Serbia và Kosovo tiến gần hơn tới bình thường hóa quan hệ

Vùng lãnh thổ Kosovo đã đồng ý trao quyền tự trị lớn hơn cho người thiểu số Serb, một bước mở đường tới việc bình thường hóa quan hệ với Belgrade.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tham dự cuộc họp nội các của chính phủ Serbia ở Belgrade vào ngày 23/1/2023. Ảnh: AFP

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tham dự cuộc họp nội các của chính phủ Serbia ở Belgrade vào ngày 23/1/2023. Ảnh: AFP

Theo đài RT, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 18/3 tuyên bố rằng Serbia và khu vực ly khai Kosovo đã đạt được tiến bộ trong việc bình thường hóa quan hệ và đạt được thỏa thuận về một số điểm quan trọng. Ông Vucic cho biết thêm Pristina đã đồng ý thành lập Cộng đồng Các đô thị của người Serb (CSM) và tổ chức này sẽ trao quyền tự chủ lớn hơn cho người thiểu số Serb ở một số khu vực của Kosovo.

Phát biểu sau cuộc họp cấp cao ở Ohrid, Bắc Macedonia, với sự tham dự của Thủ tướng Kosovo Albin Kurti và nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell, Tổng thống Vucic nói rằng mặc dù ông “chưa ký kết bất cứ điều gì hôm nay,” nhưng các bên “đã đạt được tiến bộ tốt trong một bầu không khí xây dựng".

“Đó không phải là D-day, nhưng đó là một ngày tốt", ông Vucic tổng kết, “Một số điểm mà chúng tôi đã nhất trí này sẽ trở thành một phần của khuôn khổ đàm phán cho mỗi bên. Hội đồng châu Âu sẽ đánh giá kế hoạch thực hiện đã đạt được bao nhiêu và sẽ phải mở rộng ra sao".

Ông nhấn mạnh rằng Belgrade rất coi trọng việc thành lập Cộng đồng Các đô thị của người Serb: “Đó là lý do tại sao tôi thực sự hạnh phúc. Người ta nói rằng việc hình thành CMS nên được bắt đầu ngay lập tức, nhưng tôi không biết liệu Pristina có làm điều đó hay không.”

Tổng thống Serbia nói thêm: “Nếu chúng ta muốn kiên trì trên con đường của châu Âu, sự tiến bộ của chúng ta cũng sẽ được đánh giá cao trong việc thực hiện những gì tôi đã nói với các bạn tối nay”.

Tiến trình trên cũng đã được xác nhận bởi quan chức phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrell. “Các bên đã hoàn toàn cam kết tôn trọng tất cả các điều khoản của thỏa thuận và thực hiện các nghĩa vụ tương ứng của họ một cách nhanh chóng và thiện chí", ông Borrell viết trên Twitter.

Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 2008 với sự ủng hộ của Mỹ và nhiều đồng minh. Khu vực ly khai này không được một số quốc gia công nhận, trong đó có Nga, Trung Quốc và chính Serbia.

Cuối tháng 2 vừa qua, EU đã công bố đề xuất của Pháp-Đức về "con đường bình thường hóa" quan hệ giữa Serbia và Kosovo.

EU đã nhất quyết yêu cầu Serbia công nhận nền độc lập của Kosovo như một điều kiện tiên quyết để gia nhập khối.

Theo văn bản đề xuất được công bố, Serbia và Kosovo sẽ “phát triển mối quan hệ láng giềng tốt, bình thường với nhau trên cơ sở quyền bình đẳng”, bao gồm trao đổi “các cơ quan đại diện thường trực” và công nhận các biểu tượng quốc gia của nhau cũng như các giấy tờ như hộ chiếu, văn bằng, biển số xe và tem hải quan.

EU cũng tuyên bố cuộc đối thoại giữa Serbia và Kosovo sẽ “được hướng dẫn bởi các mục tiêu và nguyên tắc đặt ra trong Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là những nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền của tất cả các quốc gia, tôn trọng độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết, quyền tự quyết của họ. bảo vệ nhân quyền và không phân biệt đối xử.”

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/serbia-va-kosovo-tien-gan-hon-toi-binh-thuong-hoa-quan-he-20230319193832707.htm