Siết chặt kiểm soát xăng, dầu
Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an triệt phá đường dây cung cấp trên 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng ra thị trường do Nguyễn Hữu Tứ (55 tuổi, trú tại Vĩnh Long) và Phan Thanh Hữu (64 tuổi, trú tại thành phố Hồ Chí Minh) cầm đầu.
Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam hơn 40 đối tượng trong đường dây buôn lậu và bán xăng giả. Ước tính, trung bình mỗi ngày đường dây này đã “tuồn” ra thị trường trên 1 triệu lít xăng giả, kém chất lượng; từ tháng 8-2020 đến nay, tổng số lượng xăng giả, kém chất lượng được tiêu thụ lên đến trên 200 triệu lít.
Với thủ đoạn tương tự như đường dây sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, Sóc Trăng) bị khởi tố và bắt giữ năm 2019, đường dây buôn lậu và bán xăng giả mới bị triệt phá cũng dùng hóa chất pha chế dung môi với xăng nền, hóa chất tăng RON và hỗn hợp màu Azo để tạo thành xăng A95, E5, RON 92 giả bán ra thị trường. Qua đó thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng.
Tuy nhiên, đường dây tội phạm của Nguyễn Hữu Tứ được tổ chức chặt chẽ, với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn. Các đối tượng trong đường dây có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, từ nhập hàng, bơm hút, pha chế, hợp thức hóa chứng từ và vận chuyển đến các cơ sở bán lẻ xăng dầu ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh... nhằm che giấu hành vi.
Khó mà thống kê hết hậu quả từ số lượng xăng giả khổng lồ trên gây ra. Theo cơ quan giám định, những mẫu xăng không đạt tiêu chuẩn không chỉ gây hỏng động cơ, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện. Trong thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ các phương tiện khi tham gia giao thông. Xăng giả, xăng nhập lậu còn phá hoại thị trường, gây tổn thất lớn về doanh thu cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chân chính và thất thu thuế rất lớn cho ngân sách quốc gia.
Vấn đề dư luận bức xúc là vì sao một mặt hàng chiến lược, liên quan an ninh năng lượng quốc gia, được quản lý theo diện kinh doanh có điều kiện nhưng trong một thời gian dài, các cơ quan chức năng lại để lọt những đường dây làm xăng giả quy mô toàn quốc, gây thiệt hại cho xã hội rất lớn.
Rõ ràng, để sản xuất hàng trăm triệu lít xăng giả, cần phải có một lượng lớn nguyên liệu chế biến, phải có cơ sở sản xuất, đội quân vận chuyển hùng hậu, các đầu mối tiêu thụ, đặc biệt là hồ sơ, chứng từ được “làm sạch” để xăng giả vào được thị trường.
Trong nhiều năm qua, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan đã nhiều lần trình Chính phủ sửa đổi, hoàn thiện quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu. Có lúc cơ chế được sửa thật thông thoáng cho người kinh doanh nhưng chưa thấy những quy định bổ sung để bịt lỗ hổng nhằm ngăn chặn gian lận, qua đó bảo vệ người tiêu dùng.
Thế nên, xăng giả, xăng lậu vẫn được tiêu thụ dễ dàng và trở thành ngành kinh doanh “siêu lợi nhuận”, thậm chí có mạng lưới phân phối rộng khắp, khiến ai cũng có thể trở thành những nạn nhân của xăng giả. Đáng buồn là trong các vụ xăng giả, xăng kém chất lượng, người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ quyền lợi. Điều đó cho thấy quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu chưa đủ sức để bảo vệ người tiêu dùng.
Để loại được hàng giả, hàng lậu ra khỏi thị trường xăng dầu, thiết nghĩ, Bộ Công thương cần hoàn thiện các quy định, siết chặt khâu kiểm soát, phân phối về kinh doanh xăng dầu, nhất là giải pháp phối hợp ngăn chặn triệt để nạn buôn lậu xăng dầu trên biển, xuyên biên giới và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Mặt khác, theo nhiều chuyên gia, xử lý nghiêm trước pháp luật những kẻ bảo kê, tiếp tay tiêu thụ xăng giả mới trị được tận gốc vấn nạn này. Vì không có các đầu mối tiêu thụ xăng giả thì sẽ không ai sản xuất xăng giả.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/siet-chat-kiem-soat-xang-dau-post437945.html