đáy trước thì nhà đầu tư có thể mạnh dạn hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội. Trong tình huống xấu gãy vùng MA200 1.170-1.180 điểm, vùng hỗ trợ mạnh tiếp theo ở vùng 1.120-1.130 điểm. Giám đốc DSC đánh giá cao quan điểm thị trường sẽ giữ vững và tích lũy được ở trên MA200 vì các tin xấu nói trên là không có gì bất ngờ với những ai cẩn trọng quan sát kỹ lưỡng.
"Dù theo kịch bản nào, việc tham gia mới vào TTCK trong những ngày đầu tháng 5 nên ở mức độ thăm dò, vừa phải và mạnh tay hơn khi thế cục đã rõ khi dần về cuối tháng. Một lần nữa, những thông tin xấu không quá bất ngờ và nếu không có những yếu tố bất ngờ thêm thì tôi vẫn thiên về kịch bản thị trường sẽ điều chỉnh ở mức độ vừa phải", ông Huy nêu.
Dưới góc nhìn tích cực, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, số dư tiền gửi tại các công ty chứng khoán tăng cao do nhiều nhà đầu tư đã bán bớt cổ phiếu trước kỳ nghỉ lễ. Bên cạnh đó, nguồn tiền nhàn rỗi từ các kênh tiết kiệm cũng đổ vào TTCK.
"Tôi tin dòng tiền sẽ không đứng yên, bức tranh vì thế sẽ khá sáng sủa sau kỳ nghỉ lễ”, ông Minh lạc quan dự báo.
Theo ông Minh, trường hợp trước kỳ nghỉ lễ, TTCK nếu tăng điểm nóng thì mới đáng lo ngại cho chu kỳ điều chỉnh sau nghỉ lễ, còn nếu thị trường giảm sâu trước khi nghỉ lễ thì lại là tín hiệu tích cực cho thời gian sau đó.
Trong bối cảnh diễn biến điều chỉnh chưa được xác nhận kết thúc, thị trường sẽ phân hóa mạnh, chuyên gia khuyến nghị việc cơ cấu danh mục cũng như chọn cổ phiếu sẽ quan trọng hơn dự báo chỉ số.
Theo đó, nhà đầu tư giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp, theo dõi thêm diễn biến giá tại vùng 1.200 - 1.230 điểm để đánh giá khả năng tạo đáy của thị trường. Nhà đầu tư trung - dài hạn có thể tiếp tục chiến lược giải ngân dần trong các nhịp giảm điểm, mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có triển vọng tích cực trong năm nay và định giá thấp hơn trung bình của nhiều năm.