Shark Phú: Các doanh nghiệp Việt Nam phải bị lừa nhiều thì mới khôn lên được

Shark Phú cho rằng, một đất nước bị phong tỏa kinh tế trong khi tốc độ công nghệ thay đổi nhanh, chúng ta đang có những cơ hội rất lớn nhưng lại không đưa ra những bài toán quản trị nghiêm túc vừa quản trị dịch bệnh, vừa quản trị giao lưu quốc tế thì chỉ cần vài năm thôi chúng ta sẽ bị tụt hậu rất nhanh.

Bên cạnh những tác động tiêu cực của việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu lên nền kinh tế thì nền kinh tế cũng đang đón nhận những tín hiệu tích cực từ làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài (FDI). Nhiều chuyên gia nhận định đây là “cơ hội vàng của Việt Nam” nếu như biết nắm bắt và tận dụng thời cơ. Vấn đề đặt ra ở thời điểm hiện tại là làm thế nào để các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất cơ hội có 1 không 2 này để bứt phá trong thời gian tới.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI: Cơ hội và thách thức”, ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse đã có chia sẻ cụ thể về vấn đề thu hút dòng vốn FDI. Theo ông Phú, để đón nhận làn sóng dịch chuyển dòng vốn FDI sắp tới một cách hiệu quả nhất thì chúng ta cần phải rất nghiêm túc với nó. Đây không hề là một chuyện đơn giản cần có sự nhìn nhận hết sức nghiêm túc. Kể cả thời điểm hiện tại khi Việt Nam chúng ta đang có rất nhiều các cơ hội nhưng nếu các chủ DN cứ nghĩ rằng các DN nước ngoài sẽ tự tìm đến với mình thì sẽ rất khó khăn để tận dụng tốt cơ hội này.

Ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse.

Ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse.

Ông cho rằng, hiện nay Việt Nam chúng ta mới chỉ là một địa chỉ hẻo lánh trên bản đồ thế giới chứ vẫn chưa phải là trung tâm của thế giới. Mình mới đang chỉ đẹp trong mắt mình thôi nên việc cần chủ động sẽ là yếu tố tiên quyết đầu tiên. Thứ hai là các DN cần phải chuyên sâu, nghiên cứu thật kỹ về các DN đầu tư nước ngoài nếu không sẽ phải trả giá rất đắt. Vì các đối tác nước ngoài cũng có người thật, người giả.

Trong buổi tọa đàm, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cũng dùng chính những kinh nghiệm của tập đoàn đã từng trải qua trong việc thu hút vốn FDI từ đó chia sẻ, và rút ra những bài học sâu sắc giúp ích rất nhiều DN Việt có những nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này.

Ông Phú cho rằng, nguyên tắc của cạnh tranh là không bao giờ được chủ quan. Cái tốt của việc phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả trong giai đoạn trước sẽ làm hại chúng ta giai đoạn sau nếu chúng ta cứ ngủ quên trên vinh quang của quá khứ. Thế giới đang liên tục thay đổi. Ông không đồng tình với cách làm hiện tại vì ông cho rằng “nếu như quản lý để chúng ta không bị nhiễm bệnh thì quá dễ. Nếu bây giờ cấm hết rồi thì bệnh đâu mà nhiễm. Còn nếu như cứ cấm vận lâu dài thì cơ hội thu hút nguồn vốn FDI giai đoạn tới sẽ rất hiếm vì nếu như mình muốn nhận được chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến thì cần phải giao lưu, các chuyên gia từ nước đầu tư phải sang tận Việt Nam để khảo sát, các đơn hàng chuyển đến cũng cần được kiểm tra…”

Ông cũng đưa ra một số dẫn chứng như Hàn Quốc hiện nay vẫn duy trì các chuyến bay quốc tế những có điều kiện. Còn như ở Việt Nam hiện tại các DN không khác gì như những con ngỗng ít được tiếp cận với thế giới: không được giao dịch sàn vàng quốc tế, không được mua cổ phiếu ở các giao dịch nước ngoài như Mỹ hay Châu Âu…

"Các DN Việt Nam phải bị lừa nhiều mới khôn lên được", ông Phú nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của mình, ông Phú cho rằng, thành công trong việc chiến đấu với dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 1 là không thể phủ nhận. Nhưng đến giai đoạn 2 khi cả thế giới bị rồi mà Việt Nam không chơi với ai nữa thì chắc chắn sẽ bị lạc hậu. "Một đất nước bị phong tỏa kinh tế trong khi tốc độ công nghệ thay đổi nhanh, chúng ta đang có những cơ hội rất lớn nhưng lại không đưa ra những bài toán quản trị nghiêm túc vừa quản trị dịch bệnh, vừa quản trị giao lưu quốc tế thì chỉ cần vài năm thôi chúng ta sẽ bị tụt hậu rất nhanh", ông Phú nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ, “nhận thức của lãnh đạo cấp cao đã có. Nhưng thực sự hiểu về cơ hội và thách thức của làn sóng dịch chuyển này đến địa phương là người trực tiếp ra quyết định hỗ trợ DN thì gần như mơ hồ. Những người quản lý cấp cơ sở từ quận, huyện, tỉnh thành để họ nhìn thấy cơ hội của Việt Nam và những đòi hỏi thách thức để những DN chúng ta phải cạnh tranh để tranh giành với những doanh nghiệp xung quanh chưa nhiều. Nếu chúng ta không tuyên truyền thấu đáo đến người dân, DN, cơ quan quản lý nhà nước ở cấp thực thi thì chắc chắn chúng ta sẽ không thể cạnh tranh được với các quốc gia khác”.

Cũng theo ông Phú, “DN Việt Nam nên cố gắng tận dụng mọi cơ hội để thay đổi quy trình sản xuất, quy trình tạo ra sản phẩm, tiếp cận với công nghệ để bắt kịp với các DN trên toàn cầu, sau đó mới có cơ hội để làm bạn với họ. Bên cạnh đó có 2 điều chúng ta cần phải lưu ý:

Thứ nhất, cần phải mở cửa nhưng quản trị thế nào để vừa có thể giao lưu mà vẫn không ảnh hưởng quá nhiều. Ví dụ như Hàn Quốc đang quản lý theo phương pháp này rất tốt.

Thứ hai, các cơ quan quản lý cấp thực thi như địa phương cũng phải hiểu, mở rộng nhận thức cơ hội nghìn năm có một để buộc phải thay đổi. Các DN cũng cần phải thay đổi lại cả về năng suất lao động, quy chuẩn, quy trình sản xuất làm sao tiếp cận với những công nghệ mới thì chắc chắn cơ hội sẽ đến và mọi người có thể nắm bắt được.

Huyền Phạm

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/shark-phu-cac-doanh-nghiep-viet-nam-phai-bi-lua-nhieu-thi-moi-khon-len-duoc/20200712103537204