Show 'Vua Tiếng Việt' gây tranh cãi khi giải nghĩa thành ngữ 'Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ'

Lời giải nghĩa của cố vấn chương trình 'Vua Tiếng Việt' với thành ngữ 'Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ' bị nhiều khán giả cho rằng chưa chính xác.

Là một trong những chương trình mới được khán giả yêu thích trên sóng giờ vàng của VTV3, Vua Tiếng Việt không chỉ là chương trình giải trí mà còn được xem là nơi "bổ túc" kiến thức tiếng Việt cho nhiều người. Với format dễ hiểu, các vòng chơi được nâng cấp dần để thử phản xạ và vốn hiểu biết của người chơi, Vua Tiếng Việt nhanh chóng được bàn luận sôi nổi.

Chương trình được đông đảo khán giả quan tâm nên những chi tiết trong Vua Tiếng Việt luôn lọt vào tầm ngắm của người xem. Mới đây, một nội dung trong chương trình khi lên sóng đã khiến cho nhiều người thắc mắc, thậm chí cho rằng ban cố vấn đã giải thích chưa hợp lý.

Cụ thể, trong số phát sóng mới nhất, ở phần thi thứ 3 Xâu Chuỗi, người chơi đã đưa ra đáp án: "Đi về nhà, về nhà hỏi trẻ".

Chia sẻ thêm về câu này, cố vấn của chương trình Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ giải nghĩa rằng: "Đi hỏi già là vế thứ nhất, ý rằng là việc chào hỏi người cao tuổi, kính lễ là điều vô cùng quan trọng. Về nhà hỏi trẻ, trẻ con rất thật thà, về nhà muốn biết điều gì đã xảy ra cứ hỏi trẻ con".

Ngay sau phát biểu này của Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, một cố vấn khác là Tiến sĩ Đoàn Hương đã lập tức bổ sung: "Đi hỏi già ngoài ý nghĩa kính lễ thì nó còn ý nghĩa là người già thì từng trải và hiểu nhiều nên ra đường hỏi người nhà là chắc chắn nhất, còn về nhà thì trẻ con rất là ngây thơ, có thể "tố" những bí mật chủ nhà muốn giấu".

Chương trình phát sóng, phần giải thích của Tiễn sĩ Đỗ Anh Vũ gây ra nhiều tranh luận. Người xem cho rằng Tiến sĩ này giải nghĩa chưa thực sự chính xác và phần bổ sung của Tiến sĩ Đoàn Hương mới là ý nghĩa thật sự của câu: "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ".

- Anh giám khảo giải thích câu Đi hỏi già.. vế đầu sai rồi nhé. Mà tôi cũng thường nghe Ra đường hỏi già….".

- Đi hỏi già nghĩa là ra đường có gì không biết là hỏi người già mà nhỉ?

- Mình toàn nghe bảo đi hỏi già là người già có gì cũng biết nên cứ hỏi họ, còn về nhà hỏi trẻ là nó thật thà. Chữ hỏi ở đây cùng nghĩa là hỏi han, chứ đâu phải chào hỏi kính lễ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng lời giải nghĩa của Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ chưa đầy đủ chứ không hẳn là thiếu chính xác. Bạn Nguyễn Thuận cho rằng: "Đi hỏi già cũng có nghĩa là đi thì chào hỏi người lớn đó mọi người!".

Linh Linh

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/show-vua-tieng-viet-gay-tranh-cai-khi-giai-nghia-thanh-ngu-di-hoi-gia-ve-nha-hoi-tre-post1386132.tpo