Siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 31/5, UBND tỉnh Kon Tum có công văn số 1771/UBND-KGVX tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, Kon Tum tiếp tục nâng cảnh báo phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn lên mức cao nhất và việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, ở nơi công cộng là bắt buộc. Người dân cũng được khuyến cáo thực hiện nghiêm thông điệp 5K phòng, chống dịch của Bộ Y tế, không ra khỏi nhà khi không cần thiết; không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc.
Tỉnh cũng tiếp tục tạm dừng tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người, các hoạt động, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: Karaoke, vũ trường, bar, pub, massage, xông hơi, cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu; các cơ sở, điểm tham quan, du lịch, di tích; sân vận động; các điểm truy cập internet và cung cấp trò chơi điện tử công cộng; rạp chiếu phim; khu vui chơi, giải trí, bida…; các địa điểm tập luyện thể dục, thể thao theo hình thức tập trung đông người; nhà hàng, nhà hàng tiệc cưới, nhà hàng khách sạn… trên địa bàn tỉnh.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác được phép hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như: Không tập trung đông người, khuyến khích phương thức bán hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà hoặc mua đem về. Các cơ sở, các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn, uống, đường phố, vỉa hè… phải đảm bảo khoảng cách giữa các bộ bàn ghế tối thiểu 2m, giãn cách khách tối thiểu 1m và giảm 50% số lượng phục vụ theo đăng ký.
Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được tiếp tục hoạt động phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động (bắt buộc triển khai thông điệp 5K); xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch và thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cập nhật lên Bản đồ chống dịch; dừng ngay hoạt động nếu không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
UBND tỉnh Kon Tum đề nghị các chốt kiểm tra và tổ liên ngành về phòng, chống dịch COVID-19 siết chặt kiểm soát người ra, vào tỉnh, kiên quyết không để các trường hợp có yếu tố dịch tễ vào địa bàn tỉnh mà không được kiểm soát.
Từ ngày 31/5, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Đối với các tuyến vận tải hành khách có hành trình qua Thành phố Hồ Chí Minh, tuyệt đối không được dừng, đỗ để đón, trả khách; các phương tiện đang thực hiện hành trình trên tuyến Kon Tum đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại thì nhanh chóng giải tỏa khách, vệ sinh, sát khuẩn phương tiện.
Sở Y tế tỉnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc lấy mẫu xét nghiệm đối với người đến và về từ Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 18-29/5. Trong đó, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương soát tất cả các trường hợp có đi và về từ Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian trên để hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, hoàn thành chậm nhất ngày 2/6. Từ đó, sớm phát hiện và áp dụng các biện pháp cách ly y tế kịp thời đối với những trường hợp có yếu tố dịch tễ.
* Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu từ 0 giờ ngày 31/5/2021 đến hết ngày 15/6/2021, trên địa bàn tỉnh không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và huyện, thành phố 17 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực giáp ranh với các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, thành phố Cần Thơ và trên tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; bố trí các lực lượng chức năng phối hợp thực hiện nhiệm vụ tại các chốt.
Tỉnh tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch từ tỉnh Kiên Giang đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.
Các ngành chức năng tỉnh phối hợp với huyện, thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn; nếu không đảm bảo an toàn thì buộc dừng hoạt động để chấn chỉnh, trong đó chú trọng Khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành) tập trung đông người lao động.
Các Tổ phòng, chống COVID-19 tại những cơ sở sản xuất có từ 11 lao động trở lên và tại ký túc xá hoặc nơi ở của công nhân lao động được nhanh chóng thành lập. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, huyện Châu Thành và thành phố Hà Tiên phối hợp hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn, tổ chức ký cam kết giữa người lao động với doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các ngành chức năng và địa phương vận động, hướng dẫn các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo tổ chức sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo trực tuyến, sử dụng các trang truyền thông của giáo hội và cầu nguyện tại gia đình, không tổ chức lễ hội tập trung đông người...
* Ngày 31/5, bác sĩ Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết, toàn tỉnh có 6 trường hợp F1 liên quan đến chùm ca bệnh tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh). Các trường hợp này đều đang cách ly tập trung. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã truy vết 29 trường hợp F2 đang cách ly y tế tại nhà theo quy định.
Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bến Tre có văn bản yêu cầu người dân từ khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đến địa phương bắt buộc thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi cư trú trong vòng 14 ngày. Trường hợp có các biểu hiện như sốt, khó thở… phải báo ngay cho trạm y tế nơi cư trú để được hỗ trợ.
UBND tỉnh Bến Tre có công văn tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách tuyến cố định từ Bến Tre đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại từ ngày 30/5.
Theo Sở Giao thông Vận tải, đối với hành khách đi trên các tuyến xe đến địa phương khác ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang, ngồi xen kẽ hàng ghế và khai báo y tế theo quy định; thực hiện khử khuẩn sau mỗi chuyến vận chuyển; lập và lưu trữ danh sách hành khách trên từng chuyến đi.
Các phương tiện công cộng trong tỉnh thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế và chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre.