Sếu chỉ còn trong chuyện kể và bài học 'thuận thiên' (kỳ cuối)
'Năm trước còn có 11 cá thể về. Còn năm 2020 vừa qua, sếu đầu đỏ vắng bóng'. Nghe thông tin này từ Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp Võ Thành Ngoan, PV Báo CAND lập tức liên hệ thì được Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim Nguyễn Văn Lâm xác nhận 'đúng như thế'.
Trong khi đó, Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Phú Mỹ (Kiên Giang) cũng vừa chia sẻ tin không vui tương tự, năm 2020, chỉ có 7 cá thể sếu bay ngang... chứ không đáp xuống, trong khi 2 năm liền kề trước đó, lần lượt có 97 và 54 cá thể sếu về đây… Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng bày tỏ suy tư khi nhắc đến thực tế này.
Theo chu kỳ hằng năm, sếu đầu đỏ đến kiếm ăn tại Tràm Chim và các vùng lân cận là vào khoảng tháng 12 đến tháng 5 (dương lịch). TS Lê Phát Quới, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, không phải chỉ thích củ năng kim - loài từng có nhiều tại khu vực đất phèn thuộc Tây Nam Bộ, trong đó có VQG Tràm Chim, loài chim quý này còn ăn được cả củ năng ống, hạt sen, củ sen, ăn được cả lúa, cả cua, côn trùng.
“Tuy nhiên, đồng năng kim tại VQG Tràm Chim được phục hồi nhưng số lượng cá thể sếu về ngày một ít dần”, Giám đốc VQG Tràm Chim cho biết và dẫn số liệu giám sát được thực hiện trong 5 năm liên tục gần đây (từ 2016 – 2020) cho thấy, số cá thể sếu về Tràm Chim biến động đáng ngại…
“Năm 2018, trong số 11 cá thể sếu về Tràm Chim, có một cá thể sếu đầu đỏ trống. Đây cũng là cá thể chung thủy với VQG khi liên tiếp 20 năm, đều có mặt trong đàn trở về. Tuy nhiên, chẳng ai nghĩ rằng ấy là lần trở về lần cuối cùng khi cá thể này đã chết do già, bệnh. Sau sự việc này, nhiều người cùng hy vọng dù không còn đông đúc như trước, đàn sếu vẫn sẽ quay trở về. Thế nhưng, điều đó chỉ lặp lại trong năm sau - 2019. Còn năm 2020 thì sếu bặt tăm…”, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp thông tin thêm.
“Sếu không về. Sếu chỉ còn trong chuyện kể” - thông tin làm cho tất cả những ai quan tâm về loài chim quý này cảm thấy bùi ngùi. Từng rất nhiều lần khảo sát và tham gia hoàn tất hồ sơ bảo tồn sếu tại nhiều quốc gia tại Đông Nam Á, TS Lê Phát Quới kể, 30 năm trước, sếu ở Tràm Chim đông đúc và thân thiện tới mức các chuyên gia một nước láng giềng từng bán tín, bán nghi và đã phải sang để tận mắt.
Giải thích cho sự tụt giảm đáng báo động của quần thể sếu và đặc biệt là sự vắng bóng của loài chim quý này tại VQG Tràm Chim năm 2020, các chuyên gia đều “gặp nhau” ở nguyên nhân do tác động từ bên ngoài, đáng kể nhất là sự chuyển đổi từ sinh cảnh đất ngập nước tự nhiên sang trồng lúa và nuôi trồng thủy sản,…
TS Lê Phát Quới cho rằng, biến đổi khí hậu (nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa), sự thay đổi chế độ thủy văn nguyên thủy của vùng, đặc biệt là nước lũ từ thượng nguồn Mekong về trễ, lưu lượng nước lại rất ít đã làm cho diễn thế sinh thái tự nhiên thay đổi, kéo theo sự suy giảm các quần xã thực vật (trong đó có quần xã năng kim vốn bị loài ngoại lai xâm lấn), môi trường sống (cả vùng lân cận thuộc hạ lưu sông Mekong) bị thu hẹp,... Đây chính là nguyên nhân làm sếu ngày càng mất dạng.
“Chỉ riêng việc trồng lúa nhiều vụ, thay đổi thủy chế và sử dụng quá mức hóa chất nông nghiệp đã làm phá vỡ cân bằng hệ sinh thái dẫn đến sếu gần như không còn cơ hội để tồn tại. Bên cạnh đó, việc quản lý và bảo vệ tại các khu bảo tồn, việc "trồng rừng" không phù hợp cũng dẫn đến sự biến mất của loài sếu”, một chuyên gia nói.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp kể, từng có sự… lấn cấn về quan điểm giữa phương án bảo vệ rừng tràm không bị cháy với công tác bảo tồn tại VQG Tràm Chim. “Để rừng không bị cháy trong mùa khô, mình đã tìm cách giữ nước dưới chân rừng. Nhưng nhiều chuyên gia không tán đồng, cho rằng cách làm này sẽ gây ảnh hưởng đến đàn sếu nên chúng tôi đã quy hoạch lại”, ông Ngoan nói.
VQG Tràm Chim được chia thành 5 phân khu, trong đó phân khu A4 và A5 là bãi ăn, bãi nghỉ của sếu đầu đỏ. “Việc cải tạo, phục hồi lại môi trường sinh sống tại 2 phân khu này đang được thực hiện, quần xã năng đã dần phục hồi”, Giám đốc VQG Tràm Chim cho biết..
Rất nhiều người kỳ vọng về sự trở về của sếu sau những nỗ lực kể trên thế nhưng thực tế, đúng như những gì mà nhiều chuyên gia từng cảnh báo về tư duy bảo tồn hạn hẹp đi kèm đó là cách làm thiếu khoa học. Ghi nhận từ thiết bị flycam của PV Báo CAND mới đây cho thấy, VQG bị vây bởi hệ thống đê bao khép kín và có khá nhiều kênh đào.
Sắp vào cao điểm của mùa khô, nhưng nhìn từ cao, nhiều diện tích của VQG vẫn trắng xóa nước. Bằng mắt thường cũng nhận ra, so với trước, diện tích đồng năng bị thu hẹp, nhiều cây tràm già bị ngã đổ; số tràm con lại mảnh khảnh, ngả nghiêng do bị dư nước. Và điều dễ hiểu, do bị “ngộp nước”, xác bã thực vật chết, thối rữa không được rửa trôi. Sự tồn tại này càng lấy hết oxy trong nước làm cá không sống được, chim, cò không dễ tìm được nguồn thức ăn như trước.
“Thường từ đầu năm đến tháng 4, cao điểm mùa khô Nam bộ nhưng nền đất vẫn đủ độ ẩm cho củ năng phát triển. Tuy nhiên, nếu có mưa trái mùa, bãi năng sẽ bị ngập úng, hoặc nắng gắt kéo dài, đất cứng, năng cũng không phát triển. Hồi trước, Tràm Chim ít kênh rạch, phèn còn nhiều nên năng tốt lắm. Bãi năng khi đó (bao gồm cả bên ngoài VQG) ít nhất phải vài nghìn hécta. Gần đây thì năng nhường lại cho cây lúa, diện tích năng hiện chỉ còn chừng 300ha..”, một cán bộ cho biết.
Ấm ức trước tư duy trữ nước đề phòng lửa, chữa lửa thiếu khoa học, khiến sếu không về, chuyên gia Lê Phát Quới nói rằng, tràm không phải là loài bị đe dọa tuyệt chủng. “Vậy mà mình cứ mải mê lo bảo vệ rừng tràm, người ta lại dễ dàng chấp nhận phương đánh đổi khá lớn, đó là toàn bộ hệ sinh thái, trong đó có sếu và các loài quý hiếm khác phải chết dần chết mòn. Giờ bên cạnh sự hy vọng mong manh rằng tới một ngày đẹp trời nào đấy, sếu sẽ trở về, người ta bắt đầu tham khảo cách bảo tồn sếu của một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Myanmar,… dù biết rằng sẽ rất mất thời gian và tốn kém”, TS Quới nói với PV Báo CAND.
Thực tế liên quan đến chuyện sếu không về là một câu chuyện dài. Tuy nhiên, đứng giữa Tràm Chim, chúng tôi thật sự chạnh lòng khi nhận ra nhiều thực tế mà do làm theo cách cũ, chậm, thậm chí ít dung nạp, điều chỉnh để phù hợp, biết tôn trọng quy luật của thiên nhiên, chúng ta đã phải trả giá. Trong khi, ai cũng biết, trả giá về môi trường là sự trả giá khá đắt đỏ…
Tại lễ phát động trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre mới đây, khi nhắc chuyện sếu đầu đỏ năm qua không về Tràm Chim, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình suy tư nói: “Chúng ta cảm thấy trống vắng”.
Đề cập đến nguyên nhân mà các chuyên gia đưa ra (cỏ năng kim – thức ăn chính của sếu, không phát triển được vì hệ sinh thái bị đảo lộn do đất ngập nước quanh năm, không còn giữ được nhịp một mùa khô – một mùa nước như trước đây), Phó Thủ tướng lưu ý: “Nghị quyết 120 của Chính phủ đã nhấn rất mạnh yêu cầu “thuận thiên”, thực sự tôn trọng các quy luật của thiên nhiên. Để có thể bảo vệ, phục hồi những thương tổn của thiên nhiên, tôi cho rằng tất cả chúng ta phải cùng suy nghĩ và ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về cách ứng xử phù hợp, trách nhiệm với thiên nhiên, với môi trường”.