Sếp cân nhắc gì khi đưa nhân viên trở lại văn phòng sau giãn cách

Khi nhiều doanh nghiệp rục rịch mở cửa văn phòng sau giãn cách, những người lãnh đạo cũng có sự chuẩn bị riêng.

Khi nhiều doanh nghiệp rục rịch mở cửa văn phòng sau giãn cách, những người lãnh đạo cũng có sự chuẩn bị riêng.

Không ít người lao động cảm thấy khó khăn khi trở lại văn phòng sau một thời gian giãn cách xã hội. Họ đã quen với việc làm ở nhà, giao tiếp với sếp và đồng nghiệp qua máy tính, điện thoại.

Các lãnh đạo phải giải bài toán giúp nhân viên thích nghi với sự thay đổi, giữ vững tinh thần và đạt hiệu quả cao trong công việc.

Zing đã có cuộc trò chuyện với một số quản lý để nghe dự định của họ trong giai đoạn bình thường mới.

Ưu tiên kết nối và giữ an toàn cho teamVivian Phạm - Senior Digital Marketing Manager - Suntory PepsiCo Việt Nam

Hiện tại, công ty tôi chưa thông báo kế hoạch trở lại văn phòng. Dù đi làm nghĩa là các thói quen khi work from home phải thay đổi, tôi và mọi người đều mong đến ngày gặp nhau.

Ngày đầu tiên quay về, có lẽ chúng tôi sẽ bỡ ngỡ ít nhiều. Trong suốt 4 tháng giãn cách, không ít bạn management trainee (quản trị viên tập sự) đến với nhóm mà tôi chưa có dịp trò chuyện trực tiếp.

Do đó, tôi dự định ưu tiên kết nối team ở thời điểm này và giúp các bạn gần gũi nhau hơn qua các hoạt động chia sẻ, ăn uống tại văn phòng,...

Từ trước đến nay, chúng tôi vẫn luôn theo dõi tiến độ công việc trực tuyến, vì vậy không có khó khăn gì khi ở nhà cũng như lúc trở lại. Duy có vấn đề an ninh xã hội là điều khiến tôi lo lắng, cụ thể là tình trạng cướp giật sau dịch.

Nhiều bạn nhân viên của tôi thường có thói quen ở lại công ty muộn để làm việc hay chơi board game. Trong giai đoạn sắp tới, tôi sẽ khuyến khích mọi người về sớm hơn, đồng thời in các chứng nhận, mã QR để hạn chế mở điện thoại trên đường.

Ngoài ra, tôi nghĩ mình có thể thông cảm việc các bạn đôi khi đi muộn hay chưa đạt năng suất tối đa. Chúng ta đều cần thời gian điều chỉnh nhịp sinh học và thích nghi với sự bình thường mới.

Sẵn sàng chia sẻ khó khăn khi về lại văn phòngThái Hà - Growth Strategy Manager - ZaloPay

Điều khiến tôi yên tâm khi TP.HCM nới lỏng giãn cách là cả team đã được tiêm vaccine đầy đủ. Trong trường hợp công ty đưa thông báo chính thức về việc đi làm trở lại, hầu hết chúng tôi cũng đã sẵn sàng.

Thành viên team tôi đều rất trẻ, do đó có thể thích nghi với work from home khá nhanh chóng. Thay vì di chuyển trên đường, các bạn có thêm thời gian đọc sách, nghỉ ngơi và linh hoạt xử lý công việc.

Trừ những bất lợi về mặt tương tác với đồng nghiệp, còn lại, tôi nghĩ team không có vấn đề với làm việc từ xa. Nếu nhân viên mong muốn và công ty cho phép, tôi hoàn toàn ủng hộ việc áp dụng mô hình kết hợp làm việc ở văn phòng và tại gia.

Ví dụ, mọi người có thể đến công ty 2-3 ngày/tuần để teamwork thuận lợi hơn, sau đó tiếp tục làm tự do để giữ sự thoải mái. Tôi tin rằng tinh thần tốt thì làm việc mới tốt được.

Trong lúc chờ đợi, tôi sẽ quan tâm và trao đổi trực tiếp xem mỗi người cảm thấy như thế nào, cần sự giúp đỡ gì để thích nghi với thay đổi mới, hoặc các bạn thích mô hình làm việc ra sao.

Nếu có khó khăn nào mà tôi có thể chia sẻ để team tập trung hoàn thành công việc tốt hơn, tôi rất sẵn lòng.

Cho phép 50% nhân viên đăng ký đi làm trướcTuấn Hải - Founder/CEO - The A List

Team tôi vẫn làm việc cùng nhau 5 ngày/tuần, từ 9h đến 18h hoặc muộn hơn trong thời gian giãn cách. Mọi công việc, deadline, báo cáo nhờ vậy vẫn được duy trì bình thường nhất có thể.

Cả tôi và các bạn trong team đều đã chuẩn bị nguồn lực để quay lại cuộc sống mới mạnh mẽ hơn. Trước đó, chúng tôi dành thời gian để tuyển dụng, đánh giá lại nhân sự, quy trình và sản phẩm của mình. Đây là những điều mà khi bận rộn tôi chưa làm được.

Sau một vài tháng nghỉ dịch, việc quay lại 8 tiếng một ngày ở văn phòng cũng cần thời gian quen dần. Vì vậy, tôi để 50% nhân viên đăng ký đi làm trước rồi tăng số lượng sau.

Khi điều hành công ty, tôi luôn muốn tìm giải pháp để nhân sự có môi trường làm việc hiệu quả nhất. Nếu các bạn đề xuất muốn có thời gian làm việc ở nhà để năng suất, sáng tạo hơn, tôi sẽ đồng ý.

Đi kèm với sự thoải mái trong công việc chắc chắn phải có những tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng từ công ty. Mục đích là dù bạn ở đâu, làm gì cũng có thể nắm rõ và đảm bảo khối lượng công việc, từ đó đem lại kết quả xứng đáng với vị trí công ty dành cho bạn.

Có thể linh hoạt thời gian làm việcHạnh Nguyễn - Senior Media Manager - Heineken Việt Nam

Có thể nói thời gian vừa qua là lúc team tôi "rơi rớt" từng mảnh theo đúng nghĩa đen: Các kế hoạch phải sửa hàng ngày, hàng giờ, một số bạn rời thành phố hoặc xin nghỉ, người mới gia nhập cũng chỉ được đón tiếp qua màn hình máy tính.

Bằng cách lên văn phòng làm việc sớm, chúng tôi sẽ có cơ hội làm mới tinh thần và gần gũi với nhau nhiều hơn. Ngồi tại văn phòng cũng giúp team tiết kiệm các buổi họp nhờ xác nhận công việc trực tiếp.

Tuy vậy, tôi hiểu quá trình chuyển tiếp sẽ mất một thời gian để làm quen.

Với những bạn chưa sẵn sàng đi làm, tôi hoàn toàn tôn trọng lý do cá nhân. Ở giai đoạn này, sức khỏe thể chất và tâm lý cần được đặt lên hàng đầu.

Nếu cần thiết, tôi sẽ cho các bạn làm việc từ xa 1-2 ngày trong tuần và luân phiên theo lượt. Chỉ cần team vẫn quản lý được thời gian và giữ hiệu suất công việc tốt, tôi có thể cân nhắc việc chính thức áp dụng phương án trên sau 1-2 tháng thử nghiệm.

Tôi cũng dự định tạo điều kiện cho các bạn tham gia một số hoạt động ngoại khóa như thiền, yoga, hoặc chuẩn bị những món quà nhỏ giúp các bạn có niềm vui khi đến công ty mỗi sáng.

Thời điểm này khó tránh khỏi vài khoảnh khắc mất tập trung hay mắc sai lầm. Và tôi nghĩ trách nhiệm của một leader là quan sát, "báo động" và đưa team mình trở lại đường đua.

Thiên Hân, Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sep-can-nhac-gi-khi-dua-nhan-vien-tro-lai-van-phong-sau-gian-cach-post1268360.html