Siết chặt kiểm soát giết mổ động vật dịp Tết Nguyên đán 2025
Bộ NN&PTNT vừa có văn bản số 560/BNN-TY gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chấn chỉnh công tác, quản lý, kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm; phát hiện các lò mổ lợn trái phép, thu giữ hàng tấn thịt không rõ nguồn gốc, gom lợn bị bệnh chết về giết mổ rồi mang bán các cơ sở chế biến làm giò, chả, xúc xích; gia cầm ra vào chợ đầu mối không được kiểm dịch theo đúng quy định… Lực lượng chức năng đã phát hiện và chặn đứng nhiều lô hàng sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm để kinh doanh…
Theo Bộ NN&PTNT, thời điểm Tết Nguyên đán đến gần, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm ngày càng tăng cao, trong khi thực tế cho thấy có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương được giao quản lý cơ sở giết mổ và thực hiện kiểm soát giết mổ, dẫn đến nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, làm lây lan dịch bệnh động vật và ô nhiễm môi trường.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý thú y, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022; Chỉ thị số 17- CT/TW ngày 21/10/2022; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 06/11/2024; Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024...).
Nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật, đảm bảo nguồn cung thực phẩm có nguồn gốc động vật chất lượng, an toàn trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND, cơ quan chuyên môn về thú y các cấp ở địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật thú y và các văn bản chỉ đạo nêu trên.
Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật. Các địa phương xử lý nghiêm và dừng hoạt động đối với các cơ sở giết mổ động vật chưa được cấp phép hoạt động, nhất là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, giết mổ động vật chết do dịch bệnh và không được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định.
Các địa phương xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa chính quyền với lực lượng thú y, y tế, công an, quản lý thị trường… trong công tác quản lý hoạt động giết mổ động vật; thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp kịp thời khi xử lý các vụ việc liên quan đến vận chuyển, giết mổ động vật, an toàn thực phẩm đối với thịt gia súc, gia cầm.
Các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đồng thời, các địa phương thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Các tỉnh, thành phố triển khai chương trình giám sát chủ động về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Các địa phương tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015; theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận số 54- KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị...., để bảo đảm nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật.