Sếp công ty 'dạy làm giàu' nhận thù lao chỉ 500.000 đồng/tháng
Được giới thiệu là chuyên gia bất động sản được trả phí cao nhất Việt Nam, thù lao của ông Nguyễn Thành Tiến với vai trò Chủ tịch HĐQT tại VLA chỉ vỏn vẹn 500.000 đồng/tháng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tổ chức hồi đầu năm, CTCP Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang (HNX: VLA) đã trình cổ đông và được thông qua kế hoạch chi trả thù lao cho các thành viên HĐQT, ban lãnh đạo công ty.
Trong đó, VLA dự kiến chỉ dành khoảng 37 triệu đồng để trả thù lao cho 9 thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và thư ký HĐQT trong năm nay. Đáng chú ý, mức thù lao của ông Nguyễn Thành Tiến, Chủ tịch HĐQT dự kiến chỉ khoảng 6 triệu đồng năm nay, tương đương 500.000 đồng/tháng.
Cùng với đó, các vị trí lãnh đạo khác trong công ty cũng chỉ nhận thù lao vài trăm nghìn đồng mỗi tháng như Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Hữu Thuận nhận 400.000 đồng/tháng, tương đương 4,8 triệu đồng cả năm. 3 Thành viên HĐQT còn lại nhận thù lao 300.000 đồng/người/tháng, tương đương 3,6 triệu đồng/người/năm.
Các nhân sự giữ vai trò thư ký HĐQT và thành viên Ban kiểm soát VLA cũng dự kiến chỉ nhận mức thù lao 300.000-400.000 đồng/tháng năm nay.
Được biết, CTCP Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang tiền thân là công ty thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, được thành lập theo quyết định năm 2007 của Nhà xuất bản Giáo dục. Hiện tại, 3 nhóm hoạt động chính của doanh nghiệp này gồm bất động sản; khách sạn, khu nghỉ dưỡng; đào tạo, tư vấn kinh doanh và đầu tư.
Kể từ năm 2020, sau khi chuyên gia "dạy làm giàu" Nguyễn Thành Tiến lên làm Chủ tịch, công ty chuyển đổi sang hoạt động đào tạo kỹ năng tư duy, bán hàng, giao tiếp, lãnh đạo, quản lý tài chính, quản lý thời gian; đào tạo kỹ năng nói trước công chúng. Tính đến cuối năm 2023, ông Tiến sở hữu khoảng 9,08% cổ phần VLA.
Bên cạnh việc trực tiếp giảng dạy, ông Nguyễn Thành Tiến còn sở hữu kênh YouTube với gần 180.000 người theo dõi, đồng thời là diễn giả của nhiều khóa học chiến lược đầu tư, bán hàng và đàm phán trong lĩnh vực bất động sản. Giá thành các khóa học dao động từ vài trăm nghìn cho đến cả trăm triệu đồng.
Về kết quả kinh doanh, trong quý I năm nay, VLA ghi nhận doanh thu sụt giảm 69% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 988 triệu đồng. Trong đó, hầu hết nguồn thu công ty đến từ mảng đào tạo.
Nguyên nhân doanh thu đi lùi được lãnh đạo công ty lý giải do số lượng học viên tham gia đăng ký khóa học sụt giảm mạnh. Sau khi khấu trừ các loại chi phí, VLA báo lỗ trước thuế gần 2 tỷ đồng.
Trên thực tế, doanh thu hàng năm của VLA tương đối "lẹt đẹt", chỉ dao động vài tỷ đồng trong khi lợi nhuận có năm chỉ đạt vài chục triệu đồng. Mức lợi nhuận cao nhất mà doanh nghiệp từng ghi nhận là gần 6 tỷ đồng vào năm 2021.
Năm nay, VLA đặt mục tiêu doanh thu 20 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 4 tỷ đồng, tăng lần lượt gấp 2 và 4 lần so với thực hiện năm 2023. Như vậy, sau quý kinh doanh đầu năm, công ty mới hoàn thành 5% kế hoạch doanh thu và chưa ghi nhận bất kỳ đồng lợi nhuận nào.
Mới đây, VLA đã quyết định bổ nhiệm ông Dương Thế Quang giữ chức Thành viên độc lập HĐQT kể từ ngày 17/6.
Trong khi đó, ông Phạm Đăng Hoàng Huy được miễn nhiệm chức danh Thành viên độc lập HĐQT theo nguyện vọng cá nhân.
Theo giới thiệu, ông Dương Thế Quang (sinh năm 1973) từng làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ HD (HDCapital); Thành viên HĐQT CTCP Bia, Rượu Sài Gòn - Đồng Xuân.
Ngoài ra, vị này từng giữ vị trí Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán HD (giai đoạn 2020-2022); Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Chứng khoán NH Đông Á (giai đoạn 2017-2020); Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Sao Vàng (giai đoạn 2015-2017); Giám đốc Đầu tư CTCP Quản lý quỹ VinaWealth thuộc VinaCapital (giai đoạn 2011-2015).
Hiện nay, ông Quang không sở hữu bất cứ cổ phần nào tại VLA.
Theo ban lãnh đạo VLA, sự góp mặt của ông Quang vào HĐQT sẽ giúp chuẩn hóa các hoạt động của một công ty niêm yết, nâng cao chất lượng đầu tư ở công ty cũng như mở rộng các mối quan hệ đối tác chiến lược.