Shark Linh: Cách xử lý tình huống khi tức giận tại nơi làm việc

Shark Linh cho rằng, sự tức giận là một cảm xúc khó kiểm soát nhất và hầu như ai trong chúng ta cũng khó có thể kiềm chế được nó, bạn phải luôn giữ bình tĩnh để duy trì sự chuyên nghiệp của bản thân.

Sự tức giận là một cảm xúc khó kiểm soát nhất và hầu như ai trong chúng ta cũng khó có thể kiềm chế được nó. Khi đi làm sẽ còn khó kiểm soát nó hơn bởi vì bạn phải luôn giữ bình tĩnh để duy trì sự chuyên nghiệp của bản thân.

Dưới đây là một số gợi ý về cách xử lý các tình huống khi bạn tức giận tại nơi làm việc được Shark Linh chia sẻ.

1. Việc nào ra việc đó

Phải luôn nhớ rằng mục tiêu của mọi người khi đi làm là giúp thúc đẩy công ty phát triển. Nếu các dự án được tiến triển tốt thì nó mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Đừng đặt cái tôi quá cao khi nói đến các cuộc tranh luận liên quan đến công việc.

Khi đồng nghiệp hoặc người quản lý đưa ra ý kiến khác với bạn, có hai cách để xem xét nó. Đầu tiên nếu nhận thấy đó là những sự chỉ trích thì đây là lý do phổ biến nhất khiến mọi người tức giận trong công việc.

Nhưng một cách khác là để củng cố ý kiến của bạn bằng cách nghe những gì họ không đồng tình và giải thích tại sao họ nghĩ ý kiến của họ tốt hơn. Khi bạn nghĩ rằng đó là những lời góp ý chứ không phải là chỉ trích thì bạn sẽ cảm thấy ít tức giận hơn.

2. Dập lửa tình huống

Nếu bạn có bất đồng với ai đó tại công ty, điều đó có thể khiến bạn bực bội và dễ mất bình tĩnh. Hãy học cách rời khỏi đó một cách lịch sự để cho tình hình bớt căng thẳng. Luôn nhớ bạn đang ở nơi làm việc và phải duy trì sự chuyên nghiệp của mình.

Nổi giận và tham gia vào một cuộc tranh cãi với đồng nghiệp khác để chứng minh họ sai là thật sự không đáng. Điều đó chỉ làm bạn mất đi sự tôn trọng của các đồng nghiệp khác và, thậm chí tệ hơn là của sếp của bạn.

Ví dụ như nếu bạn gặp phải bất đồng, bạn có thể nói rằng: “Tôi hiểu những gì bạn đang chia sẻ, hãy cho tôi thời gian để xem xét lại”. Nếu người đó vẫn hiếu chiến và muốn tiếp tục tranh cãi thì chính họ là người bị mất mặt với các đồng nghiệp khác.

Bạn có thể nói với họ: “Chúng ta tiếp tục cuộc trò chuyện này ở thời điểm khác nhé” và sau đó hãy tìm lý do để đi chỗ khác như đi lấy ly nước hoặc vào toilet. Thời gian này sẽ cho cả hai bình tĩnh trở lại.

3. Đừng “Giận cá chém thớt”

Rất khó để luôn đặt cảm xúc của bản thân sang một bên khi đi làm. Sẽ có những ngày, bạn đến công ty với tâm trạng đã buồn bực. Điều quan trọng là bạn cần xác định rõ cảm xúc của bạn ĐÃ bị như vậy sẵn rồi, đừng để đồng nghiệp là “tấm thớt” của bạn.

Vào những ngày như thế, hãy cố gắng giữ cho mình sự chuyên nghiệp và tập trung vào công việc. Nếu bạn buộc phải nói chuyện với ai đó, hãy giữ cảm xúc cho riêng mình. Nếu có thể, hãy để cuộc hội thoại diễn ra trong thời gian ngắn và ghi chú xuống những gì đã trao đổi để có thể phản hồi với họ khi đã nguội lại. Bởi vì người ta thường nói “giận quá mất khôn”.

Hoàng Phúc

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/golf-doanh-nhan/shark-linh-cach-xu-ly-tinh-huong-khi-tuc-gian-tai-noi-lam-viec-91806.html