SHB Đà Nẵng và bi kịch của 'đứa con rơi'
Có thời điểm SHB Đà Nẵng là một trong những đội bóng được đầu tư lớn và thành quả đã giúp họ có 2 chức vô địch quốc gia. Tuy nhiên trong những năm gần đây, thành tích toàn đội ngày một thụt lùi. Từ một đội bóng luôn mạnh tay chi tiêu, Đà Nẵng đang duy trì lay lắt như một đứa con không được ai đón nhận.
Một thời vang bóng
Ở thời điểm những năm đầu 2000, Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tư nhiều nhất cho thể thao. Lúc sinh thời, cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh coi thể thao nói chung và bóng đá nói riêng là bộ mặt của thành phố, thế nên VĐV được chăm lo mọi thứ để chuyên tâm tập luyện. Ở thời lương cầu thủ V.League mới chỉ 4-5 triệu đồng/tháng, Đà Nẵng đã sẵn sàng chịu chi 15-20 triệu đồng. Những ai cam kết đóng góp lâu dài cho đội bóng còn được cấp đất xây nhà, hỗ trợ tiền điều trị chấn thương.
CLB được đầu tư lớn, lại đối xử tốt với cầu thủ nên từ một đội bóng trung bình yếu, Đà Nẵng nhanh chóng tiến bộ. Năm 2005, họ bất ngờ giành ngôi Á quân V.League và luôn nằm trong nhóm thứ hạng cao kể từ đó. Bước ngoặt đến với bóng đá Đà Nẵng diễn ra vào năm 2008, khi Sở Thể dục Thể thao thành phố chuyển giao CLB cho Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Đơn vị này cam kết đầu tư không dưới 55 tỷ trong mùa giải đầu tiên tiếp quản CLB với mục tiêu nhắm đến chức vô địch.
Được bầu Hiển chi tiền không tiếc tay, SHB Đà Nẵng mua sắm rầm rộ, thậm chí cử người sang tận Nam Mỹ mua ngoại binh. Ký ức về hành trình xuất ngoại "xem giò" tiền đạo đến giờ vẫn hiện lên rõ nét trong tâm trí HLV Phan Thanh Hùng. Cầu thủ Nam Mỹ nghe sang Việt Nam được trả lương 5-6.000USD/tháng là nóng lòng muốn đầu quân ngay, vì số tiền đó cao gấp 3-4 lần thu nhập của họ hiện tại. Tuy nhiên SHB Đà Nẵng không thể mua cầu thủ chuyên nghiệp vì giá trị chuyển nhượng quá lớn, nên đành chuyển hướng săn cầu thủ tự do.
Thành quả của chuyến đi đó là việc CLB chiêu mộ thành công chân sút Gaston Merlo. 12 năm kể từ ngày đầu đặt chân đến Việt Nam, Merlo giờ đã có quốc tịch tại mảnh đất này và vẫn đang thi đấu bền bỉ. Độ chịu chơi của bầu Hiển còn thể hiện rõ ở cách ông đối đãi với những người làm bóng đá tại Đà Nẵng. Không có thành tích tốt ở vài vòng đầu tiên, HLV Phan Thanh Hùng phải nhường lại ghế cho Lê Huỳnh Đức và xuống làm công tác đào tạo trẻ, nhưng vẫn được giữ nguyên mức đãi ngộ như HLV trưởng.
Ở giai đoạn 2009-2013, SHB Đà Nẵng luôn nằm trong nhóm cạnh tranh chức vô địch. Nguồn ngân sách dồi dào giúp họ có những cầu thủ tốt nhất, luôn tập trung thi đấu với phong độ cao nhất. Dù chỉ mang phận "con nuôi", nhưng khoản đầu tư dồi dào một chín một mười so với đội bóng "con đẻ" Hà Nội T&T của bầu Hiển giúp cả hai luôn so kè nhau quyết liệt ở vị trí dẫn đầu. Trong thời kỳ đó, chỉ "Chelsea Việt Nam" Bình Dương mới có thể phá vỡ thế độc tôn của 2 đội bóng bầu Hiển nắm trong tay.
Qua rồi "ngày xưa ơi"
V.League 2015 bắt đầu chứng kiến sự đi xuống của SHB Đà Nẵng, khi họ tụt xuống vị trí thứ 9 ở mùa giải ấy. Ban lãnh đạo CLB thừa nhận kết quả trên là thất bại do công tác tuyển mộ cầu thủ kém, nhất là ở khâu chọn ngoại binh. Nguồn ngân sách được SHB rót cho bóng đá Đà Nẵng cũng không nhiều như trước, hệ quả là CLB phải giải thể đội U11 và U13. Thành tích đứng thứ 3 ở V.League 2016 của Đà Nẵng chỉ mang tính nhất thời nhờ phong độ chói sáng của Merlo. Bằng chứng là những năm tiếp theo họ chỉ loanh quanh ở hạng 9 và hạng 10.
SHB Đà Nẵng sa sút trùng thời điểm với sự xuất hiện, trỗi dậy của 2 CLB: Sài Gòn và Quảng Nam. Trên trang chủ Tập đoàn T&T, đơn vị này ghi nhận Công ty CP Đầu tư QNK Quảng Nam là một DN liên doanh do họ thành lập. Chủ tịch CLB Quảng Nam, ông Nguyễn Húp cũng nhiều lần thẳng thắn thừa nhận "bầu Hiển là số 1" với đội bóng xứ Quảng. Những lúc CLB Quảng Nam khó khăn, CLB Hà Nội lập tức biệt phái nhân sự giỏi đến hỗ trợ như 2 tiền đạo Hoàng Vũ Samson, Ibou Kebe và cả HLV Vũ Hồng Việt.
CLB Sài Gòn cũng là một "đứa con" khác được bầu Hiển ưu đãi trước khi chuyển quyền sở hữu vào cuối năm ngoái. Năm 2015, CLB trẻ Hà Nội chính thức giành quyền thăng hạng lên chơi ở V.League mùa tiếp theo.
Trước truyền thông, Chủ tịch Nguyễn Giang Đông của CLB Hà Nội (sau đó Nam tiến và đổi tên thành CLB Sài Gòn như hiện nay) nói đội bóng không liên quan gì đến bầu Hiển, nhưng ông bầu này lại thường xuyên đến thăm và thưởng tiền cho đội. 2 nhà tài trợ lớn nhất của CLB Sài Gòn trước đây là tập đoàn T&T và công ty chứng khoán SHS, đều do bầu Hiển làm Chủ tịch.
Không còn được đầu tư nhiều như trước, SHB Đà Nẵng còn chảy máu nhân tài. Những cầu thủ giỏi như Nguyên Sa, Huy Toàn, Merlo đều lần lượt chia tay đội bóng sông Hàn để đi đến những bến đỗ tốt hơn. Hệ quả là mùa giải năm nay, họ vừa thiếu lại vừa yếu.
Ngoại binh của SHB Đà Nẵng tệ đến mức HLV Lê Huỳnh Đức phải lao ra chỉ cho họ tập chạy, sút theo đúng động tác cơ bản. Có lẽ đã đến lúc lãnh đạo Đà Nẵng nghiêm túc suy nghĩ tiếp quản lại đội bóng thành phố, nếu không muốn CLB tiếp tục sa sút vì chịu phận "con rơi" suốt những năm qua.
Huấn luyện viên Huỳnh Đức đang gặp khó
Sau trận thua SLNA, HLV Lê Huỳnh Đức nói SHB Đà Nẵng mùa này chơi thiếu gắn kết, các cầu thủ chơi không đúng khả năng. Điều đó cho tháy dường như đang có một cuộc chống đối ngầm HLV trưởng đang diễn ra ở CLB.
Một trong những người thường xuyên bị Huỳnh Đức chỉ trích công khai là tiền đạo Hà Đức Chinh. Ông nói Đức Chinh không đủ sức khỏe thi đấu thì không nên vào sân, cũng như nên chú tâm tập luyện thay vì chìm đắm trong mạng xã hội. Trước đó, tiền đạo Đỗ Merlo cũng nói anh đầu quân cho Nam Định vì không chịu nổi kỷ luật hà khắc được Huỳnh Đức áp cho các cầu thủ.
Về phần Huỳnh Đức, ông luôn chọn cách im lặng chứ không giải thích gì về phương pháp huấn luyện của mình. Là một trong số ít những nhà cầm quân từng vô địch V.League hơn 1 lần, Huỳnh Đức được đánh giá nằm trong nhóm HLV giỏi nhất tại V.League. Cựu tiền vệ Đoàn Văn Nirut từng nói Huỳnh Đức là HLV hiếm hoi tại Việt Nam có thể gọi là HLV chuyên nghiệp.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao/shb-da-nang-va-bi-kich-cua-dua-con-roi-598691/