Sếp cũng ngán ngẩm với kế hoạch làm việc 69 giờ/tuần

Nhiều công ty ở xứ kim chi cho biết họ chỉ tăng giờ làm tạm thời trong trường hợp có sự cố vận hành hoặc đáp ứng nhu cầu ngắn hạn của khách hàng.

 Nhiều người lao động xứ củ sâm không đồng tình trước đề xuất của chính phủ. Ảnh: The Korea Herald.

Nhiều người lao động xứ củ sâm không đồng tình trước đề xuất của chính phủ. Ảnh: The Korea Herald.

Theo cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) với 302 công ty, hơn 7 trong số 10 doanh nghiệp cho hay họ không sẵn sàng chấp nhận kế hoạch làm việc 69 giờ/tuần được đề xuất gần đây.

Gần 3/4 số ít người đồng ý nói rằng thời gian tăng ca sẽ được thực hiện tạm thời trong trường hợp nhu cầu ngắn hạn tăng đột biến, sản xuất bị gián đoạn do trục trặc thiết bị hoặc mùa cao điểm, Korea Times đưa tin.

Ngoài ra, 74,5% doanh nghiệp khẳng định họ chỉ yêu cầu nhân viên đến văn phòng tối đa dưới 60 giờ/tuần. Trong số những người lao động có số giờ vượt ngưỡng 60 tiếng, 90,7% là nhân viên của các công ty sản xuất.

Điều này phản ánh tình trạng thiếu nhân lực toàn ngành trong vài năm qua.

Chỉ 27,8% xác nhận họ sẽ áp dụng tuần làm việc tối đa là 69 giờ.

Hôm 6/3, Bộ Lao động Hàn Quốc đã lên tiếng giải thích về điều chỉnh giờ làm: "Tùy thuộc vào sở thích của người lao động, có thể làm việc 4 hoặc 4,5 ngày/tuần. Trong trường hợp các cặp vợ chồng có thu nhập kép, công việc và cân bằng cuộc sống sẽ được cải thiện chẳng hạn như thông qua việc điều chỉnh thời gian đi lại để đưa con cái đến trường hoặc học viện".

Khoảng 56% công ty sẽ nâng thời gian lên nếu chính phủ ép buộc trong những tháng tới.

72,2% trong tỷ lệ trên cho hay sự điều chỉnh sẽ bị bỏ qua trừ khi nó cần thiết do nhu cầu ngắn hạn của khách hàng hoặc sự cố không mong muốn trong quá trình vận hành.

Nhiều công ty được khảo sát trả lời rằng sức khỏe của người lao động cần được bảo vệ tốt hơn.

Khoảng 32,5% đồng tình với ý kiến doanh nghiệp nên vạch ra các chiến lược rõ ràng để làm điều đó, trong khi 30,8% góp ý những chi tiết cụ thể cần được thống nhất thông qua những cuộc thảo luận về quản lý cùng với đội ngũ nhân sự.

 Một số công ty e ngại kế hoạch làm việc 69 giờ/tuần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của nhân viên. Ảnh: Variety.

Một số công ty e ngại kế hoạch làm việc 69 giờ/tuần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của nhân viên. Ảnh: Variety.

Chưa đến một nửa công ty, tương đương 45,4%, đảm bảo nhân viên được nghỉ phép theo quy định của chính phủ. 54,6% sẽ bồi thường bằng tiền cho số ngày nghỉ không sử dụng.

Khoảng 32,7% chọn nhận tiền là phương án tốt hơn so với được nghỉ phép do khối lượng công việc nặng.

Trước làn sóng phản đối gay gắt, giới chức Hàn Quốc mới đây phải tuyên bố xem xét lại kế hoạch tăng số giờ làm việc tối đa.

Nhiều người cho rằng kiến nghị trên không được cân nhắc kỹ lưỡng qua các cuộc thảo luận cởi mở về những thách thức và nhu cầu của người sử dụng lao động, nhân viên, cũng như cách giải quyết chúng.

Trong một báo cáo khác, ý kiến thu thập từ 502 công ty lại có phần mâu thuẫn so với khảo sát được được công bố vào tháng trước.

79,5% cho biết bản sửa đổi sẽ bổ sung khả năng cạnh tranh của họ và tạo thêm công việc, mang lại sức sống cho các hoạt động kinh doanh tổng thể.

Khoảng 80,7% nghĩ rằng thị trường lao động sẽ được cải thiện do số lượng việc làm tăng lên và an ninh ngày càng củng cố.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sep-cung-ngai-tang-gio-lam-post1415330.html