Shipper trong mùa dịch
Những ngày quán cà phê Galaxy 9 (đường Ngô Gia Tự, thành phố Nha Trang), nơi anh Mai Trường Thiện làm việc bị đóng cửa do chủ trương cách ly toàn xã hội, anh vẫn cảm thấy mình là người may mắn. Bởi giờ đây, tuy phải chuyển sang công việc giao hàng nhưng anh vẫn có thu nhập hàng ngày, trong khi hàng trăm nhân viên khác phải thất nghiệp.
Những shipper không chuyên
Những ngày quán cà phê Galaxy 9 (đường Ngô Gia Tự, TP. Nha Trang), nơi anh Mai Trường Thiện làm việc bị đóng cửa do chủ trương cách ly toàn xã hội, anh vẫn cảm thấy mình là người may mắn. Bởi giờ đây, tuy phải chuyển sang công việc giao hàng nhưng anh vẫn có thu nhập hàng ngày, trong khi hàng trăm nhân viên khác phải thất nghiệp. Anh Thiện cho biết, từ khi quán đóng cửa, chủ quán đã chuyển sang bán cà phê online và ship hàng tận nơi cho khách. Điều đặc biệt, với mỗi ly cà phê có giá 15.000 đồng, sau khi trừ chi phí nguyên liệu, chủ quán để cho nhân viên tự thu tự chi phần lợi nhuận. “Chúng tôi rất cảm kích hành động này của chủ quán đã hỗ trợ để nhân viên có thu nhập trong mùa dịch. Vì vậy, chúng tôi tự chia sẻ với nhau trong công việc và phân chia lợi nhuận theo từng công đoạn như: nhận đơn hàng online, pha chế, giao hàng…, trong đó bộ phận giao hàng được nhận thù lao cao hơn vì phải chịu tiền xăng xe”, anh Thiện nói.
Được biết, hệ thống cà phê Galaxy có 9 cơ sở tại TP. Nha Trang với khoảng 500 nhân viên. Theo ông Trần Bình Nghĩa - chủ hệ thống cà phê Galaxy, trước đây mỗi ngày, hệ thống bán khoảng 7.000 ly. Khi các cơ sở phải đóng cửa vì dịch, hệ thống phải cho nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, hệ thống đã chuyển sang bán online và để cho nhân viên hưởng phần lợi nhuận như là một giải pháp tình thế giúp người lao động vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Triển khai bán hàng online từ cuối tháng 3 đến nay, mỗi ngày, quán bán được khoảng 300 ly, tạo việc làm cho gần 20 nhân viên với thu nhập trung bình 100.000 đồng/ngày/người. Với mong muốn tạo việc làm cho nhiều nhân viên khác, hiện nay, quán bán thêm combo ăn sáng (bánh mì chả) và cà phê với giá 25.000 đồng, miễn phí giao hàng.
Khi có chủ trương cách ly toàn xã hội, phần lớn cửa hàng dịch vụ, quán ăn đã đóng cửa, ngừng kinh doanh. Một số cơ sở vẫn cố gắng duy trì theo hình thức “bán mang về” để tạo việc làm cho người lao động, trong đó nhiều nhân viên đã trở thành shipper (nhân viên giao hàng) không chuyên. Tuy khó khăn, vất vả bước đầu nhưng họ dần thích nghi và thấy vui vì còn có công việc để mưu sinh trong mùa dịch.
Shipper công nghệ ế ẩm
Đứng đợi trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh gần 1 giờ, ông Võ Hoàng Thao (tài xế xe Grab) vẫn không có cuộc gọi đặt xe hay giao hàng nào. Ông Thao cho biết, trái ngược với cảnh đắt hàng của tài xế công nghệ ở thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, từ khi dịch bùng phát đến nay, cánh tài xế xe Grab ở Nha Trang rất ế ẩm. Đặc biệt, từ lúc có chủ trương cách ly xã hội, người dân hạn chế ra đường thì các cuộc gọi đặt xe thưa dần. Trước đây vào giờ cao điểm buổi trưa, chiều tối, khách đặt xe liên tục, còn hiện nay, nhân viên các công ty, văn phòng nghỉ ở nhà nên người đi xe không có, đặt giao hàng cũng ít, số lượng giảm đến 90% so với trước. Sắp tới, có lẽ ông cũng nghỉ vì ế quá, đợi qua dịch bệnh rồi tính tiếp.
Khi người dân ở nhà, hạn chế ra đường, nhiều quán ăn, nhà hàng đóng cửa cũng đồng nghĩa với công việc của shipper công nghệ trở nên khó khăn hơn. Nguyên nhân được nhiều shipper chỉ ra là do phần lớn người dân tự nấu ăn ở nhà nên không gọi giao đồ ăn qua ứng dụng Grab; lo ngại tài xế Grab đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nên ít đặt giao hàng; do thu nhập của người lao động giảm mạnh nên ít đặt mua hàng hóa online…
Chị Lê Nguyễn Quỳnh Châu - nhân viên Công ty chuyển phát nhanh Phong Mã (đường 23-10, TP. Nha Trang) cho biết, từ khi có dịch bệnh xảy ra, dịch vụ chuyển phát hàng hóa của công ty cũng giảm đáng kể, đặc biệt là lượng đơn đặt hàng lớn của các siêu thị, nhà hàng Hàn Quốc, Trung Quốc. Hiện nay, công ty chỉ còn những đơn hàng lẻ từ TP. Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng về Nha Trang, tăng nhẹ khoảng 10 - 20% so với trước. Công ty cố gắng duy trì hoạt động để đội ngũ nhân viên giao hàng có công việc và thu nhập. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, hoạt động chuyển phát nhanh của công ty sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Mùa dịch này, shipper cũng là nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro lây nhiễm dịch bệnh khi phải tiếp xúc nhiều người, vận chuyển nhiều loại hàng hóa từ nhiều nơi. Do đó, để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như khách hàng, các tài xế cần có biện pháp bảo vệ, chủ động phòng ngừa dịch bệnh.
MAI HOÀNG
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202004/shipper-trong-mua-dich-8158384/