Serbia: 'Djokovic bị dụ đến Australia để chịu đựng sỉ nhục'
Bộ Ngoại giao Serbia ngày 7/1 nói rằng công chúng nước này 'có ấn tượng mạnh mẽ rằng Djokovic là nạn nhân của một chiêu trò chính trị, và anh bị dụ đến Australia để bị sỉ nhục'.
“Novak Djokovic không phải là tội phạm, khủng bố hay người di cư bất hợp pháp, nhưng anh đã bị chính quyền Autralia đối xử theo cách đó. Điều này gây ra sự phẫn nộ có thể hiểu được của người hâm mộ và công dân Serbia”, Guardian dẫn lại tuyên bố của Bộ Ngoại giao Serbia.
Bộ này cho biết Serbia không muốn ảnh hưởng đến quyết định sắp tới của tòa án, nhưng mong muốn "các cơ quan chức năng, trên tinh thần quan hệ tốt đẹp của hai nước, sẽ cho phép Djokovic ở chỗ tốt hơn".
Chính phủ Serbia đã gửi công hàm phản đối tới đại sứ quán ở Canberra để chuyển lên chính phủ Australia.
Trong khi đó, các chính trị gia và người nổi tiếng Ở Serbia mô tả giới chức Australia đối xử với Novak Djokovic như một vật tế thần.
Chủ tịch Quốc hội Serbia Ivica Dacic cho biết Djokovic đã phải chịu đựng "sự quấy rối chính trị đáng khinh".
Bất cứ quốc gia nào trên thế giới “cũng sẵn sàng trao quyền công dân cho Djokovic, chứ đừng nói để anh ấy đến tham dự một giải đấu”, ông Dacic nói.
Ông mô tả động thái mới đây của Australia là “đáng xấu hổ”, và là kết quả của “sự bất ổn chính trị ở quốc gia này, kể từ khi các cuộc bầu cử đến gần”.
Trong một bài báo của tờ Informer, nhà sản xuất phim nổi tiếng người Serbia Emir Kusturica chia sẻ việc Djokovic “bị giam giữ không chỉ là một bài học cho người Serbia”, mà còn cho mọi người.
"Vụ bắt giữ Novak Djokovic” gợi lại kịch bản của một bộ phim. Theo đó, những công dân nổi bật bị bắt giữ để làm bài học cho nhiều người khác, Kusturica cho biết.
"Chẳng phải thế giới đã trở thành nhà tù mà hàng rào, thép gai là biểu tượng sao", Kusturica nói. "Chẳng phải đây là hình phạt của chính phủ dành cho những ai từ chối tiêm chủng sao".
Djokovic hiện bị tạm giữ trong một khách sạn dành cho người nhập cư không có giấy tờ ở Melbourne, sau khi visa của anh bị hủy vì không chứng minh được mình đã chủng ngừa Covid-19 đầy đủ.
Dù nhiều người Australia cũng không đồng tình cách xử lý bất ngờ của chính phủ bởi Djokovic đã kịp đáp ở Melbourne, ít người thông cảm khi anh tuyên bố mình có thể đến tham dự Australian Open. Tờ Guardian nhận xét phản ứng của công chúng Australia trước quyết định miễn trừ cho Djokovic là “chống đối một cách áp đảo”.
Một số người hâm mộ Australia đã bày tỏ phẫn nộ trên mạng xã hội. Những người này cho rằng việc cho phép tay vợt Djokovic, người từ chối tiết lộ tình trạng tiêm chủng được nhập cảnh và tham gia thi đấu tại Australia là vô lý. Trong khi đó, Australia vẫn giữ tình trạng đóng cửa biên giới giữa bang Tây Australia với phần còn lại, nhiều người dù tiêm chủng đầu đủ nhưng vẫn không thể tới gặp mặt người thân đang bệnh nặng.