Sĩ tử nhắm mắt chọn bừa đáp án Lịch sử THPT Quốc gia, giáo viên nói 'không hề khó'
Kết thúc buổi thi cuối cùng trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, đề thi môn Lịch sử được nhiều thí sinh đánh giá là khó, chỉ chọn đáp án dài nhất để 'ăn may'. Tuy nhiên, giáo viên nhận định, nội dung đề thi rất căn bản và đúng trọng tâm.
Nhận xét về đề thi môn Lịch sử, cô Bùi Thị Thu Sương, giáo viên Lịch sử trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp TP.HCM cho biết: “So với năm ngoái, đề thi năm nay khá vừa sức với đa số học sinh. Nội dung các câu hỏi đều bám sát sách Giáo khoa chứ không lan man các “ngóc ngách” trong chương trình như đề thi năm ngoái”.
“Cụ thể hơn, về phần lịch sử thế giới, đề thi tập trung vào chương trình lớp 11 với tình hình của Liên Xô và cách mạng tháng 10 Nga. Phần lịch sử Việt Nam, nội dung trải dài từ lớp 11 (kháng chiến chống Pháp) đến lớp 12. Các bài trong chương trình lịch sử Việt Nam lớp 12 đều có trong đề thi, ra tất cả các bài với mỗi bài có 1, 2 câu”, cô Thu Sương cho hay.
Với những thí sinh cho rằng đề khó, cô Thu Sương cho rằng: “Nhiều thí sinh nói đề khó và cứ chọn đáp án dài nhất. Do các em không học bài kỹ chứ đề thi không hề khó, rất vừa sức nếu chú tâm ôn tập”.
Từ đó, cô Thu Sương bày tỏ: “Các thí sinh ôn đúng chương trình cơ bản sẽ dễ dàng đạt điểm khá. Đa số học sinh học lực trung bình có thể đạt 6,7 điểm, tệ lắm cũng là điểm 5. Còn điểm 9, 10 sẽ rất ít vì đề thi có nội dung lớp 11 nhưng nhiều thí sinh chủ quan không ôn tập. Học sinh giỏi có thể đạt điểm 8”.
Cô Sương cũng nhận định: “Tính chất đề thi không yêu cầu thí sinh nhớ quá nhiều ngày tháng, số liệu mà chỉ cần hiểu rõ về từng giai đoạn, tiến trình lịch sử. Các ngày tháng đã gợi ý từ câu hỏi, không để ở đáp án để làm khó thí sinh”.
“Từ ngữ trong đề cũng hợp lý, gọn gàng và dễ hiểu. Hoàn toàn không đánh đố thí sinh. Số lượng câu hỏi khó có khoảng 4 câu, đòi hỏi vận dụng cao. Còn lại đa phần đều vừa phải”, cô Sương nói.
Thí sinh Huyền Trang, THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM cho rằng: “Đề thi không yêu cầu nhiều số liệu mà tập trung vào tính chất, nhận định. Nội dung rơi vào lịch sử Việt Nam giai đoạn sau năm 1945 là nhiều nhất”.
Còn thí sinh Nguyễn Nhật Trí, THPT Lý Thái Tổ, TP.HCM lại cho rằng đề thí tương đối khó, nội dung hỏi nhiều về kháng chiến chống Pháp 1936 – 1939.
Tại điểm thi trường Marie Curie (Hà Nội), nhiều thí sinh cũng "kêu" đề Lịch sử khá khó.
Thí sinh Nguyễn Phương Anh cho rằng trong ba môn thi tổ hợp chỉ có môn Lịch sử khá "khoai", còn Địa lý và Giáo dục công dân khá bám sát đề thi minh họa của bộ GD&ĐT: "Theo em, thí sinh nào cũng có thể làm được tốt đề Giáo dục công dân với Địa lý vì những câu hỏi tương tự như đề thi minh họa, còn riêng đề Lịch sử gây "bất ngờ" cho các thí sinh vì có vẻ khác hoàn toàn đề minh họa".