Sen Tài Thu mất khả năng chi trả nhà đầu tư, ai chịu trách nhiệm?

Việc Tập đoàn Sen Tài Thu huy động hơn 1.000 tỷ đồng từ hàng trăm nhà đầu tư, rồi mất khả năng chi trả, câu hỏi được đặt ra là ai chịu trách nhiệm?

Thời gian qua, dư luận không khỏi xôn xao trước thông tin hàng trăm nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng hàng nghìn tỷ đồng, dưới hình thức chào bán cổ phần và cam kết sẽ mua lại với lãi suất 12%/năm của Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam (Tập đoàn Sen Tài Thu), khi doanh nghiệp tuyên bố không có khả năng chi trả.

Nhiều nhà đầu tư càng trở nên hoang mang, khi Tổng giám đốc đương nhiệm của công ty khẳng định, doanh nghiệp không biết toàn bộ số tiền khách hàng gửi vào đang ở đâu và đã được dùng vào việc gì.

Việc Sen Tài Thu mất khả năng chi trả nhà đầu tư, câu hỏi được đặt ra là: Ai chịu trách nhiệm?

Hàng trăm nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng hàng nghìn tỷ đồng, khi Sen Tài Thu mất khả năng chi trả. (Ảnh: VTV).

Hàng trăm nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng hàng nghìn tỷ đồng, khi Sen Tài Thu mất khả năng chi trả. (Ảnh: VTV).

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tuấn Long (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, vụ việc hiện đang được cơ quan Công an điều tra, vẫn chưa đưa ra kết luận xem có phải các nhà đầu tư bị lừa đảo hay không. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng cần làm rõ vai trò của các nhân viên ngân hàng đã giúp sức cho Tập đoàn Sen Tài Thu trong hoạt động huy động vốn có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cùng với đó là làm rõ trách nhiệm của ban lãnh đạo Tập đoàn này.

Trong khi đó Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp được phép thực hiện nhiều hình thức huy động vốn.

Luật đầu tư và luật doanh nghiệp quy định các hình thức huy động vốn vào doanh nghiệp gồm: Vốn góp ban đầu; huy động vốn bằng tín dụng ngân hàng; huy động vốn bằng phát hành trái phiếu; huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu; huy động vốn từ lợi nhuận không chia; huy động vốn bằng tín dụng thương mại; huy động vốn bằng cách thỏa thuận vay tiền từ tổ chức, cá nhân khác trong nền kinh tế. Đáng chú ý là hình thức huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu và vốn vay của các tổ chức, cá nhân.

Người nắm giữ cổ phần trong doanh nghiệp là loại hình công ty cổ phần thì được gọi là cổ đông. Trong đó pháp luật Việt Nam quy định cổ đông thành 03 loại chính tương ứng với các loại cổ phần bao gồm: Cổ đông sáng lập, cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi (theo khoản 4 Điều 4, khoản 1, khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020). Hiện nay, các văn bản pháp luật Việt Nam không có quy định là "cổ đông chiến lược", cổ đông danh dự... Cũng không có quy định cho phép doanh nghiệp cam kết mua lại cổ phần với giá thống nhất từ trước.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số doanh nghiệp đã sử dụng các khái niệm như "cổ đông chiến lược", thỏa thuận tặng cổ phần, bán cổ phần rồi cam kết sẽ mua lại với giá cao để huy động vốn trái phép, chiếm dụng vốn, thậm chí chiếm đoạt tài sản. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng lòng tin của người dân, của các nhà đầu tư để chiếm dụng vốn, thậm chí có thể còn là chiếm đoạt tài sản.

Bởi vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ các hành vi huy động vốn trái phép theo kiểu cam kết cổ đông chiến lược, cam kết mua lại cổ phần với giá cao, cam kết đầu tư mà không có rủi ro.

 Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Theo luật sư Cường, ngoài hình thức huy động vốn như trên thì một số doanh nghiệp cũng thực hiện hành vi huy động vốn như các tổ chức tín dụng, nhận tiền gửi, trả lãi suất cao với những sổ tiết kiệm, sổ khách hàng không khác gì hoạt động của các tổ chức tín dụng...

Đây là các hành vi huy động vốn trái phép, hoạt động tín dụng trái phép có dấu hiệu chiếm dụng vốn, thậm chí trong một số trường hợp còn có thể là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi vậy, trong trường hợp các doanh nghiệp thực hiện các chiêu trò, phương thức thủ đoạn là vay vốn, bán cổ phần, nhận tiền đặt cọc, nhận tiền hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh với nhiều người nhưng đã sử dụng tiền không đúng mục đích dẫn đến mất khả năng trả lại tiền cho người góp tiền thì hành vi này là nguy hiểm cho xã hội có dấu hiệu của tội sử dụng trái phép tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Các nhà đầu tư có quyền làm đơn trình báo tố giác tội phạm gửi đến cơ quan điều tra để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường nói.

Ông Đặng Văn Cường cho biết, với những giao dịch có tính chất chuyển giao tiền để sử dụng theo thỏa thuận trong một thời hạn rồi phải trả lại như cho vay, hợp tác đầu tư (không phải là một hình thức định đoạt) mà người nhận tiền lại sử dụng trái phép dẫn đến mất tiền của người khác từ 100.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép tài sản theo quy định tại Điều 177 bộ luật hình sự, với hình phạt có thể tới 7 năm tù.

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy hành vi nhận tiền của người khác bằng thủ đoạn gian dối, đã đưa ra thông tin các dự án không có thật, không đúng sự thật hoặc các thông tin gian dối khác nhằm huy động vốn trái phép rồi chiếm đoạt thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 174 bộ luật hình sự năm 2015 với chế tài cao nhất của tội danh này có thể đến 20 năm tù hoặc tù chung thân…”, ông Cường cho biết.

Khánh Hoài

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/sen-tai-thu-mat-kha-nang-chi-tra-nha-dau-tu-ai-chiu-trach-nhiem-1902122.html