Seoul ra loạt giải pháp ngăn lặp lại thảm họa ngập lụt lịch sử

Sau đợt mưa ngập lịch sử, Seoul đang gấp rút xúc tiến hàng loạt giải pháp ngăn lặp lại thảm họa như xây bể chứa và đường ống thoát nước dưới lòng đất, cấm cấp phép xây dựng nhà hầm làm nhà ở.

Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) vừa trải qua đợt mưa lớn nhất trong 115 năm với tổng lượng mưa lên đến 525 mm mỗi giờ đã đổ xuống Seoul từ ngày 8 đến 10-8. Đợt mưa lớn lịch sử này đã gây ra nhiều trận lũ quét khắp phía nam Seoul và ngập lụt nghiêm trọng cả thủ đô. Đường phố biến thành sông, lũ lụt tràn vào các ga tàu điện ngầm, gây ra lở đất đổ xuống đường và các tòa nhà. Ít nhất 20 người chết và mất tích, hơn 2.800 công trình nhà cửa bị nhấn chìm, theo hãng thông tấn Yonhap.

 Một căn hộ nửa hầm gần quận Gwanak ở Seoul (Hàn Quốc) bị ngập. Ba người cùng một gia đình đã chết vào đêm 8-8 vì không kịp thoát ra khi căn hộ ngập nước quá nhanh. Ảnh: YONHAP

Một căn hộ nửa hầm gần quận Gwanak ở Seoul (Hàn Quốc) bị ngập. Ba người cùng một gia đình đã chết vào đêm 8-8 vì không kịp thoát ra khi căn hộ ngập nước quá nhanh. Ảnh: YONHAP

Xây bể chứa và đường ống thoát nước dưới lòng đất

Nhằm ngăn chặn thảm họa nghiêm trọng này tái diễn, ngày 11-8, chính quyền Seoul công bố loạt giải pháp phòng chống lũ lụt trung và dài hạn, ngăn thảm họa tái diễn, Yonhap đưa tin.

Theo các biện pháp được Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon công bố ngày 11-8, chính quyền thủ đô sẽ chi 1.500 tỉ won (1,15 tỉ USD) trong 10 năm tới để xây dựng sáu bể chứa và đường ống thoát nước mưa quy mô lớn dưới lòng đất. Theo dự án hầm chui này, Seoul sẽ xây dựng các ống thoát nước quy mô lớn với đường kính mỗi ống khoảng 10 m ở độ sâu 40-50 m dưới lòng đất.

Kế hoạch này đã được Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol lên tiếng ủng hộ ngày 10-8. Ông chỉ ra sự cần thiết phải xem xét lại hệ thống quản lý thiên tai của đất nước, vì thời tiết cực đoan được cho là sẽ ngày càng trở nên phổ biến do khủng hoảng khí hậu, nhấn mạnh việc xây dựng thêm bể chứa nước mưa và đường hầm, cũng như cải tiến công nghệ dự báo lũ lụt.

Giai đoạn đầu, chính quyền Seoul sẽ xây dựng các đường hầm chứa nước mưa dưới lòng đất tại ba khu vực xung quanh ga Gangnam ở phường Gangnam, suối Dorim ở phường Gwanak và ga Gwanghwamun ở trung tâm Seoul vào năm 2027.

Tại phường Gangnam, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt mưa lớn kinh hoàng vừa rồi, đường hầm dưới lòng đất sẽ được thiết kế có thể chống chọi với lượng mưa lớn lên tới 110 mm mỗi giờ. Trong đợt mưa vừa rồi, các khu vực phía nam Seoul đã phải hứng những trận mưa xối xả trên 100 mm mỗi giờ.

Dự án đường hầm dẫn nước mưa sâu dưới lòng đất (ở bảy địa điểm) lần đầu tiên được ông Oh Se-hoon công bố vào tháng 7-2011 khi ông phục vụ nhiệm kỳ thị trưởng Seoul trước (2006-2011). Tuy nhiên, dự án đã bị hoãn lại do các vấn đề ngân sách sau khi người kế nhiệm Park Won-soon nhậm chức vào tháng 10 cùng năm. Thay vào đó, chính quyền của ông Park xây dựng một trong bảy đường hầm dưới lòng đất do ông Oh Se-hoon đề xuất ở quận Sinwol, tây nam Seoul. Cơ sở lưu trữ nước mưa ở Sinwol được hoàn thành vào tháng 5-2020, có thể xử lý lượng mưa 95-100 mm mỗi giờ và chứa 320.000 tấn nước. Khu vực này không bị thiệt hại do lũ lụt nghiêm trọng trong tuần này.

Đúng, đây chắc chắn là thời tiết bất thường nhưng chúng ta đã đến một thời điểm mà không thể gọi thời tiết bất thường là bất thường nữa. Chúng ta có thể chứng kiến lượng mưa kỷ lục mới bất cứ lúc nào. Chúng ta cần sẵn sàng phản ứng cho một tình huống tồi tệ hơn chúng ta tưởng tượng.

Tổng thống Hàn Quốc YOON SUK-YEOL

Cấm cấp phép xây dựng nhà hầm làm nhà ở

Theo Yonhap, ngày 10-8, chính quyền Seoul quyết định trong tương lai sẽ không phê duyệt sử dụng loại hình nhà hầm và nửa hầm làm nhà ở. Quyết định này được đưa ra sau sự việc đau lòng ba người cùng một gia đình chết đuối trong căn nhà nửa hầm tối 8-8 ở quận Gwanak vì nước dâng quá nhanh, không thoát ra kịp.

Các căn nhà hầm và nửa hầm này xuất hiện từ những năm 1970 trong bối cảnh căng thẳng liên Triều leo thang và Hàn Quốc đề nghị người dân xây thêm phòng bên dưới căn nhà của họ để trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp. Hiện loại hình nhà này chủ yếu là lựa chọn của người có thu nhập thấp. Bên cạnh sự tù túng về không gian, thiếu ánh sáng mặt trời, các căn nhà kiểu này cũng chịu rủi ro lớn khi trời mưa làm nước trên đường tràn xuống.

Trong đợt mưa lũ lịch sử vừa rồi, thiệt hại về người và tài sản chủ yếu ở các khu nhà hầm và nửa hầm. Chính thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cũng thừa nhận “nhà hầm hay nửa hầm là kiểu nhà ở rất lạc hậu, không đảm bảo an toàn cho người dân”.

Thực ra vào năm 2012, Hàn Quốc đã sửa đổi Luật Xây dựng, cấm xây các căn nhà hầm hoặc nửa hầm tại các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn có hơn 40.000 căn hộ dạng nửa hầm được xây dựng. Tính đến năm 2020, trung tâm Seoul có khoảng 200.000 căn nhà hầm và nửa hầm, chiếm 5% tổng số hộ gia đình tại thủ đô.

Chính quyền Seoul đang xúc tiến thực hiện một số biện pháp đảm bảo an toàn và cải thiện môi trường sống cho những hộ dân hiện đang sống trong các căn nhà hầm và nửa hầm ở các khu vực dễ bị ngập lụt. Về xa hơn, các nhà chức trách Seoul sẽ có hướng hỗ trợ những hộ đang sống trong các căn nhà hầm và nửa hầm chuyển đến sống tại các khu nhà ở giá cả phù hợp.•

Seoul nỗ lực dọn dẹp sau ngập

Ngày 12-8, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo chỉ thị chính phủ nhanh chóng thực hiện các bước để chỉ định các khu vực bị ảnh hưởng là vùng thiên tai đặc biệt. Nếu được chỉ định, các khu vực bị ảnh hưởng sẽ đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính của chính phủ trong công tác phục hồi, cứu trợ nạn nhân và các lợi ích khác.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol kêu gọi chính quyền trung ương trợ giúp tài chính, hỗ trợ nhân sự cho các TP và chính quyền khu vực để đẩy nhanh các nỗ lực phục hồi.

Từ ngày 10-8, nỗ lực dọn dẹp đã được xúc tiến dù trời vẫn còn mưa (nhẹ hơn hai ngày trước đó). Gần 3.000 nhân viên chính phủ, bao gồm cảnh sát và nhân viên cứu hỏa, 1.300 binh sĩ, cùng hàng chục máy xúc và xe ben đã được triển khai khắc phục hậu quả ngập lụt. Bộ Nội vụ và An toàn cho biết đến chiều 10-8, công nhân đã hoàn tất khôi phục hơn 90% trong số khoảng 2.800 công trình, nhà cửa, đường sá và các cơ sở hạ tầng khác ở Seoul bị hư hại, được ưu tiên phải khắc phục khẩn cấp.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/seoul-ra-loat-giai-phap-ngan-lap-lai-tham-hoa-ngap-lut-lich-su-post693680.html