Serbia: Trùm tình báo 'thân Nga' từ chức vì áp lực từ Mỹ và EU
Người đứng đầu ngành tình báo Serbia Aleksandar Vulin được cho là người ủng hộ nhiệt tình mối quan hệ chặt chẽ giữa Serbia và đồng minh truyền thống là Nga.
“Trùm” tình báo Serbia Aleksandar Vulin – người đã thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga và đang bị Mỹ trừng phạt – đã từ chức sau chưa đầy 1 năm đảm nhiệm chức vụ này, viện dẫn rằng ông muốn tránh các lệnh cấm vận tiếp theo có thể được áp đặt lên quốc gia vùng Balkan này.
Ông Aleksandar Vulin, lãnh đạo Cơ quan Thông tin và An ninh Serbia (BIA), đã từ chức hôm 3/11, vài tháng sau khi ông bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” trừng phạt.
Hồi tháng 7, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Vulin, cáo buộc ông này liên quan đến việc vận chuyển vũ khí bất hợp pháp, buôn bán ma túy và lạm dụng chức vụ công.
Trong một tuyên bố vào thời điểm đó, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, ông Vulin đã sử dụng quyền lực công của mình để giúp một đại lý vũ khí Serbia – vốn đang bị Mỹ trừng phạt, vận chuyển vũ khí qua biên giới Serbia. Ông Vulin, 51 tuổi, cũng bị cáo buộc liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy, theo chính quyền Mỹ.
Vốn là một cộng sự thân cận của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic theo chủ nghĩa dân túy, ông Vulin được cho là người ủng hộ nhiệt tình mối quan hệ chặt chẽ với Nga thay vì với phương Tây và thúc đẩy khái niệm “Thế giới Serbia” – một bản sao của “Thế giới Nga” mà Tổng thống Vladimir Putin ủng hộ.
Tổng thống Serbia Vucic cho rằng lý do thực sự khiến ông Vulin phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ là do lập trường của ông này đối với Nga chứ không phải các cáo buộc tham nhũng.
Ông Vulin trở thành người đứng đầu cơ quan tình báo BIA của Serbia vào tháng 12/2022. Trước đó, ông từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ, đồng thời cũng phụ trách các vấn đề liên quan đến Kosovo và Metohija.
Ông Vulin là quan chức cấp cao đầu tiên của Serbia đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ khi ông Vucic trở thành Tổng thống vào năm 2017. Hồi tháng 7, ông Vulin tuyên bố sẽ điều tra các cáo buộc của Mỹ.
Việc vị chính trị gia kỳ cựu từ chức hôm 3/11 trùng hợp với áp lực ngày càng tăng đối với Serbia từ phương Tây nhằm cải thiện quan hệ với Kosovo, như một điều kiện để tiến tới gia nhập EU. Hôm 29/10, các nhà lãnh đạo từ Đức, Pháp, Italy và các quan chức chủ chốt của EU đã cùng kêu gọi Serbia thực hiện các bước quan trọng hướng tới việc công nhận Kosovo trên thực tế.
Mặc dù lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Serbia cho đến nay vẫn chưa tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Moscow.
Hồi tháng 8 năm ngoái, trên cương vị Bộ trưởng Nội vụ Serbia, ông Vulin đã đến Moscow trong chuyến thăm hiếm hoi của một quan chức chính phủ châu Âu tới thủ đô của Nga trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Ông Vulin nói với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào thời điểm đó rằng, “Serbia là quốc gia duy nhất ở châu Âu không đưa ra các biện pháp trừng phạt và không nằm trong làn sóng cuồng loạn chống Nga”.
Hồi tháng 8 năm nay, ông Vulin đã đề xuất Serbia nộp đơn xin gia nhập khối BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) thay vì theo đuổi việc gia nhập EU.
Minh Đức (Theo AP, bne Intelli News)