Siết chặt kiểm soát tiền chất công nghiệp

Tình trạng lợi dụng tiền chất công nghiệp (TCCN) để sản xuất ma túy trên địa bàn một số tỉnh, thành phố có chiều hướng gia tăng. Để khắc phục thực trạng trên, Bộ Công Thương đã quyết liệt trong công tác quản lý, kiểm soát TCCN.

Nhu cầu sử dụng TCCN cao

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), TCCN là các hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu, dung môi, chất xúc tiến trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, phân tích, kiểm nghiệm, đồng thời là các hóa chất không thể thiếu trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy, được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành. Yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý, kiểm soát tiền chất là vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng ngừa thất thoát tiền chất vào sản xuất ma túy.

Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của việc thất thoát TCCN

Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của việc thất thoát TCCN

Cụ thể tính đến ngày 31/10/2019, Cục Hóa chất đã duyệt và cấp 9.200 giấy phép cho 450 đơn vị sản xuất, kinh doanh xuất, nhập khẩu và sử dụng TCCN, cả nước nhập khoảng 520.000 tấn và 400.000 lít tiền chất và hóa chất có chứa tiền chất ở dạng hỗn hợp. Số lượng tiền chất xuất, nhập khẩu của năm sau thường cao hơn năm trước khoảng 10-20% do nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp (DN) ngày càng cao. Hiện có khoảng 600 DN xuất, nhập khẩu TCCN, trong đó có khoảng 400 DN thường xuyên tham gia xuất, nhập khẩu với số lượng lớn.

Bà Nguyễn Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất - cho biết, có một thực tế, các DN nhập khẩu tiền chất để kinh doanh không chỉ bán lại cho các đối tượng trực tiếp sử dụng mà còn bán cho nhiều đối tượng kinh doanh khác tạo thành khâu trung chuyển phức tạp, do đó việc kiểm soát đến khâu cuối cùng còn nhiều khó khăn. Các quy định về quản lý, kiểm soát TCCN chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Nêu rõ hơn về thực trạng này, ông Nguyễn Minh Trí - Trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh) - cho biết: Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu, sử dụng TCCN còn chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của việc thất thoát TCCN.

Siết chặt quản lý

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm soát TCCN, Bộ trưởng Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Chỉ thị về việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát TCCN. Yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý, kiểm soát tiền chất là vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng ngừa thất thoát tiền chất vào sản xuất ma túy.

“Thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục Hóa chất đã tập trung phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan định kỳ kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng và tồn trữ TCCN trên địa bàn cả nước. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật về quản lý và kiểm soát TCCN cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng và tồn trữ TCCN” - bà Nguyễn Kim Liên thông tin.

Ông Nguyễn Minh Trí đề xuất, trong thời gian tới, nên thường xuyên chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan như: Công an, hải quan, Công Thương, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn… để kiểm soát chặt chẽ lượng hóa chất được xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng, tránh bị các tổ chức tội phạm lợi dụng để sản xuất ma túy tổng hợp.

Bà Nguyễn Kim Liên lưu ý: Các DN phải thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật về quản lý kiểm soát TCCN, đặc biệt là Nghị định số 71/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp.

Lan Anh - Hẩu Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/siet-chat-kiem-soat-tien-chat-cong-nghiep-129221.html