Sĩ tử mùa thi ăn gì cho đủ chất?
Hiện đang là thời điểm nước rút của nhiều kỳ thi quan trọng, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp các sĩ tử đủ sức khỏe, tự tin hơn bước vào phòng thi.
Cần chế độ dinh dưỡng hợp lý
Năm nay, gia đình chị Trần Thu Trang (Tây Hồ, Hà Nội) có hai cậu con trai đều bước vào những kỳ thi quan trọng, là kỳ thi vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thương các con học vất vả nên các bữa ăn đều được chị bổ sung đủ loại thực phẩm giàu đạm, tốt cho trí não như: thịt, tôm, cá, trứng, sữa...
Sĩ tử vùi đầu học cho các kỳ thi quan trọng (ảnh minh họa).
"Thế nhưng, ngay cả những món sở trường như tôm tẩm bột chiên giòn hay cá hấp xì dầu, lũ trẻ cũng lắc đầu", chị Trang cho biết.
Ăn uống là vậy, chị Trang vẫn chưa yên tâm khi thấy con thức khuya, dậy sớm, đôi lúc than phiền mệt mỏi, đau đầu. Vậy là chị lại tìm mua các loại thuốc được giới thiệu có tác dụng "bổ não" với mong muốn giúp con tỉnh táo, tiếp thu kiến thức tốt hơn.
BS Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, việc học hành căng thẳng chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng có thể khiến nhiều bạn trẻ gặp vấn đề về sức khỏe cả thể chất và tinh thần.
Nhiều sĩ tử có dấu hiệu đau đầu, căng thẳng, mệt mỏi, dẫn tới viêm dạ dày, ảnh hưởng tiêu hóa. Có em do ăn uống không đủ bữa, xuất hiện các dấu hiệu của hạ đường huyết, mệt lả, hạ can xi máu, tay chân tê bì, có thể co giật. Việc tập trung ôn bài nhiều cũng dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng.
Quá trình ôn thi, não bộ hoạt động nhiều, cần bổ sung các chất dinh dưỡng hơn bình thường. Việc chăm lo cho bữa ăn của các sĩ tử là điều cần thiết. Tuy nhiên, chế độ ăn uống cần đảm bảo khoa học, hợp lý, tránh gây quá tải cho hệ tiêu hóa và cơ thể.
Thực đơn đủ chất, đa dạng
"Bộ não giống như cơ bắp, hàng ngày ăn vào khoảng 2.000kcal thì việc tiêu hao cho hoạt động của bộ não chừng 400kcal. Sĩ tử ôn thi phải cố gắng ghi nhớ khối lượng lớn kiến thức, càng đòi hỏi thêm nhiều năng lượng. Theo đó, với em trai cần bổ sung từ 2.700-3.000 kcal, còn các em gái cần từ 2.200-2.500kcal/ngày", BS Mai nói.
Bên cạnh những bữa ăn đủ dinh dưỡng, các sĩ tử cần ngủ đủ giấc, ngủ sớm, dậy sớm và đừng quên việc luyện tập thể dục, giải trí. Khi tập thể thao hay giải trí, các dopamin hóc môn trong cơ thể tiết ra giúp chúng ta tập trung hơn, cải thiện được trí nhớ tốt hơn là việc chúng ta dùng 100% thờ gian chỉ vào việc học.
BS Đinh Trần Ngọc Mai
TS. BS Phạm Thị Thúy Hòa, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng cho biết: Việc cha mẹ cố bồi dưỡng, ép con ăn nhiều hơn sẽ tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa cũng như toàn bộ quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Điều đó không chỉ khiến các sĩ tử cảm thấy nặng nề, khó chịu mà còn bị phân tán năng lượng để tiêu hóa thức ăn, dẫn đến khó tập trung.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để đảm bảo sức khỏe, các sĩ tử cần một thực đơn đủ chất, đa dạng khẩu phần, gồm các nhóm đạm, vitamin và khoáng chất từ rau xanh, hoa quả, chất béo tốt như omega3, 6 trong cá hay các loại đậu hạt… Đây là các loại thực phẩm bổ não, tăng cường trí nhớ.
Một chế độ ăn đầy đủ hợp lý còn cần đi kèm với việc bổ sung đủ lượng nước cần thiết. Ngoài ra, cần chia khẩu phần ăn phù hợp, ăn không quá no ở bữa chính và thêm các bữa phụ bởi nhiều bạn hay bỏ bữa do lịch học quá dày đặc.
Chớ lạm dụng cà phê, nước tăng lực
Rất nhiều sĩ tử lựa chọn việc sử dụng cà phê, nước tăng lực để tỉnh táo hơn tranh thủ thời gian học tập. Theo BS Mai, việc sử dụng liên tục trà, cà phê, nước tăng lực sẽ khiến bộ não tỉnh táo nhưng chỉ là cách đánh lừa cảm giác.
Các loại nước tăng lực ngoài tác dụng giúp tỉnh táo còn chứa hàm lượng đường cao, dẫn tới quá tải năng lượng và tăng cân. Việc dùng cà phê, trà đậm đặc hay nước tăng lực số lượng nhiều còn gây thiếu nước, rối loạn điện giải và khiến cơ thể mệt hơn.
Về việc không ít gia đình tìm mua các loại thực phẩm chức năng bổ não cho các sĩ tử, BS Mai cho rằng: Việc phát triển trí não là hành trình dài, không có thuốc nào chỉ uống trong 1-2 tuần giúp các bạn trẻ tự nhiên đang học bình thường trở nên xuất sắc. Với các thực phẩm gắn mác bổ não, bản chất là vitamin, khoáng chất, vitamin B tổng hợp, hoàn toàn có thể bổ sung từ bữa ăn hợp lý.
Còn theo BS Hòa, việc lạm dụng nước trà, cà phê hay bổ sung thực phẩm chức năng thực ra cũng là một dạng cưỡng ép cơ thể. Bởi việc thu nạp kiến thức là cả một quá trình lâu dài, đều đặn.
Thông tin thêm về quan niệm "ăn gì bổ nấy", kiêng ăn trứng vì hình dáng như điểm 0 hoặc nên ăn nhiều đậu đỏ, BS Mai cho rằng, quan điểm này chưa chính xác. Ví dụ, với 100gr óc heo thì chứa tới 10g chất béo và lượng đạm chỉ bằng 1/2 lượng đạm có trong 100g thịt; đây là món khó tiêu do nhiều chất béo và ít đạm, không khuyến khích sử dụng.
Với hạt óc chó giàu omega 3, omega 6 được cho là những dưỡng chất bổ cho hệ thần kinh, chỉ cần ăn 5-6 hạt là đã đủ lượng chất béo cần cho cả ngày. Còn với trứng, trong lòng đỏ có chứa nhiều photpho lipit, giúp hoạt động trí não tốt hơn. Do vậy, không nên kiêng loại thực phẩm nhiều dưỡng chất này.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/si-tu-mua-thi-an-gi-cho-du-chat-192240606235246102.htm