Sẹo rỗ có tự hết không?

Sẹo rỗ tuy không gây ngứa, khó chịu, không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chúng khiến người gặp tình trạng này cảm thấy tự ti. Do đây là dạng tổn thương da không tự phục hồi nên rất khó điều trị. Quá trình xử lý sẹo rỗ khá tốn kém và mất nhiều thời gian...

NỘI DUNG:

1. Sẹo rỗ là gì?

2. Xử lý sẹo rỗ như thế nào?

3. Một số lưu ý khi điều trị sẹo rỗ

1. Sẹo rỗ là gì?

Theo ThS. BS. Nguyễn Ngọc Oanh, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, sẹo rỗ hay sẹo lõm, hình thành do tổn thương viêm nang lông tác động tới lớp trung bì.

Tình trạng này làm đứt gãy liên kết collagen - elastin, ảnh hưởng hệ thống đệm đỡ trong da không hồi phục, không thể lấp đầy vết thương nên khi vết thương lành để lại những vết lõm trên da.

Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến sẹo rỗ có thể kể đến như:

- Mụn: Mụn là một trong những nguyên nhân phổ biến để lại sẹo rỗ, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì, mụn trứng cá thường xuất hiện nhiều. Ngoài ra, các loại mụn khác như mụn bọc, mụn đầu đen, mụn mủ… nếu không xử lý kịp thời sẽ khiến lỗ chân lông tắc nghẽn, dẫn đến tổn thương da. Các trường hợp mụn viêm nhiễm nặng vẫn gây ra sẹo rỗ, ngay cả khi để mụn tự lành.

- Sẹo sau thủy đậu: Khi mắc bệnh thủy đậu, mụn nước xuất hiện khắp cơ thể, cùng với cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Bệnh thường khỏi sau 3 – 4 tuần, các nốt thủy đậu sẽ tự khô và thường không để lại sẹo. Tuy nhiên, một số trường hợp không được chăm sóc cẩn thận và đúng cách, các nốt thủy đậu vẫn để lại sẹo rỗ.

Nguyên nhân chính gây ra sẹo rỗ từ bệnh thủy đậu là da bị tổn thương do gãi quá nhiều, gây vỡ mụn nước, tình trạng bệnh diễn biến nặng, nhiễm trùng da làm mụn nước thành mụn mủ, hay do cơ địa dễ để lại sẹo. Sẹo rỗ từ bệnh thủy đậu mọc rải rác, không tập trung nhiều và bề mặt rộng từ 3 – 8mm.

- Nguyên nhân khác: Sẹo rỗ có thể hình thành do các nguyên nhân khác, chẳng hạn như viêm nang lông, vết thương bị bỏng, vấp ngã...

Sẹo rỗ không thể tự đầy lên bởi chúng là một dạng tổn thương vĩnh viễn vì các nguyên bào sợi bị đứt gãy không thể sản sinh collagen.

Sẹo rỗ không thể tự đầy lên bởi chúng là một dạng tổn thương vĩnh viễn vì các nguyên bào sợi bị đứt gãy không thể sản sinh collagen.

2. Xử lý sẹo rỗ như thế nào?

Sẹo rỗ không thể tự đầy lên. Về bản chất, sẹo rỗ là quá trình chữa lành sau khi da bị tổn thương. Chúng tạo nên sẹo một phần để làm hàng rào che chắn cho da khỏi vi khuẩn và các tác nhân gây hại từ bên ngoài. Đây được xem như một dạng tổn thương vĩnh viễn vì các nguyên bào sợi bị đứt gãy không thể sản sinh collagen.

Thông thường, để điều trị sẹo rỗ, cần kết hợp đa trị liệu, nghĩa là phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để tăng tái tạo collagen và phục hồi da.

Một số phương pháp cải thiện sẹo rỗ như:

- Đường bôi: Các sản phẩm giúp kích thích tăng sinh collagen, tế bào mới làm đầy sẹo như tretinoin, retinol... kết hợp vitamin C, niacinamide, hyaluronic acid...

Peel da hay còn gọi là lột da hóa học, có thể được áp dụng để điều trị sẹo rỗ dạng nhẹ. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của sẹo rỗ mà chuyên gia da liễu sẽ lựa chọn loại, nồng độ hóa chất phù hợp cho bệnh nhân. Các hóa chất này thường acid glycolic hoặc phenol có công dụng lột da mạnh hơn.

Các chất này sau khi được bôi lên da sẽ phá hủy lớp mô da bị tổn thương, gây bong tróc và kích thích lớp mô mới phát triển nhằm tái tạo biểu bì da. Phương pháp này có tác dụng làm mờ đi vết sẹo rỗ nông, có tác dụng cải thiện làn da sau vài tuần điều trị.

- Lăn kim: Phương pháp này tạo quá trình viêm tạm thời, kích thích tái tạo collagen và sửa chữa của làn da, từ đó giúp làm mờ sẹo rỗ.

Ngoài ra, một số phương pháp khác như laser vi điểm, RF vi điểm, laser CO2 Fractional cũng có cơ chế tác động tương tự lăn kim. Có thể kết hợp với các phương pháp như peel da (lột da hóa học) để tăng cường hiệu quả tái tạo.

- Tiêm chất làm đầy: Chất làm đầy hay còn gọi là filler được ứng dụng trong điều trị sẹo rỗ, giúp nâng bề mặt sẹo lên bằng với lớp da bình thường xung quanh. Tiêm filler giúp làm đầy và giảm sẹo nhanh chóng. Tuy nhiên hiệu quả chỉ kéo dài khoảng 1-2 năm do filler sẽ tiêu mất dưới da, cần lặp lại điều trị để duy trì hiệu quả nhất định.

3. Một số lưu ý khi điều trị sẹo rỗ

Điều trị sẹo rỗ là quá trình phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì để đạt hiệu quả tối ưu. Mỗi phương pháp điều trị sẹo rỗ đều có những ưu nhược điểm riêng, tiềm ẩn mối nguy hiểm nếu thực hiện ở cơ sở làm đẹp không uy tín. Bởi vậy, điều quan trọng là mỗi người cần trang bị kiến thức cho mình và lựa chọn địa chỉ tin cậy, nên ưu tiên các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, làm đẹp.

Ngoài ra, cần lưu ý:

- Điều trị sẹo sớm nhất có thể: Điều trị ngay khi sẹo mới hình thành, chân sẹo còn non và chưa bị xơ cứng, sẽ hiệu quả và tiết kiệm thời gian hơn. Nếu sẹo để lâu, cấu trúc sẹo săn chắc thì sẽ khó xử lý hơn rất nhiều.

- Tuân thủ đúng theo liệu trình điều trị: Tránh bỏ điều trị giữa chừng. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ quy trình chăm sóc và bảo vệ da nghiêm ngặt theo từng phương pháp. Bởi hầu hết các phương pháp trị sẹo lõm nêu trên đều khiến da trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng, khô hơn… Vì thế, nếu không tránh nắng cẩn thận đúng cách, có thể khiến da nám sạm nhiều hơn.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Những lý do khiến mụn lưng tiến triển dai dẳng và cách khắc phục - SKĐS

An Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/seo-ro-co-tu-het-khong-169240702161010699.htm