Siết chặt công tác bảo vệ, quản lý tài nguyên nước

Cùng với xây dựng các quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, phát triển KT-XH trên địa bàn.

Công ty cổ phần Nước sạch Vĩnh Phúc (Phúc Yên) thường xuyên kiểm chất chất lượng nước sạch cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh Thế Hùng

Công ty cổ phần Nước sạch Vĩnh Phúc (Phúc Yên) thường xuyên kiểm chất chất lượng nước sạch cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh Thế Hùng

Vĩnh Phúc là địa phương có nguồn tài nguyên nước tương đối dồi dào, bao gồm nguồn nước mặt, nước ngầm và nước mưa. Tỉnh ta có 4 sông, suối lớn liên tỉnh chảy qua địa bàn là sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy và sông Cà Lồ; 9 sông, suối nội tỉnh có chiều dài từ 10km trở lên cùng với hệ thống hồ chứa thủy lợi… đem lại tiềm năng tài nguyên nước hàng năm trên 140 tỷ m3/năm; trong đó lượng nước có thể khai thác, sử dụng sơ bộ trên 42 tỷ m3/năm.

Cùng với đó, tài nguyên nước dưới đất đạt trên 303 triệu m3/năm, trữ lượng có thể khai thác gần 129 triệu m3/năm và lượng nước đang khai thác hiện tại gần 36 triệu m3/năm. Năm 2021, toàn tỉnh cấp 24 giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước với tổng lượng nước khai thác, sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất đạt 53.605 m3/ngàyđêm; sử dụng cho sản xuất nông nghiệp đạt 1,55 m3/s. Trong đó, có 6 giấy phép khai thác nước mặt và 18 giấy phép khai thác nước dưới đất.

Thực hiện công tác bảo vệ, quản lý tài nguyên nước trên địa bàn, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã triển khai thực hiện nghiêm các văn bản pháp quy của Chính phủ, Bộ TN&MT, UBND tinh.

Đồng thời, xây dựng các quy định, hướng dẫn kỹ thuật riêng cho địa phương trong lĩnh vực tài nguyên nước như: Nghị quyết số 97 của HĐND tỉnh về tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nước hợp vệ sinh vùng nông thôn và khai thác, sử dụng các công trình cấp nước tập trung cho nhân dân vùng nông thôn trên địa bàn; Báo cáo số 90 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát tình hình sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc; Văn bản số 10365 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước trên địa bàn tỉnh…

Sở TN&MT đang thực hiện điều tra, khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn.

Tuy nhiên, tài nguyên nước trên địa bàn phụ thuộc chủ yếu vào các tỉnh phía thượng nguồn và nước ngoài. Phía thượng lưu đang tăng cường xây dựng các công trình thủy điện, chuyển nước và xây dựng nhiều công trình lấy nước làm cho nước chảy về tỉnh ngày càng suy giảm gây sự chênh lệch lớn về mực nước ban ngày và ban đêm; có thời điểm các hồ ngừng xả nước phát điện liên tục, kéo dài làm suy kiệt dòng chảy các sông.

Cùng với đó, tài nguyên nước phân bố không đều theo thời gian trong năm và không đều giữa các năm. Lượng nước trong 4 tháng mùa lũ chiếm tới 70-80%, trong khi 8 tháng mùa kiệt cần nhiều nước cho phát triển KT-XH chỉ có 20-30% lượng nước cả năm. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô, nhiều địa phương có nước nhưng không thể sử dụng do nguồn nước bị ô nhiễm.

Nước là nguồn tài nguyên không thể thiếu trong đời sống và sản xuất, là cơ sở để xây dựng hệ thống thủy điện, vận tải thủy, tạo bể chứa, đập tràn phục vụ tưới tiêu, phát triển KT-XH. Vì vậy, để khắc phục thực trạng trên, đảm bảo an ninh nguồn nước, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nước của người dân, doanh nghiệp tại Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; văn bản định hướng, điều hành về quản lý tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.

Đồng thời, lập và tổ chức thực hiện phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh.

Lập và thực hiện kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt. Cùng với đó, khoanh định vùng hạn chế, vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất, vùng cần bổ sung nhân tạo, ngưỡng khai thác nước dưới đất theo thẩm quyền.

Tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước liên quốc gia theo thẩm quyền; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bảo đảm nguồn nước phục vụ cung cấp nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hoặc xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông.

Chú trọng thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/79360/siet-chat-cong-tac-bao-ve-quan-ly-tai-nguyen-nuoc.html