Siết chặt hoạt động tạm nhập tái xuất
Tổng cục Hải quan vừa chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khi tạm nhập đến khi thực tái xuất.
Quán triệt việc thực hiện đúng quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định 59/2018/NĐ-CP, Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2018/TT-BTC và các văn bản hướng dẫn, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất.
Công tác kiểm tra, giám sát phải được thực hiện kể từ khi hàng hóa tạm nhập vào Việt Nam cho đến khi tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ nơi lưu giữ hàng hóa tạm nhập đến cửa khẩu tái xuất, đảm bảo công tác quản lý hải quan đối với hoạt động tạm nhập tái xuất; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm.
Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất qua các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở biên giới tại các địa bàn biên giới thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định 112/2014/NĐ-CP, Nghị định 14/2018/NĐ-CP, Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Việc tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ ngoài khu kinh tế cửa khẩu đã có đầy đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định và cơ sở kỹ thuật bảo đảm quản lý nhà nước và các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới này phải được Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới công bố đủ điều kiện tái xuất hàng hóa.
Chỉ được thực hiện việc tập kết, kiểm tra sang tải hàng hóa ở biên giới tại các địa điểm đã được Tổng cục Hải quan quyết định thành lập hoặc công nhận; quản lý giám sát hàng hóa đưa vào, đưa ra địa điểm theo đúng quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan bảo đảm hàng hóa tạm nhập tái xuất được kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khi tạm nhập đến khi tái xuất đúng quy định, không để thẩm lậu vào nội địa.
Tổng cục Hải quan yêu cầu, các đơn vị hải quan tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển về giám sát, quản lý đối với hàng tạm nhập, tái xuất, bảo đảm các lô hàng tạm nhập đều phải tái xuất, không thẩm lậu vào nội địa.