SHISH - Cơ quan tình báo Albania

Sherbimi Informativ i Shtetit (SHISH) được thành lập năm 1999 thông qua việc tái cấu trúc tổ chức tình báo khét tiếng trước đây của Albania có tên gọi là SHIK. Thập niên 1990 là thời kỳ bất ổn và hỗn loạn của Albania khi quốc gia này chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường.

Từ năm 1992 đến năm 1997, Albania được vận hành bởi Đảng dân chủ Albania (DP) dưới quyền Thủ tướng Sali Berisha. Kể từ năm 1997, sau khi đổi sang tên mới, SHISH đã tìm cách hòa giải với quá khứ khi người dân nước này ủng hộ gia nhập vào một châu Âu lớn hơn. Năm 2009, Albania trở thành thành viên đầy đủ của khối NATO, tích hợp quốc gia Tây Balkan vào cơ sở hạ tầng an ninh của Châu Âu.

Lịch sử ra đời SHISH

Tháng 2/1991, SHIK được thành lập bởi đảng Lao động Albania trên nền tảng Sigurimi - cơ quan tình báo thời kỳ trước đây của Albania. Nói thêm về Sigurimi, cơ quan này có tên chính thức là Cục An ninh Nhà nước, đây là cơ quan an ninh nhà nước, tình báo và cảnh sát mật của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Nhân dân Albania.

Dưới chế độ của Thủ tướng Enver Hoxha (1941-1985), Sigurimi là cánh tay phải của nhà nước. Vì vậy SHIK được xem là con đường mới của Albania đưa nước này hướng đến sự cởi mở mới. Trên thực tế SHIK vẫn giữ nguyên cấu trúc tổ chức của Sigurimi và nhiều nhân sự thời kỳ trước vẫn giữ nguyên vị trí quyền lực của họ. Năm 2008, Quốc hội Albania đã thảo luận về việc công khai cái gọi là “Hồ sơ Sigurimi” nhưng đảng Xã hội Albania đã phản đối. Một ủy ban của chính phủ được thành lập vào năm 2015, đã được giao nhiệm vụ công khai Hồ sơ Sigurimi và xác định các ứng cử viên cho chức vụ của họ trước đó. Tuy nhiên, tính đến đầu năm 2017, ủy ban vẫn chưa bắt đầu công việc của mình và những người chỉ trích đã chỉ ra rằng hầu hết các hồ sơ có thể đã bị tiêu hủy từ lâu.

Ông Bashkim Gazidede, Giám đốc đầu tiên của Cơ quan tình báo SHISH (Albania).

Ông Bashkim Gazidede, Giám đốc đầu tiên của Cơ quan tình báo SHISH (Albania).

Những thay đổi cốt lõi

Tháng 3/1992, đảng Lao động đã bị thay thế bởi Đảng dân chủ của Albania (DP). Lãnh tụ DP là ông Sali Bersiha đã hứa hẹn sẽ mang lại thịnh vượng cho Albania bằng cách tự do hóa nền kinh tế và mở cửa với phương Tây. Dự án cải cách đã nhanh chóng biến ông Berisha trở thành tâm điểm của nền chính trị Albania. Quyền lực tập trung vào tay Berisha. nhưng có ít quyết định được đưa ra bên ngoài cung Tổng thống, dần dà đã khiến Albania trượt vào chủ nghĩa độc tài. Cũng trong khoảng thời gian 1992-1993, ông Sali Berisha đã bắt tay vào chương trình cải cách SHIK. Động thái đầu tiên của ông Berisha là chỉ định ông Bashkim Gazidede trở thành tân giám đốc của SHIK. Ông Gazidede là cựu giáo viên toán và cũng đồng thời là một tín đồ Hồi giáo ngoan đạo.

Song trên hết, ông Gazidede là bề tôi trung thành của Thủ tướng Berisha. Năm 1992, ông Gazidede đã sa thải tới 60% nhân sự của cơ quan tình báo nhằm sàng lọc “những nhân viên còn bị ảnh hưởng bởi thời kỳ trước”. Sau đó ông Gazidede đã thay thế những người vừa bị sa thải bằng những người trung thành với DP ở miền Bắc Albania vốn cũng là quê hương của Thủ tướng Berisha. Năm 1993, SHIK phục vụ cho DP như cách mà Sigurimi đã làm trước đây. Dưới thời kỳ cầm quyền của Berisha và Gazidede, cơ quan tình báo Albania đã tái định hình như là cánh tay mặt của nhà nước và là cơ quan thực thi chủ nghĩa toàn trị. “SHIK chưa từng kết giao với đảng hay Chính phủ, họ chỉ quan hệ với chính Berisha”, dẫn lời khẳng định của ông Tritan Shehu, chính trị gia của Đảng dân chủ Albania (DP).

Mối quan hệ với CIA

Vào đầu thập niên 1990, Mỹ đã nhắm mắt làm ngơ trước chủ nghĩa độc đoán ngày càng tăng của Berisha khi các cố vấn CIA đang hỗ trợ việc tái thiết năng lực tình báo của Albania. Mỹ và Cộng đồng Châu Âu (EC) coi ông Sali Berisha là một vị tổng thống mạnh mẽ, người có thể thực thi luật pháp và trật tự nhằm mang lại sự ổn định cho đất nước. Tình trạng vô pháp và tham nhũng tràn lan ở Albania được CIA cho là cánh cổng tiềm tàng để các thế lực cực đoan Hồi giáo chui vào Châu Âu. Năm 1992, 3 tổ chức gây quỹ có dính dáng đến al-Qaeda đã hoạt động kín kẽ ngay bên trong đất nước này. Và cho đến khi diễn ra một loạt cuộc đột kích vào năm 1998 thì những phần tử khủng bố bị truy nã từ những nước khác “đã đi lại công khai trên đường phố Triana”. Vì thế mà tình báo Mỹ đã xây dựng mối quan hệ cạnh kề với quốc gia mới thay đổi này.

Trụ sở SHISH ở Albania.

Trụ sở SHISH ở Albania.

Hồi thập niên 1990, khi mô tả về mối quan hệ của Albania với CIA, ông Berisha nhấn mạnh: “Đó là một sự hợp tác toàn diện … Họ (CIA) làm việc ở Albania như thể họ làm việc ở New York hay Washington”. CIA cung cấp các khóa đào tạo và trang thiết bị cho SHIK nhằm thu thập tình báo về các phần tử Hồi giáo hải ngoại đã thành lập ở Albania. Tuy nhiên, ông Berisha đã chiếm dụng các kỹ thuật giám sát mới và thiết bị nghe lén của SHIK để dò xét mọi động tĩnh từ các đối thủ chính trị đối lập. Hoạt động giám sát của SHIK chỉ được tăng cường sau cuộc bầu cử tháng 7/1992 khi thế độc tôn quyền lực của ông Berisha bắt đầu suy yếu. Năm 1997, đất nước Albania rơi vào tình trạng bất ổn dân sự lan rộng do sự suy sụp kinh tế theo hình kim tự tháp.

Chính phủ của ông Berisha sụp đổ và được thay thế bởi Đảng xã hội Albania. Ngày 1/4/1997, hoạt động tình báo của SHIK bị đình lại, bản thân ông Gazidede buộc phải từ chức. Năm 1999, SHIK tái đổi tên thành SHISH và cơ quan tình báo mới được tổ chức nhằm chịu sự kiểm soát dân sự lớn hơn, cũng như chịu trách nhiệm trước toàn thể chính phủ. Ngay từ thập niên 1990, các cơ quan tình báo của Albania đã rất xuất sắc trong việc ngăn chặn các mạng lưới khủng bố quốc tế tìm cách chiêu nạp thành viên mới tại quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số này. Năm 2016, Albania đã chính thức khai trương trung tâm chuyên nghiên cứu về khủng bố nước ngoài ngay trong NATO. Dự án này đã được ủy ban quân sự của NATO bật đèn xanh vào tháng 5/2016 và các quan chức Bộ Quốc phòng Albania tập trung thảo luận về những phương thức với các đối tác của liên minh.

Đại tá Bardhyl Kollcaku, giám đốc cơ quan Tình báo và An ninh Quốc phòng Albania (AISM) nói với hãng tin BIRN rằng Albania đã đưa ra sáng kiến này sau khi phát hiện ra một khoảng trống trong NATO về hiện tượng này. Đại tá Kollcaku cho biết hiện tượng này đã tồn tại trong nhiều thập kỷ trước khi phát triển về quy mô trong những năm gần đây. Ông tuyên bố: “Chúng tôi có đủ kinh nghiệm để đóng góp vào việc tìm hiểu, nghiên cứu, giải quyết và tiếp tục chống lại hiện tượng chiến binh nước ngoài. Vị trí địa lý của Albania là một phần của Tây Balkan đã khiến nơi đây trở thành nơi khởi nguồn của các chiến binh nước ngoài và chúng tôi muốn chia sẻ những bài học và kinh nghiệm của mình”. Với việc thành lập trung tâm mới này, Albania sẽ là quốc gia đầu tiên mà khối NATO triển khai như vậy sau bảy năm là thành viên. Trung tâm nghiên cứu về các chiến binh khủng bố nước ngoài tại Albania sẽ là trung tâm đầu tiên thuộc loại này.

Một báo cáo vào tháng 3/2016 của Viện Nghiên cứu Quốc tế Albania (AIIS) cho biết số lượng chiến binh từ Albania gia nhập IS ở Syria và Iraq đạt đỉnh vào năm 2014, khi có từ 90 đến 150 người rời khỏi Albania, trong đó có 31 trẻ em và 13 phụ nữ. Trong khi đó, các vụ bắt giữ và luật pháp cứng rắn đã hạn chế số lượng và mang lại một số thành công trong cuộc chiến. Các nhà chức trách trong nước báo cáo rằng số lượng những người rời khỏi Albania đến Syria vào năm 2015 gần bằng 0. Albania gia nhập NATO vào tháng 4/2009 cùng với Croatia. Các quan chức Albania từ lâu đã ủng hộ nhu cầu NATO mở rộng sang các quốc gia Balkan khác như Montenegro, Kosovo và Macedonia. Vào tháng 5, lần đầu tiên một đại hội Nghị viện NATO đã được tổ chức tại Tirana, khi an ninh ở Tây Balkan và rủi ro mà Châu Âu phải đối mặt từ Nga đang là tâm điểm chú ý.

Cấu trúc tổ chức và cải cách

SHISH là cơ quan chịu trách nhiệm chính cho các hoạt động tình báo nội địa và quốc tế của Albania. Sắc lệnh của Tổng thống sẽ chính thức bổ nhiệm giám đốc cho SHISH. Giám đốc sẽ trả lời trực tiếp mọi câu hỏi từ Tổng thống và Thủ tướng Albania. Điều này đảm bảo quyền tối cao của SHISH so với các cơ quan tình báo khác của Albania như Cục An ninh và tình báo Quốc phòng (DISA) trực thuộc Bộ Quốc phòng. Có 5 phòng chuyên môn tồn tại bên trong SHISH, gồm: Hoạt động kỹ thuật; Tình báo nước ngoài; Phản gián; Chống tội phạm có tổ chức; Chống khủng bố. Năm 2023, Tổng thống Bajram Begaj đã bổ nhiệm bà Vlora Hyseni trở thành nữ giám đốc đầu tiên của SHISH. Suốt 6 tháng (giữa năm 2020 và 2021), bà Hyseni là phó giám đốc của Cục tình báo Kosovo.

Một tấm áp phích và Đại hội đồng NATO ở thủ đô Tirana, Albania.

Một tấm áp phích và Đại hội đồng NATO ở thủ đô Tirana, Albania.

Cộng đồng tình báo tôn trọng bà Hyseni, đặc biệt là khi bà có những hợp tác sâu rộng với các cơ quan tình báo phương Tây. Trong lần phát biểu về bà Hyseni vào tháng 3/2023, Thủ tướng Albania, ngài Edi Rama, nhấn mạnh: “Sự kính trọng mà bà Hyseni được hưởng trong cộng đồng tình báo quốc tế đã làm nên sự đảm bảo hoàn toàn cho việc cải cách hơn nữa của cơ quan tình báo Albania”. Nên biết rằng cải cách đã nằm trong chương trình nghị sự liên tục của SHISH kể từ khi cơ quan này được thành lập vào năm 1997. Ở Albania từng tồn tại một sai lầm phổ biến trong công luận rằng trong hàng ngũ của SHISH đầy rẫy những nhân vật tham nhũng. Và mặc dù đã có sự thay đổi nhân sự gần như hoàn toàn kể từ năm 1990 thì nhân viên của SHISH vẫn thường phàn nàn về một tổ chức theo phong cách cũ quá quan liêu.

Năm 2023, SOT (một hãng thông tấn của Albania) đã tuyên bố rằng SHISH đang tồn tại tình trạng “chảy máu chất xám” do nhân viên nhận lương thấp và văn hóa quản trị yếu kém. Một cựu nhân viên phân tích của SHISH xin được giấu tên đã đánh giá rằng cấu trúc quản lý kim tự tháp của SHISH là “lộn ngược”. Tại SHISH, người này khẳng định rằng 70% nguồn lực được dùng để tài trợ cho hoạt động quản lý, khiến cho tỷ lệ 30% còn lại chỉ để dùng cho việc thu thập và phân tích tình báo. Cấu trúc quan liêu quá mức của tình báo Albania là thậm vô lý nếu so sánh với các cơ quan tình báo trong khu vực, và điều này sẽ tác động đáng kể đến hiệu quả sử dụng nguồn lực của SHISH.

Năm 2021, một sự cố rò rỉ trực tuyến đã hé lộ mức lương của hơn 630.000 nhân viên trong khối tư nhân của Albania. Trong số 22 nhân viên khu vực tư nhân được trả lương cao nhất có 5 người làm việc cho SHISH, họ kiếm được từ 4 triệu All (tương đương 34.000 bảng Anh) cho đến 9 triệu All (tương đương 76.000 bảng Anh). Làm một phép tham chiếu thì lương của Tổng thống Albania chỉ vỏn vẹn 257.000 All (tức 2.100 bảng Anh). Tên của các nhân viên SHISH vẫn được giữ kín. Vụ bê bối đã làm dấy lên sự lo lắng về tham nhũng trong các cơ quan tình báo. Một số báo cáo còn vạch tội xa hơn nữa việc các điệp viên SHISH kiếm chác ngoài lương bằng cách bán tin tình báo cho các tổ chức tội phạm có tổ chức. Đã có nhiều tiếng nói nhấn mạnh tăng cường cải cách thêm nữa cho cơ quan tình báo này.

Văn Chương (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/shish-co-quan-tinh-bao-albania-i739470/