Siết chặt công tác phòng, chống cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh karaoke
Liên tiếp các vụ cháy tại cơ sở kinh doanh karaoke trong cả nước làm nhiều người thương vong đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn cháy, nổ đối với loại hình đặc doanh này.
Lực lượng Công an kiểm tra công tác PCCC tại quán karaoke Mạnh Dũng, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy).
Người dân cả nước bàng hoàng trước thông tin vụ cháy quán karaoke An Phú tối 6/9/2022 tại phường An Phú, TP Thuận An (Bình Dương) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; tính đến 21h ngày 7/9/2022 đã có 33 người chết, nhiều người bị thương. Trước đó, ngày 11/8/2022, vụ cháy quán karaoke ISIS tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã làm 3 cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hy sinh khi làm nhiệm vụ. Nhiều người cũng vẫn chưa thể quên vụ cháy lớn tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy (Hà Nội) ngày 1/11/2016 làm 13 người tử vong, trong đó có 1 người Hòa Bình. Một số vụ cháy quán karaoke khác trên cả nước cũng gây hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản.
Trên địa bàn tỉnh có gần 200 cơ sở kinh doanh karaoke. Từng xảy ra cháy tại một số cơ sở, gần đây nhất là vụ cháy quán karaoke Queen trên đê Đà Giang, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) tối 16/9/2021 làm 1 chiến sĩ Cảnh sát PCCC bị thương khi làm nhiệm vụ. Trước đó, xảy ra cháy quán karaoke Phương Anh tại phường Đồng Tiến, karaoke Cây Sấu tại phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình); karaoke Anh Quân tại xã Sào Báy (Kim Bôi)… Nguyên nhân chủ yếu do sửa chữa hàn xì, chập điện. Tuy các vụ cháy quán karaoke trên địa bàn tỉnh chưa gây thiệt hại nặng nề về người nhưng cũng thiêu rụi nhiều tài sản và tiềm ẩn nguy hiểm.
Trung tá Đỗ Thanh Đạt, Đội trưởng đội Công tác PCCC, phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07) cho biết: Cơ sở kinh doanh karaoke đặc thù là nơi thường tập trung đông người vào một thời điểm nhất định. Đặc điểm chung của các phòng hát thiết kế cửa hẹp; cách âm bằng các vật liệu dễ cháy như mút, xốp, cao su non, bông thủy tinh… Khi cháy, lửa bùng phát mạnh, sinh ra khí độc, gây ngạt khí, tử vong rất nhanh. Việc khách hàng thắp nến tổ chức sinh nhật, hút thuốc lá... trong phòng hát diễn ra phổ biến, nên nguy cơ cháy, nổ luôn rình rập. Các cơ sở này lại thường nằm trong các tuyến phố lớn, khu vực đông dân cư, sát nhà dân, nếu xảy ra cháy thường không xử lý, kiểm soát được kịp thời, dễ gây thiệt hại lớn. Ngoài ra, tại các quán karaoke thường có biển quảng cáo lớn bên ngoài bịt kín ban công, lối thông gió, khó khăn cho Cảnh sát PCCC tiếp cận đám cháy, cứu nạn.
Từ thực tế trên cho thấy, việc chấp hành các quy định PCCC đối với các cơ sở kinh doanh karaoke rất quan trọng. Đây là loại hình kinh doanh đặc thù nên công tác phòng, chống cháy, nổ cũng cần đặc biệt quan tâm. Việc trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy và tập huấn kỹ năng PCCC cho cán bộ quản lý, nhân viên cơ sở là rất cần thiết. Thời gian qua, phòng PC07 và Công an các huyện, thành phố kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC đối với các cơ sở kinh doanh karaoke trong toàn tỉnh. Qua đó, rà soát, đánh giá các cơ sở. Trong quá trình kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp khắc phục thiếu sót; tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm, cách sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện PCCC. Tập huấn, hướng dẫn nhân viên cách sử dụng phương tiện PCCC tại chỗ nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản nếu xảy ra cháy.
Trước thiệt hại nghiêm trọng tại các cơ sở kinh doanh karaoke trên cả nước, Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường trên địa bàn tỉnh; thời gian từ 22/8 - 15/9/2022. Chỉ đạo phòng PC07, Công an các huyện, thành phố kiểm tra định kỳ, đột xuất, nội dung tập trung vào: Việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC; hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC; thực tế các điều kiện an toàn PCCC.
Với vai trò nòng cốt trong công tác PCCC, phòng PC07 đã xây dựng kế hoạch kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường theo phân cấp quản lý. Tiếp tục kết hợp tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật và kiến thức cơ bản về PCCC. Đa dạng hình thức tuyên truyền, từ tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, đến gửi tin nhắn SMS và qua mạng xã hội… Thượng tá Bùi Vĩnh Lộc, Phó trưởng phòng PC07 cho biết: Qua đợt kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke nổi lên việc trang bị các phương tiện PCCC tại chỗ chưa đảm bảo hoặc đã trang bị nhưng bảo quản, bảo dưỡng không đúng quy định, nên hoạt động kém; chưa xây dựng phương án cứu nạn, cứu hộ; để các vật dụng cản trở lối thoát nạn; các lối thoát nạn và thiết bị điện chưa đúng quy định, dễ dẫn đến sự cố trong quá trình hoạt động. Đơn vị kiên quyết xử lý các cơ sở cố tình vi phạm.
Để đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke, phòng PC07 khuyến cáo: Các cơ sở phải thường xuyên tự kiểm tra, duy trì đầy đủ các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC (phương tiện chữa cháy tại chỗ, lối thoát nạn…) Trong quá trình cải tạo, lắp đặt thiết bị phải bảo đảm các yêu cầu PCCC, nhất là sử dụng máy hàn cắt kim loại, các thiết bị điện không an toàn. Nhắc nhở khách hàng cẩn trọng trong sử dụng nguồn lửa. Thường xuyên củng cố lực lượng PCCC tại chỗ nhằm đáp ứng kịp thời, hiệu quả nếu sự cố xảy ra. Chủ động phòng ngừa ngay từ cơ sở, thực hiện phương châm 4 tại chỗ (lực lượng, phương tiện, chỉ huy, hậu cần tại chỗ) để dập tắt ngay từ đốm lửa nhỏ ban đầu.
Đối với người dân khi đến quán karaoke, cần quan sát lối thoát nạn có chữ 'Exit'. Nếu luồng khói từ trên cao hoặc ngay trong tầng nơi mình, nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm, xuống tầng dưới, không vào thang máy, khu vệ sinh. Nếu khói từ các tầng dưới, người đang ở tầng thấp nên di chuyển xuống và thoát ra ngoài; người ở tầng cao nên di chuyển lên tầng thượng, thoát ra nhà bên cạnh hoặc chờ cứu hộ. Trong quá trình di chuyển, nên cúi thấp người trên sàn. Sử dụng vải thấm nước bịt mũi để che khí độc. Nếu có thể, dùng chăn, ga… nhúng nước trùm lên người để chạy nhanh ra ngoài. Nếu bị lửa bén vào quần áo, nằm xuống lăn qua, lăn lại để dập tắt.
Trước vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Bình Dương, ngay ngày 7/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 792/CĐ-TTg chỉ đạo Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC tại các văn bản: Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 9/8/2022 của Chính phủ, Công điện số 683/CĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 2530/VPCP-NC ngày 21/4/2022 của Văn phòng Chính phủ... Bộ Công an chủ trì, phối hợp UBND các địa phương có kế hoạch kiểm tra, rà soát tổng thể các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC theo quy định, không để xảy ra các vụ việc tương tự.