Sếp ngoại chi tiền mua cổ phiếu tỷ phú Việt, ngân hàng dậy sóng
Các ngân hàng đối mặt với nhiều áp lực, từ nợ xấu do đại dịch Covid-19 cho tới áp lực tăng vốn thời hội nhập và một lượng cung lớn cổ phiếu... nhưng nhóm này vẫn hấp dẫn giới đầu tư, nhất là giới chuyên nghiệp.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, CEO của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (TCB) Jens Lottner vừa đăng ký mua 439.000 cổ phiếu TCB theo phương thức giao dịch thỏa thuận ngoài sàn từ ngày 1-27/10/2020.
Với mức giá khoảng 23.000 đồng/cp như hiện tại, ước tính CEO Jens Lottner sẽ chi ra số tiền khoảng hơn 10 tỷ đồng để mua cổ phiếu TCB của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh.
Trước đó, Techcombank đã tăng room ngoại từ 22,5% lên mức 22,51% vốn điều lệ để chuẩn bị cho việc tân CEO là người nước ngoại nâng sở hữu tại ngân hàng. Techcombank cũng như nhiều ngân hàng đã chốt room ngoại để dành cho các đối tác chiến lược sau này.
Trước đó, cổ đông lớn của HDBank là Sovico của nhà nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo đã hoàn tất mua 10 triệu cổ phiếu HDBank theo đăng ký. Với việc mua đủ khối lượng 10 triệu cổ phiếu đăng ký, Sovico đã tăng tỷ lệ sở hữu từ 13,34% lên 14,36%.
Trong thời gian gần đây, các cổ phiếu ngân hàng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư do đã vượt qua được giai đoạn tái cấu trúc. Nhiều ngân hàng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận nghìn tỷ và tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước cho dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Trong nửa đầu 2020, Techcombank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gấp 5 lần cùng kỳ nhưng lợi nhuận trước và sau thuế vẫn tăng gần 20% lên tương ứng trên 6,7 và gần 5,4 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng này đặt mục tiêu 13 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm.
Cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) của ông Dương Công Minh gần đây tăng mạnh trong bối cảnh có tin đồn ông lớn Thaco sẽ mua cổ phiếu ngân hàng này. CTCP Chứng khoán Liên Việt vừa cho biết đã thoái thành công 3 triệu cổ phiếu STB theo phương thức khớp lệnh.
Sacombank trong vài năm gần đây đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu để chuẩn bị cho một giai đoạn bứt phá mới.
Không ít ngân hàng hàng bán nợ nghìn tỷ, bán nhiều tài sản thế chấp giá trị lớn. Sacombank gần đây rao bán tài sản thế chấp lớn là KCN Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) để xử lý, thu hồi nợ.
Không chỉ xử lý nợ xấu, các ngân hàng cũng phải đẩy nhanh quá trình tăng vốn để đáp ứng các tiêu chí an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao hơn. Việc tăng vốn sẽ giúp ngan hàng củng cố bộ đệm vững chắc hơn, tạo nguồn lực dự phòng xử lý nợ xấu tốt hơn, đảm bảo an toàn hoạt động.
Các ngân hàng như MBBank, OCB, LienVietPostBank, VIB, ACB, HDBank, BacABank, SeABank,... đẩy mạnh tăng vốn theo các hình thức khác nhau. ACB sắp niêm yết bổ sung gần 500 triệu cổ phiếu.
Trong thời gian ngắn sắp tới, hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng sẽ giao dịch. Lượng hàng hóa là rất lớn. Tuy nhiên, độ hấp dẫn của cổ phiếu các ngân hàng vẫn khá cao. Giá cổ phiếu ngân hàng tiếp tục xu hướng đi lên.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 29/9, chỉ số VN-Index tăng nhẹ và quay ngưỡng 910 điểm.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo YSVN, thị trường có thể duy trì đà tăng và VN-Index có thể sẽ kiểm định mức 920 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, nhóm cổ phiếu largecaps có dấu hiệu thu hút dòng tiền trở lại. YSVN kỳ vọng xu hướng tăng ngắn hạn của nhóm cổ phiếu này sẽ bền vững hơn trong vài phiên tới. Ngoài ra, rủi ro ngắn hạn vẫn có chiều hướng tăng nhẹ cho nên áp lực điều chỉnh có thể sẽ xuất hiện khi VN-Index tiến sát mức kháng cự ngắn hạn 920 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/9, VN-Index tăng 4,23 điểm lên 912,5 điểm; HNX-Index tăng 1,6 điểm lên 133,12 điểm. Upcom-Index tăng 0,49 điểm lên 61,78 điểm. Thanh khoản đạt 8,2 nghìn tỷ đồng.