Sĩ quan Bộ Công an chia sẻ những ngày tham gia gìn giữ hòa bình ở khu vực Abyei

Chỉ vài tháng có mặt ở khu vực Abyei theo hình thức sĩ quan cá nhân của Phái bộ UNISFA, hai sĩ quan của Bộ Công an đã gây ấn tượng tốt và Tư lệnh Cảnh sát tại Phái bộ khen ngợi, mong muốn Việt Nam cử thêm nhiều cảnh sát tới Abyei làm việc.

Thiếu tá Vũ Trần Thắng và Đại úy Nguyễn Lan Anh là 2 sĩ quan công an tham gia gìn giữ hòa bình (GGHB) đầu tiên của Bộ Công an Việt Nam triển khai tại một Phái bộ hoàn toàn mới: Phái bộ UNISFA thuộc Khu vực Abyei.

 Đại úy Nguyễn Lan Anh (ngoài cùng, bên phải) tham gia đoàn tổ công tác Bộ Công an, Bộ Quốc phòng viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phái bộ UNISFA, khu vực Abyei

Đại úy Nguyễn Lan Anh (ngoài cùng, bên phải) tham gia đoàn tổ công tác Bộ Công an, Bộ Quốc phòng viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phái bộ UNISFA, khu vực Abyei

Vùng Abyei chưa có cảnh sát địa phương đúng nghĩa

Qua zalo, Thiếu tá Thắng kể về vùng đất Abyei, nơi cách Việt Nam hơn 10.000 km. Đây là vùng đất diện tích khoảng 10.000 km2 (nhỏ hơn tỉnh Thanh Hóa) hiện đang tranh chấp giữa 2 nước cộng hòa Sudan và Nam Sudan và là nơi chưa có chính quyền địa phương đúng nghĩa, được chia thành 3 vùng chính (Bắc - Trung - Nam).

 Toàn cảnh khu vực Abyei nhìn từ trên cao

Toàn cảnh khu vực Abyei nhìn từ trên cao

Mỗi vùng chịu ảnh hưởng của một sắc tộc riêng, và mỗi một sắc tộc lại có liên kết với một chính quyền nhà nước Sudan hoặc Nam Sudan.

“Quản trị xã hội vùng đất này hiện là những trưởng làng, trưởng bản, trưởng tộc người và không có cảnh sát địa phương. Tất cả dựa vào lực lượng tình nguyện cộng đồng, những người này đứng ra tự bảo vệ xóm làng của họ, họ làm tự nguyện nên không có bất kỳ chế độ lương thưởng, phụ cấp gì cả” - thiếu tá Thắng cho biết.

Abyei đã bắt đầu vào mùa mưa, cả vùng Abyei là đường đất. Những ngày nắng thì bụi mù, còn những ngày mưa đường lầy lội, nhão nhoét bùn đất sét nên các loại xe máy khó di chuyển…

Lý giải thích cho việc hạ tầng giao thông tại Abyei chỉ là đường đất, thiếu tá Thắng cho hay, Abyei là vùng đất đang bị 2 nước Sudan hoặc Nam Sudan tranh chấp nên không có bên nào tổ chức xây dựng hạ tầng giao thông trong khu vực này.

 Nơi sầm uất nhất tại khu vực Abyei không hề có nhà gạch, chưa nói đến nhà tầng

Nơi sầm uất nhất tại khu vực Abyei không hề có nhà gạch, chưa nói đến nhà tầng

Thiếu tá Thắng mô tả, khu vực Abyei không có ngôi nhà xây mà nhà của dân đang ở chỉ là những túp lều vách đất, hay cành cây dựng lên làm khung rồi được che chắn nắng mưa bằng những mảng vải rách, ni lông hay lá khô.

Cũng có chợ nhưng chỉ lèo tèo buôn bán một số món sản phẩm rau củ quả địa phương hay vật dụng sinh hoạt thiết yếu.

 Đường đất khu vực Abyei đầy bùn mỗi khi trời mưa

Đường đất khu vực Abyei đầy bùn mỗi khi trời mưa

“Từ trên máy bay đi tuần tra nhìn xuống, khu vực Abyei là vùng đất nghèo, chiến tranh liên miên, người dân không có sinh kế, cực khổ” - thiếu tá Thắng chia sẻ.

Sự xuất hiện Phái bộ UNISFA

Thiếu tá Thắng cho biết, Phái bộ UNISFA trước đây chỉ gồm Ethiopia, quốc gia duy nhất được Liên hợp quốc (LHQ) cho phép cử lực lượng bảo đảm an ninh lâm thời tại khu vực Abyei. Từ 15-3-2023, Phái bộ UNISFA được cơ cấu lại do nhiều quốc gia cử lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, an toàn cho khu vực Abyei.

Việt Nam tham gia Phái bộ UNISFA với lực lượng đầu tiên là Đội Công binh Việt Nam (lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng).

Ngày 2-6-2024, thiếu tá Thắng và đại úy Lan Anh lên đường đến Abyei gia nhập Phái bộ UNISFA.

 Đại úy Nguyễn Lan Anh viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phái bộ UNISFA, khu vực Abyei

Đại úy Nguyễn Lan Anh viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phái bộ UNISFA, khu vực Abyei

“Ở bất cứ phái bộ LHQ nào thì lực lượng GGHB cũng thực hiện nhiệm vụ theo 2 hình thức, một là sĩ quan cá nhân, hai là theo đơn vị. Hai hình thức độc lập nhau, và phía Bộ Quốc phòng Việt Nam đã triển khai cả 2 hình thức, còn tôi và Lan Anh thực hiện theo hình thức sĩ quan cá nhân. Mọi hoạt động công tác cũng như sinh hoạt của sĩ quan cá nhân là riêng lẻ, độc lập với hình thức đơn vị” - thiếu tá Thắng giới thiệu mô hình công tác của phái bộ LHQ.

Theo Thiếu tá Thắng, khi ứng tuyển sang Abyei thì cơ quan LHQ tuyển nhân sự về chuyên ngành IT để hỗ trợ các cấp chính quyền cơ sở. Tuy nhiên khi sang thì hạ tầng cơ sở về IT rất kém nên anh được phân công nhiệm vụ tại bộ phận tác chiến, thực hiện những công việc như một cảnh sát hình sự, cũng tham gia xây dựng kế hoạch tác chiến, điều tra, khám nghiệm hiện trường… Còn IT chỉ là một công cụ hỗ trợ cho các việc khác tại đây, ví như việc quản lý dữ liệu tội phạm mà khu vực này đang cần.

Còn sĩ quan Lan Anh thì thiên về thực hiện nhiệm vụ truyền thông của Phái bộ.

 Thiếu tá Vũ Trần Thắng trong một lần đến hiện trường thực hiện nhiệm vụ ở khu vực Abyei

Thiếu tá Vũ Trần Thắng trong một lần đến hiện trường thực hiện nhiệm vụ ở khu vực Abyei

Theo danh nghĩa của Phái bộ, sĩ quan Thắng đóng vai trò là cố vấn về cảnh sát, hỗ trợ lực lượng cảnh sát địa phương xây dựng lực lượng. Tuy nhiên, thực tế thì nơi đây chưa thành lập chính quyền và chưa có lực lượng cảnh sát nên các nhân viên GGHB LHQ tại đây thực hiện rất nhiều nhiệm vụ.

“Mới đầu khi nhận nhiệm vụ thì cũng có chút bỡ ngỡ, khó khăn nhất định như môi trường làm việc thực tiễn và tiêu chuẩn LHQ đặt ra khác với huấn luyện ở Việt Nam; quy trình làm việc cũng khác nên tôi phải rất nhanh tập trung dồn sức vào học tập huấn luyện ngay tại địa bàn mới có thể bắt nhịp công việc như hiện nay”– thiếu tá Thắng bộc bạch.

 Thiếu tá Vũ Trần Thắng trong quá trình điều tra, khám nghiệm hiện trường tại Abyei

Thiếu tá Vũ Trần Thắng trong quá trình điều tra, khám nghiệm hiện trường tại Abyei

Anh cũng chia sẻ cũng có thuận lợi là trước khi sang Abyei, anh và sĩ quan Lan Anh đã có thời gian làm việc hợp tác an ninh quốc tế, tiếp xúc với nhiều điều kiện làm việc ở ngoài nước nên đến nay, sau hơn 2 tháng, hai anh em đã vượt qua các kỳ sát hạch nghiệp vụ tại địa bàn và tự tin thực hiện nhiệm vụ do Phái bộ giao phó.

Càng thấy giá trị của hòa bình ở Việt Nam

Thiếu tá Thắng cũng giới thiệu về cơ sở hạ tầng của Phái bộ UNISFA, theo đó, Phái bộ có trụ sở chính và 10 căn cứ nhỏ phân bố tại các khu vực dân sự. Mỗi căn cứ nhỏ có lực lượng cảnh sát, quân sự, dân sự. Riêng lực lượng cảnh sát thì chỉ có khoảng 2 - 3 người trong một căn cứ nhỏ, và những cảnh sát này có nhiệm vụ phối hợp với tất cả các lực lượng hiện có tại khu vực đó thực thi nhiệm vụ bảo vệ khu vực đóng quân và cộng đồng xung quanh.

 Người dân khu vực còn rất nghèo khó

Người dân khu vực còn rất nghèo khó

Thiếu tá Thắng và sĩ quan Lan Anh đang đóng quân tại cùng một căn cứ nhỏ, cách căn cứ của lực lượng công binh BQP Việt Nam khoảng 3km, thực hiện nhiệm vụ độc lập khác nhau do Phái bộ phân công.

Điều kiện sinh hoạt mỗi người ở một khu khác nhau, nơi ngủ nghỉ được bố trí trong những ngôi nhà lắp ghép từ container, được chia thành các phòng ở cá nhân với không gian phòng khách, bếp và nhà vệ sinh chung. Tất cả các việc như nấu ăn, giặt giũ quần áo… phải tự lo liệu, không có lực lượng gọi là hậu cần hay giúp việc.

Nhờ nghiên cứu địa bàn và điều kiện đóng quân từ trước nên anh và sĩ quan Lan Anh chuẩn bị khá chu đáo các vật dụng cá nhân, thậm chí mang theo cả gạo và nồi cơm điện… “Thực ra trong khu đóng quân của phái bộ cũng có một căng tin nho nhỏ, bán những vật dụng thiết yếu, nhưng không nhiều; nếu “lười” nấu cơm thì có thể đặt mua tại đây với giá từ 5 – 10 đô la/suất, hay rau bắp cải có giá tương đương 80 – 90 nghìn một cân, khá đắt” – thiếu tá Thắng cho biết.

Do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nên việc tăng gia cải thiện bữa ăn là rất khó khăn, cùng với đó là thời gian làm việc gần như kín, nhân sự ít nên tại các căn cứ nhỏ không thể triển khai được công tác tăng gia “theo kiểu Việt Nam”.

Anh cho biết, Đội Công binh của BQP thì làm được tăng gia vì có diện tích doanh trại to hơn và thực hiện nhiệm vụ theo hình thức đơn vị, nên thi thoảng các anh em cũng “yểm trợ” cho hai anh em cảnh sát một số sản phẩm rau xanh.

“Những khi nhận được rau quả của đồng chí đồng đội cùng mang trên mình lá cờ đỏ sao vàng thấy thật hạnh phúc, thể hiện sự đoàn kết của lực lượng vũ trang Việt Nam” – anh Thắng chia sẻ.

 Cả khu vực không có đường nhựa, bê tông và đường đất lấy lội khi trời mưa

Cả khu vực không có đường nhựa, bê tông và đường đất lấy lội khi trời mưa

Theo quy định của Phái bộ, nhân viên GGHB không được phép tự do ra ngoài doanh trại, chỉ được ra ngoài khi đi làm nhiệm vụ, và đi thực thi nhiệm vụ phải có kế hoạch chặt chẽ, các nhân viên được hộ tống và trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo đảm an toàn tuyệt đối.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là Abyei chưa có lực lượng cảnh sát địa phương nên mọi sự việc xảy ra liên quan đến an ninh trật tự đều do lực lượng GGHB tiếp nhận, điều tra, xử lý. Và tại Abyei thì hàng ngày xảy ra rất nhiều vụ án, trong khi lực lượng GGHB thiếu nên công việc có thể nói là quá tải, đặc biệt đối với lực lượng đóng tại các căn cứ nhỏ” – thiếu tá Thắng kể.

Anh cho biết, Phái bộ UNISFA theo biên chế của LHQ thì có hơn 150 cảnh sát GGHB quốc tế thực hiện nhiệm vụ sĩ quan cá nhân, nhưng thực tế hiện nay chỉ mới có hơn 50 cảnh sát sĩ quan cá nhân. Theo đó, tại mỗi căn cứ nhỏ đã phải biên chế từ 2 - 3 sĩ quan cá nhân rồi nên tại trụ sở chính (căn cứ chính) chỉ còn khoảng gần 20 cảnh sát sĩ quan cá nhân và phải xử lý rất nhiều công việc, thay nhau làm việc gần như 24/7, rất vất vả, quá tải.

Mô tả về điều kiện sống của người dân vùng Abyei, anh Thắng chia sẻ: Cứ hình dung Abyei là vùng đất thuộc vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với nhiều cái không: không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại, không có những cánh đồng hoa màu, …

Khi mặt trời xuống núi thì cũng là lúc gần như không có người dân nào ra đường, vì họ sợ bị các phần tử vũ trang. Thậm chí cách đây không lâu, một căn cứ nhỏ một buổi tối đã phải mở cổng để hơn 300 người già, phụ nữ và trẻ em vào lánh nạn vì dân họ nghe thấy tin đêm đó sẽ có các toán vũ trang lùng tới.

 Khu vực đóng quân của Phái bộ tại vùng Abyei

Khu vực đóng quân của Phái bộ tại vùng Abyei

Người dân vùng Abyei trao đổi giao thương với nhau không sử dụng phổ biến tiền tệ, mặc dù họ có tiền tệ. Họ dùng bằng những sản phẩm địa phương, trong đó giá trị là những con bò, dê, nhỏ thì là rau củ quả… để trao đổi giao thương với nhau.

Ví như trong các đám cưới họ cũng dùng gia súc để làm của hồi môn hay thách cưới. Và trong điều kiện an ninh không có thì rất dễ xảy ra tình trạng cướp bóc gia súc.

Nếu như mùa mưa thì dễ tìm cỏ cho gia súc, nhưng vào mùa khô tình trạng khô hạn xảy ra và chỉ có một số vùng có nước và cỏ nên người dân lại phải lùa đàn gia súc đi di cư. Quá trình di cư họ rất dễ bị các toán cướp đe dọa, cướp đi những con gia súc quý giá của họ. Do vậy mà cả người dân có gia súc và các toán cướp đều sẵn sàng đổ máu với nhau.

“Khi mà chứng kiến hoàn cảnh sống quá nghèo khổ của người dân ở đây mới thấy giá trị của hòa bình ở quê nhà Việt Nam, hạnh phúc hơn họ biết bao nhiêu. Còn người dân ở đây phải trông chờ vào sự bảo đảm an toàn của lực lượng GGHB LHQ” – anh Thắng nói.

Tự hào mang sứ mệnh hòa bình đến với người dân

Anh Thắng cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Công an cử 2 sĩ quan cảnh sát đến thực hiện nhiệm vụ GGHB tại khu vực Abyei. Trước đó đã có sĩ quan cảnh sát được cử đến Nam Sudan.

Điều kiện tại Nam Sudan tốt hơn nhiều vì đất nước họ đã được thành lập, các tổ chức chính quyền và cơ sở hạ tầng cơ bản đã có và an toàn hơn khu vực Abyei.

Anh kể, nhiều lãnh đạo và nhân viên Phái bộ UNISFA nói với anh rằng, họ ít nhiều đã có tiếp xúc và làm việc với lực lượng GGHB Việt Nam. Trước đây là với Quân đội, nay thêm Cảnh sát nên họ rất có thiện cảm, và họ tin là lực lượng GGHB của Việt Nam nói chung là thực thi rất tốt nhiệm vụ, vì tố chất người Việt Nam ham học và học hỏi rất nhanh, cho nên trong quá trình học tập, huấn luyện và làm việc anh và Lan Anh thường xuyên chủ động trao đổi và học hỏi đồng nghiệp quốc tế. Ngược lại đồng nghiệp quốc tế rất sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với hai anh chị.

 Đại úy Nguyễn Lan Anh trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp tại khu vực Abyei

Đại úy Nguyễn Lan Anh trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp tại khu vực Abyei

Quá trình làm việc hai sĩ quan mạnh dạn đề xuất cách giải quyết công việc như việc thu thập thông tin, quản lý dữ liệu tội phạm được Phái bộ đánh giá rất cao. Hay đôi khi chỉ là bản báo cáo số liệu bằng excel để phục vụ các báo cáo hàng tuần, hàng tháng để dễ tổng hợp hơn so với cách làm thủ công của nhân viên Phái bộ như trước đến nay.

Còn sĩ quan Lan Anh thì tham gia nhiệt tình trong các hoạt động truyền thông tạo dựng hình ảnh người cảnh sát GGHB quốc tế; trực tiếp đi địa bàn thu thập thông tin, hình ảnh từ đó đã có sáng kiến biên tập thành các bài báo hay bản tin nội bộ (tin nhanh, postcat,…) cung cấp cho nhân viên phái bộ truyền tay đọc để biết những việc làm hay, cách làm hiệu quả, thành tích các nhân viên trong công tác.

Những việc làm hiệu quả ngay từ những ngày đầu của hai anh chị đã được chính Tư lệnh Cảnh sát tại Phái bộ dành nhiều lời khen ngợi và mong muốn Việt Nam cử thêm nhiều cảnh sát tới khu vực Abyei làm việc.

Anh Thắng chia sẻ, từ khi tới khu vực Abyei công việc rất nhiều, lịch làm việc kín mít và ấn tượng mạnh là người dân ở khu vực Abyei quá nghèo khó.

Anh cho biết, hiện nay lực lượng GGHB của BQP Việt Nam đã và đang cùng với lực lượng GGHB quốc tế nghiên cứu triển khai các sinh kế giúp người nơi đây tự chủ bảo đảm cuộc sống. Nhưng có lẽ sẽ còn mất rất nhiều thời gian nữa vì tình hình chính trị, chiến sự tại vùng đất này chưa ổn định.

Do đó, khu vực Abyei sẽ vẫn còn phải phụ thuộc vào sự bảo đảm toàn diện các mặt đời sống, quản trị xã hội của lực lượng GGHB quốc tế, trong đó có lực lượng cảnh sát GGHB Bộ Công an Việt Nam.

“Cả hai chúng tôi khi đi thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Abyei đều được gia đình ủng hộ, chia sẻ nên chúng tôi đã và sẽ có những ngày tháng yên tâm công tác. Chúng tôi luôn tự hào mang lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc Việt Nam với sứ mệnh hòa bình, hạnh phúc đến với người dân nơi đây – người dân khu vực Abyei họ cần chúng tôi!” – anh Thắng xúc động chia sẻ với PLO như vậy trước khi dừng cuộc trò chuyện để ăn cơm tối.

Đồng hồ lúc này chỉ 01h20 sáng, theo giờ Việt Nam.

(Ảnh trong bài: Thiếu tá Vũ Trần Thắng)

VỮNG NGUYỄN

Nguồn PLO: https://plo.vn/chia-se-cua-mot-si-quan-bo-cong-an-tham-gia-gin-giu-hoa-binh-o-khu-vuc-abyei-post808172.html