Siết chặt kỷ cương, nâng cao đạo đức cách mạng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sự ra đời của Quy định số 37...
Sau hơn ba thập niên thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, diện mạo KT-XH của Phú Thọ đã ngày càng khởi sắc với các đô thị văn minh, hiện đại; chất lượng đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Ảnh: Tú Anh
(baophutho.vn) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sự ra đời của Quy định số 37 đã tiếp tục nâng cao hơn nữa kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đáp ứng ngày càng tốt hơn với yêu cầu nhiệm vụ…
Nội dung Quy định số 37-QĐ/TW cơ bản kế thừa những nội dung của Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 còn phù hợp, bổ sung một số điều mới, điều chỉnh một số điểm cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong tình hình mới. Đây là việc làm cần thiết, thể hiện chủ trương nhất quán trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng.
Tuy nhiên, ngay khi Quy định 37 vừa được ban hành, các đài, trang cá nhân của các tổ chức phản động như Việt Tân, RFA, VOA… cùng một số phần tử cơ hội chính trị, dân chủ giả hiệu đã đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, ngụy biện, suy diễn tiêu cực nhằm chống phá, hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng cho rằng Quy định số 37 với các nội dung như: “Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng; nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng” là không đúng, vì như vậy là đảng viên “mất hết sáng kiến, sống như người máy” (!?!); đảng viên trước hết cũng là công dân, vậy họ phải tuân thủ pháp luật nên quy định này của Đảng là… thừa. Họ cũng cho rằng quy định nghiêm cấm đảng viên: “Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép” là đảng viên “mất quyền công dân”…Lênin đã từng khẳng định: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất, có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa”. Chủ trương xây dựng Đảng không chỉ về tư tưởng, chính trị, tổ chức mà còn về đạo đức với mong muốn Đảng phải là “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn xây dựng Đảng vững mạnh thì phải dựa vào hai trụ cột là đạo đức và pháp luật”. Quán triệt tinh thần ấy, trong suốt hành trình hơn chín thập niên lãnh đạo cách mạng, Đảng ta thường xuyên chú trọng, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ ta. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta đã thống nhất cao và khẳng định phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong toàn Đảng. Đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: Phải “nhốt” quyền lực trong cái “lồng” luật pháp. Trong ba khóa liên tiếp gần đây (Đại hội XI, XII, XIII), ngay sau khi hoàn thiện tổ chức, nhân sự cho nhiệm kỳ mới, Trung ương Đảng đều dành Hội nghị Trung ương 4 để tập trung cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm đảm bảo sự trong sạch, vững mạnh. Và qua mỗi Hội nghị Trung ương 4, nội dung này lại được phát triển, mở rộng, nâng cao hơn so với trước, thể hiện quyết tâm, sự kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.Như vậy, bản chất việc ban hành Quy định số 47 trước đây và thay bằng Quy định 37 hiện nay cho thấy quyết tâm trong việc làm trong sạch bộ máy, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Điều này đã đập tan các luận điệu xuyên tạc, suy diễn của các thế lực thù địch với âm mưu chính trị đen tối nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng. Bất cứ một tổ chức nào cũng có quy định riêng bắt buộc các thành viên phải chấp hành nghiêm túc. Đảng cộng sản Việt Nam là tổ chức của những người cùng chung lý tưởng. Không ai bắt buộc, trước khi tự nguyện viết đơn xin vào Đảng, tất cả mọi đảng viên đều phải được học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, trong đó có những nội dung rất quan trọng để hiểu về Đảng. Do đó, khi đã chấp nhận tự nguyện vào Đảng đương nhiên đảng viên phải chấp hành các quy định của Đảng. Sự ra đời của Quy định số 37 là đặc biệt cần thiết, tạo căn cứ, cơ sở để tổ chức đảng đánh giá phân loại và xử lý các vi phạm của đảng viên nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị.Tuy nhiên, nhân tố quyết định vẫn là vai trò của từng đảng viên. Đảng ta và hệ thống chính trị chỉ trong sạch, vững mạnh khi từng cán bộ, đảng viên luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, lấy Quy định số 37 làm “cẩm nang” soi chiếu, căn cứ phấn đấu, giữ vững khí chất người cộng sản. Và như thế, Đảng ta sẽ ngày càng vững mạnh, trường tồn trong lòng dân tộc.