Siết chặt các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát mạnh trong cộng đồng
Hiện nay, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng mạnh và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở huyện Yên Mô. Trong khi đó dịch COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, bệnh nhân có nguy cơ đồng nhiễm vi rút COVID-19 và vi rút SXH, gây các biến chứng nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế đòi hỏi công tác phòng, chống dịch SXH cần được tăng cường, kiểm soát và siết chặt hơn nữa, không để dịch bệnh bùng phát mạnh trong cộng đồng, đảm bảo sức khỏe người dân.
Từ ca bệnh đầu tiên ghi nhận vào ngày 9/9 trên địa bàn thành phố Ninh Bình, đến ngày 22/9, thành phố Ninh Bình đã ghi nhận thêm 5 trường hợp, trong đó có 2 ca bệnh nội tỉnh, 4 ca bệnh xâm nhập. Các trường hợp bệnh đã ghi nhận tại xã Ninh Nhất, phường Nam Thành, nguy cơ lây lan rộng ra nhiều thôn, xóm, phường, xã nếu không được giám sát, quản lý và siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Bác sĩ Đặng Hữu Lục, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Ninh Bình cho biết: Trước nguy cơ dịch SXH có thể lây lan rộng và bùng phát trên địa bàn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người thành phố Ninh Bình đã và đang chỉ đạo các phường, xã tăng cường phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt các biện pháp phòng chống. Trong đó, thực hiện ngay việc tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường tại khu dân cư. Phát động và yêu cầu người dân các thôn xóm, khu phố thường xuyên duy trì chiến dịch diệt muỗi, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, đậy kín các vật chứa nước sinh hoạt… Khuyến khích người dân tự phun thuốc diệt muỗi tại gia đình.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh khi chưa có vắc xin dự phòng cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Các hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng như: trên hệ thống loa truyền thanh 2 cấp; lồng ghép nội dung phòng chống SXH trong các buổi họp giao ban, sinh hoạt CLB, các cuộc họp của các tổ chức, đoàn thể. Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị khi có các dầu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Đặc biệt, vận động nhân dân phát hiện và thông báo cho chính quyền, y tế địa phương những trường hợp đi về từ vùng có dịch…
Hiện tất cả các trường hợp phát hiện mắc SXH trên địa bàn thành phố Ninh Bình đều được điều trị theo đúng phác đồ của ngành Y tế. Những khu vực có bán kính 200 mét (tính từ địa điểm phát hiện người mắc bệnh) đều được nhân viên y tế phun thuốc tiêu độc khử trùng và theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình dịch SXH hàng ngày để người dân và chính quyền địa phương nắm bắt được...
Tại xã Yên Từ (huyện Yên Mô), nơi có ổ dịch phức tạp và hiện có số lượng bệnh nhân nhiều nhất tỉnh, đã ghi nhận trên 50 ca bệnh, thời gian từ khi ghi nhận trường hợp bệnh đầu tiên đến nay đã hơn 3 tuần (từ 30/8/2022 đến nay), số lượng các trường hợp mắc ở các tuần đang có xu hướng gia tăng. Số xóm có trường hợp mắc SXH không có dấu hiệu dừng lại, tăng từ 4 xóm lên 5 xóm trong tuần 3, gồm xóm Chung, xóm Thượng, xóm Cầu, xóm Sa Lung, xóm Chùa. Trong đó có cả những trường hợp bệnh nhân rất nhỏ tuổi, những trường hợp mắc các bệnh lý nền kèm theo mắc SXH - đó là yếu tố nguy cơ tăng nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Trước sự phức tạp của dịch SXH trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Yên Mô đã khẩn trương chỉ đạo y tế cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai các giải pháp chống dịch phù hợp với tình hình thực tế. Yêu cầu y tế cơ sở giám sát chặt chẽ các ổ dịch, ca bệnh, kịp thời cách ly các ca bệnh, hạn chế thấp nhất sự lây lan thành ổ dịch lớn trong cộng đồng.
Giám sát véc tơ truyền bệnh tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm các ca bệnh và ổ dịch SXH.
Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện cũng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về vật tư, hóa chất để cấp cho địa phương phun khử khuẩn và đảm bảo đủ cơ số thuốc, vật tư điều trị cho bệnh nhân theo phác đồ của Bộ Y tế. Hiện tất cả các bệnh nhân đều được điều trị tại cơ sở y tế và có sức khỏe ổn định, không có trường hợp nào biến chứng nặng tử vong...
Bác sỹ Trần Văn Thiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Dịch SXH xuất hiện từ đầu tháng 6/2022 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 140 ca bệnh. Trong đó, riêng trong 3 tuần đầu của tháng 9 đã ghi nhận gần 80 trường hợp, gấp gần 4 lần số ca mắc trung bình của 3 tháng trước đó. Toàn tỉnh đã ghi nhận 40 ổ dịch, trong đó có 21 ổ dịch đã kết thúc, còn 19 ổ dịch đang hoạt động. Tất cả 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh đã và đang ghi nhận các ổ dịch SXH đang hoạt động.
Điều đáng lưu ý là qua kiểm tra, giám sát trong cộng đồng, nhất là tại các khu vực nông thôn, người dân còn khá chủ quan trong công tác phòng, chống dịch SXH. Vẫn còn tình trạng người dân để các dụng cụ chứa nước lâu ngày tại gốc cây, vườn, là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn, loăng quăng, bọ gậy sinh sản và phát triển thành muỗi truyền bệnh SXH. Cùng với đó, nhiều người dân còn suy nghĩ mắc SXH không nguy hiểm, có thể điều trị nhanh khỏi, chủ quan trong các biện pháp phòng chống cũng như điều trị bệnh...
Ngành Y tế nhận định, trong thời gian tới, số lượng các trường hợp mắc SXH sẽ còn gia tăng do điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh phát triển, cộng thêm nguồn truyền nhiễm đang có trong cộng đồng. Số ổ dịch đã tăng lên nhanh chóng trong 2 tuần vừa qua, hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều ghi nhận ổ dịch. Các trường hợp mắc SXH nhẹ hoặc đi về từ nơi khác cũng có thể đóng vai trò là nguồn lây lan trong cộng đồng bên cạnh các trường hợp mắc SXH nội tỉnh...
Trước thực tế trên, ngành Y tế đề xuất và dự kiến tập trung thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm như: Tập huấn giám sát phòng, chống SXH do Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương tổ chức vào khoảng thời gian từ 5-10/10, tại 8 huyện, thành phố và một số xã trọng điểm. Tiếp tục giám sát hỗ trợ, giám sát véc tơ, giám sát trọng điểm ca bệnh tại cộng đồng, ưu tiên khu vực có nguy cơ cao như các ổ dịch cũ, ổ dịch đang hoạt động…
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị truyền thông tăng cường tuyên truyền phòng, chống SXH. Tiếp tục duy trì giám sát dựa vào sự kiện, thường xuyên bám sát, cập nhật tình hình ghi nhận bệnh nhân tại các cơ sở điều trị để kịp thời lấy mẫu chẩn đoán ca bệnh. Chuẩn bị nhân lực, hóa chất, trang thiết bị sẵn sàng hỗ trợ các huyện, thành phố xử lý dịch khi có yêu cầu...
Theo ngành Y tế, với thời tiết mưa nhiều như hiện nay, để khống chế dịch bệnh, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành là điều quan trọng nhưng chỉ có tính nhất thời. Điều căn bản là phải diệt loăng quăng, bọ gậy thường xuyên, liên tục tại từng gia đình và khu dân cư. Để làm được điều đó, cần sự chung tay của chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong việc nâng cao ý thức, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình. Có như vậy, việc phòng chống SXH mới mang lại hiệu quả và diệt được tận gốc các mầm bệnh, không để bùng phát dịch trong cộng đồng.