Sếp Viwasupco Nguyễn Văn Tốn, Bùi Đăng Khoa: Các anh càng trả lời, càng vô cảm... lố lắm?
Vụ việc nước sạch nhiễm dầu nghiêm trọng hơn chính là do tư duy xử lý vấn đề của lãnh đạo Viwasupco khi họ càng hành động, càng phát ngôn càng khiến người dân thất vọng và mất niềm tin vào công ty này.
Lời nói không mất tiền mua... càng nói càng thấy khó ưa Viwasupco
Hàng vạn người dân các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai (TP Hà Nội) mấy ngày qua đã phải sống trong ác mộng khi nước sinh hoạt bị nhiễm dầu thải.
Từ nỗi hoang mang, lo lắng, bất an cho sức khỏe của những người thân khi đã sử dụng nguồn nước này cho đến nỗi thống khổ mất nước, phải ngày ngày xếp hàng đợi hứng từng xô nước, phải tốn kém một khoản chi phí không nhỏ để mua nước đóng bình.
Tất cả không chỉ là sự bức xúc mà là sự tức giận đến tột cùng những kẻ có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường nước đến những kẻ biết nước nhiễm dầu mà vẫn xử lý, thản nhiên bán cho người dân.
Nếu kẻ đổ 2,5 tấn dầu thải ra khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình sau đó chảy lan ra suối sau đó chảy vào hồ Đầm Bài - hồ chứa nước để cấp cho nhà máy của Viwasupco là tội đồ thì đơn vị cung cấp nước sạch Viwasupco cũng được cho là vô cảm, thiếu trách nhiệm khi biết nước nhiễm dầu mà không có phương án ngăn chặn, xử lý triệt để, mà ầm thầm, thản nhiên sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn ấy… bán cho hàng vạn người dân Hà Nội.
Tội ác của kẻ đổ trộm dầu thải là 10 thì hành vi thiếu trách nhiệm của Viwasupco đáng bị lên án gấp nhiều lần con số ấy. Bởi kẻ phạm tội khi đổ dầu thải gây ô nhiễm môi trường đã là kẻ ác dù không lường được hậu quả hàng vạn người dân phải gánh chịu nhưng kẻ biết nước nhiễm bẩn, không xử lý sạch sẽ mà vẫn cấp cho hàng vạn người dân thì cái ác đạt đến tột cùng.
Đáng quan ngại hơn, không chỉ ác với người dân, với các khách hàng vốn là những người góp phần nuôi sống họ, vụ việc trên còn khiến người dân vô cùng quan ngại về vấn đề an ninh nguồn nước. Bởi chỉ một xe đổ dầu thải trộm đã khiến hàng vạn gia đình bị ảnh hưởng, nếu đó là chất nguy hại, thậm chí chứa chất kịch độc như lại không mùi như xuyanua, thủy ngân, cadimi… thì sẽ thật nguy hiểm không ai lường trước được hậu quả sẽ khủng khiếp đến thế nào.
Vậy Viwasupco có phải chịu trách nhiệm hay không? Có phải nói lời xin lỗi với người dân hay không? – Có thể trả lời ngay câu hỏi này rằng, Viwasupco không chỉ phải xin lỗi hàng vạn người dân Hà Nội, thậm chí phải bồi thường cho người dân và có thể truy cứu về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi như Đại biểu Phạm Văn Hòa nói rằng, khi anh thu tiền của người dân, anh phải có trách nhiệm với dân để xem nước sạch có đạt chất lượng hay không? Nhưng họ đang coi thường sức khỏe của người dân, rất thiếu trách nhiệm.
Thế nhưng, chiều 17/10 tại cuộc họp báo do tỉnh Hòa Bình tổ chức, ông Bùi Đăng Khoa - Phó giám đốc công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà tiếp tục khiến người dân, khách hàng vô cùng thất vọng khi trả lời PV về việc công ty có nợ người dân lời xin lỗi hay không? đã thản nhiên nói rằng: “Xin lỗi hay không phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng".
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ của Ban Tuyên giao Thành ủy Hà Nội chiều 15/10, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) Nguyễn Văn Tốn cũng khiến người dân, dư luận vô cùng thất vọng khi trả lời PV về việc bản thân có nói lời xin lỗi với hàng vạn hộ dân là khách hàng dùng nước của công ty ở Hà Nội hay không đã nói rằng: “Vâng! Xin lỗi. Công ty đã nhận lỗi về vấn đề nhiều khi khách hàng cần mà mình không đến kịp thời”.
Hai sếp của Viwasupco Nguyễn Văn Tốn, Bùi Đăng Khoa trả lời ở hai cuộc họp báo ở hai thời điểm khác nhau nhưng chung quy lại đều kiểu “sóng sau xô sóng trước” nối dài sự vô cảm tột cùng khiến người dân vô cùng phẫn nộ.
Người dân bức xúc không phải vì không nhận được những lời xin lỗi từ Viwasupco mà họ bức xúc vì lãnh đạo Viwasupco quá vô cảm, khinh thường người dân, khinh thường khách hàng mà với một doanh nghiệp yếu tố sống còn thì luôn phải coi “khách hàng là thượng đế”. Phải chăng sự độc quyền kinh doanh nước sạch của doanh nghiệp này tại những khu vực trên đã khiến họ nghĩ mình là “ông trời con” nên không xem ai ra gì. Hay như Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tốn nói rằng mình chỉ là người làm thuê nên thiếu trách nhiệm với chính công việc của mình.
Một doanh nghiệp mà thiếu trách nhiệm với sản phẩm của mình làm ra khi biết nguồn nước nhiễm dầu vẫn xử lý rồi cấp cho người dân. Và khi dư luận lên tiếng, chức năng vào cuộc, người dân phẫn nộ vì sản phẩm nhiễm bẩn của ông thì vị Tổng Giám đốc này lại tiếp tục gây thất vọng khi nói rằng: “Không chắc xử lí được ô nhiễm nước vì đây là lần đầu tiên xảy ra…”. Một doanh nghiệp sản xuất nước sạch – một sản phẩm ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia mà khi xử lý nước không kiểm tra chất lượng nguồn nước, thản nhiên cấp nước nhiễm dầu cho dân, rồi lại vô trách nhiệm đến mức không biết xử lý thế nào, thì khách hàng dung nước họ cũng biết phải làm sao, biết phải thế nào khi sử dụng nước của một doanh nghiệp vô cảm.
Vô cảm đến mức khi xảy ra sự việc, công ty này cũng không hề phát đi cảnh báo nào với hàng vạn khách hàng, mà đơn vị cảnh báo dân không được dùng nguồn nước từ Viwasupco để sử dụng cho việc nấu nướng, ăn uống cuối cùng lại do phía chính quyền Hà Nội đưa ra dựa trên những kết quả phân tích ban đầu.
Để dân khát nước, ăn uống nước bốc mùi... đề nghị xử lý hình sự Viwasupco
Hàng vạn người dân đã phải tốn kém chi phí, thậm chí có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng nước nhiễm hóa chất trong dầu thải vượt quy định. Vậy mà tại cuộc họp báo chiều 17/10, ông Bùi Đăng Khoa thản nhiên nói trước báo giới, trước dư luận “công ty là đơn vị thiệt hại nhất" . Ông Khoa khi nói có nghĩ rằng, thiệt hại của công ty ông có lớn thế nào cũng không thể lớn bằng niềm tin của hàng vạn khách hàng và ông Khoa cũng nên nhớ rằng, hàng chục vạn khách hàng mấy ngày qua khốn khổ vì thiếu nước sạch, vì lo lắng đã sử dụng nước nhiễm bẩn do công ty ông cung cấp thì thiệt hại nào có thể sánh bằng.
Vụ việc trên nghiêm trọng hơn, chính do tư duy xử lý vấn đề của lãnh đạo Viwasupco khi họ càng hành động, càng phát ngôn càng khiến người dân thất vọng và mất niềm tin vào công ty cũng như sản phẩm từ công ty này. Rồi đến lúc sự độc quyền cấp nước bị phá vỡ thì muốn lấy lại niềm tin của khách hàng cũng là điều không hề đơn giản. Doanh nghiệp mà làm mất niềm tin của khách hàng thì có tồn tại bền vững được hay không chắc bản thân các ông thừa hiểu.
Còn bồi thường người dân thì Viwasupco có phải chịu trách nhiệm hay không thì Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nói rõ: “Công ty này phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động gì liên quan ngăn chặn dầu này và cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến vào nguồn nước. Chúng tôi đã làm việc với công ty và yêu cầu toàn bộ nguồn nước ở các chung cư, trạm nước phải xúc xả. Toàn bộ kinh phí sẽ do công ty này chịu trách nhiệm”.
Cùng với đó, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng cần xem xét thêm hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 360 Bộ luật Hình sự với Viwasupco. Bởi hành vi phát hiện nguồn nước nhiễm bẩn nguy hại nhưng không có bất cứ hành động nào, từ báo cáo đến ngăn chặn, thì đã có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, hành vi này của một số cán bộ, công nhân của Công ty Nước sạch Sông Đà cũng đã vi phạm tại các Điều 227 Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên hoặc vi phạm theo quy định Điều 237 BLHS Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.
Không phải tự nhiên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cũng không phải ngẫu nhiên, UBND tỉnh Hòa Bình cũng giao Công an tỉnh tập trung điều tra làm rõ hành vi đổ trộm dầu thải tại xã Phú Minh (Kỳ Sơn) và hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà đã không ngăn chặn kịp thời dẫn đến sự cố ô nhiễm cho hệ thống nước cung cấp cho người dân tại khu vực TP Hà Nội, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bởi đối tượng đổ trộm dầu thải hay kẻ thiếu trách nhiệm để sự việc nghiêm trọng đều xứng đáng bị trừng trị nghiêm khắc theo các quy định của pháp luật.