'Shōgun' 18 lần được vinh danh tại Emmy 2024, kỷ lục xưa nay chưa từng có
Với 25 đề cử, 18 lần được vinh danh tại Emmy 2024, 'Shōgun' lập kỷ lục 'mùa phim thắng nhiều giải Emmy nhất lịch sử phim truyền hình'. Thành công và sức hút của phim đánh dấu cột mốc quan trọng, giúp khẳng định vị thế của các dự án lấy chất liệu Phương Đông trên địa hạt phim ảnh quốc tế.
Giải mã sức hút của "Shōgun"
Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn James Clavell, Shōgun (Tướng Quân) đưa người xem về thời đại phong kiến Nhật Bản, giai đoạn trước trận đại chiến phân chia thiên hạ Sekigahara năm 1600. Thời điểm đó, người cai trị tối cao của đất nước Mặt Trời mọc vừa qua đời, người thừa kế lại quá nhỏ để có thể trị vì giang sơn. Do đó, năm vị lãnh chúa quyền lực nhất đã thành lập một "Hội đồng nhiếp chính" để cai quản đất nước cho đến khi thế tử trưởng thành.
Thứ đầu tiên không thể không đề cập khi nhắc đến Shōgun là bản chất đấu tranh chính trị giữa năm thế lực trong "Hội đồng nhiếp chính", với lãnh chúa Yoshii Toranaga (Hiroyuki Sanada) là trung tâm của hầu hết những cuộc xung đột.
Mùa một của Shōgun không phải là phần phim lý tưởng cho những ai mong đợi được xem những trận chiến tổng với hàng nghìn binh lính, những pha hành động "lao vào là đánh". Phim tập trung khắc họa sóng ngầm những xung đột, phân chia quyền lực, bạo lực tiềm ẩn và những toan tính chính trị dưới thời đại đang trên bờ vực chiến tranh. Thậm chí, có những phân cảnh phim có thể mang đến cảm giác bức bối, nghẹt thở cho người xem.
Giới chuyên môn đánh giá Shōgun là phiên bản Game of Thrones của phương Đông khi truyền tải tinh thần võ sĩ đạo, thể hiện sự phức tạp của văn hóa, xã hội Nhật Bản thời phong kiến. Mặc dù với tuyến nhân vật đồ sộ và các tình tiết chồng chéo, khán giả có thể phải kiên nhẫn để cảm nhận hết chiều sâu của câu chuyện.
Song hành với chiều sâu nội dung, các yếu tố hình ảnh, bối cảnh, trang phục và phong tục thời kỳ Edo cũng góp phần quan trọng để "lôi kéo" người xem đến với Shōgun. Với sự đầu tư quy mô lớn, phim nổi bật hơn nhiều dự án truyền hình châu Á trước đó vốn có xu hướng giới hạn trong bối cảnh và quy mô địa phương.
Theo tiết lộ từ nhà sản xuất, Tướng Quân được quay ở nhiều địa điểm quốc tế và vận động nhiều nguồn lực đáng kể. Quá trình quay phim chính diễn ra tại British Columbia, Canada, với các địa điểm cụ thể như Ucluelet và Metro Vancouver, một số cảnh cũng được quay ở London và những di tích cổ của Nhật Bản. Hầu hết địa điểm được tái tạo để dựng nên các cảnh quan làng mạc, bến tàu, thị trấn của Nhật Bản thời kỳ Edo.
Thiết kế trang phục đóng vai trò quan trọng trong việc kể chuyện bằng hình ảnh của Shōgun. Bộ phận phục trang gồm 125 người đã tỉ mỉ tạo ra hàng nghìn bộ trang phục truyền thống, với nhiều bộ có thêu thủ công và các chi tiết phức tạp. Quá trình sản xuất lấy vải trực tiếp từ Nhật Bản, hướng đến tính chính xác về mặt lịch sử để đưa người xem đắm chìm vào thế giới Nhật Bản thế kỷ 17.
Lập nên kỳ tích
Tại giải Primetime Emmy lần thứ 76, Shōgun dẫn đầu bảng xếp hạng với 25 đề cử, thắng tổng 18 giải thưởng, trong đó có các hạng mục quan trọng như Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc thể loại phim chính kịch. Đặc biệt, phim là series không có ngôn ngữ chính là tiếng Anh đầu tiên thắng giải Phim chính kịch hay nhất tại Emmy.
Thành tích trên vượt kỷ lục 12 tượng vàng mà Game of Thrones từng đạt vào năm 2015, giúp Shōgun giành lấy danh hiệu "mùa phim thắng nhiều giải Emmy nhất lịch sử phim truyền hình".
Ngay khi mới ra mắt, tập một Shōgun đã gây ấn tượng với hơn 9 triệu lượt xem trên nền tảng Hulu, Disney+ và Star+. Đáng chú ý hơn, phim sở hữu số điểm 99% "cà chua tươi" trên trang phê bình Rotten Tomatoes và 8,6/10 trên IMDb, cùng với vô số lời ca ngợi có cánh đến từ giới chuyên môn.
Ngoài những điểm sáng về nội dung và hình ảnh đã kể trên, thành công của Shōgun (2024) còn được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lịch sử và các giá trị truyền thống Nhật Bản. Shōgun vốn do FX, một kênh truyền hình nổi tiếng của Hoa Kỳ phân phối, nhưng hầu hết đội ngũ sản xuất và và dàn diễn viên của phim đều là người Nhật. Phim cũng tập trung mô tả chiều sâu của trò chơi chính trị đi kèm tinh thần kiếm đạo, thay vì thiên về góc nhìn của người phương Tây như ở phiên bản phim năm 1980.
Shōgun là một trong số ít dự án lấy chất liệu Phương Đông có thể tiếp cận và tạo tiếng vang tại thị trường phương Tây. Thành tích tại giải Emmy nói riêng và các thành công khác của phim nói chung đã đánh dấu cột mốc quan trọng, góp phần khẳng định vị thế phim truyền hình châu Á trên địa hạt giải thưởng quốc tế ở hiện tại và trong tương lai.