Siết chặt livestream kinh doanh, chống thất thu thuế
Kinh doanh online ngày càng nở rộ đến mức nhiều nghệ sĩ, hotgirl, hot Facebooker, hot TikToker… cũng tham gia livestream bán hàng trên mạng xã hội bởi doanh thu sau mỗi buổi livestream của người nổi tiếng là rất lớn. Thế nhưng vấn đề nộp thuế như thế nào, đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất xứ, bảo quản ra sao... vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp.
Doanh thu lớn từ các phiên livestream
Thời đại 4.0 công nghệ bùng nổ, nhà nhà người người livestream bán hàng online. Những danh xưng "chiến thần livestream", "nữ hoàng chốt đơn"… cũng từ đó ra đời. Có những phiên livestream thu được doanh thu hàng tỉ đồng, nên việc các cửa hàng, nhãn hàng thuê các nghệ sĩ, hotgirl, hot Facebooker, hot TikToker… để livestream ngày càng nở rộ.
Đó là lý do gần đây những cá nhân nổi tiếng cũng tập trung tham gia và đẩy mạnh hoạt động này do thu nhập cao hơn nhiều so với cát sê tham dự sự kiện thông thường. Chẳng hạn, người mẫu Diệp Lâm Anh trong những tháng gần đây thường xuyên livestream bán hàng. Người đẹp tiết lộ doanh thu bán hàng online khủng nhất từng đạt được là 4 tỉ đồng trong một buổi livestream, lợi nhuận thu được gấp 10 - 20 lần cát sê dự sự kiện.
Tương tự, diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm thường xuyên phụ bà xã bán hàng online. Nhờ khả năng hoạt ngôn, anh được các nhãn hàng quan tâm và mời livestream bán hàng, giới thiệu sản phẩm. Lê Dương Bảo Lâm tiết lộ chính công việc livestream bán hàng đã giúp cuộc sống gia đình anh "phất lên". Nam diễn viên bày tỏ niềm tự hào khi có thể dùng thu nhập này xây nhà, tậu xe, chăm lo cho gia đình riêng cũng như bố mẹ đôi bên, thậm chí nuôi các em học đại học.
Diễn viên Hòa Hiệp cũng lấn sân livestream bán đồ ăn vặt. Đây là nguồn thu nhập chính của anh và gia đình. Nam diễn viên từng chia sẻ cátsê kiếm được từ vai chính một bộ phim 30 tập suốt 2 tháng chỉ tương đương doanh thu 1 - 2 ngày livestream bán hàng…
KOL có nghệ danh PewPew (tên thật Hoàng Văn Khoa) thường xuyên livestream bán hàng tạp hóa online trên TikTok và được gọi là một trong "tứ hoàng livestream" của Việt Nam. Lượng xem trực tiếp của PewPew có lúc đạt tới con số hơn 100.000 người xem. Cá nhân này từng khoe trung bình mỗi buổi livestream bán được khoảng 200 đơn hoặc nhiều hơn và nhận được lời mời của hơn 2.000 thương hiệu. Từ đó, người xem dự đoán anh có thu nhập khủng từ các nhãn hàng.
Hay mới đây, những kho hàng nhái, hàng lậu bị triệt phá trên mạng xã hội khi đang livestream bán hàng đều là của những hotgirl số lượng khách chốt đơn khủng. Đơn cử như kho hàng của hotgirl Nguyễn Hoàng Mai Ly tại khu đô thị Đô Nghĩa thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, chỉ trong phiên livestream ngày 23/12, tài khoản Mailystyle.com của hotgirl này đã thực hiện phiên live kéo dài 12 tiếng với 647.000 lượt xem và 4.100 lượt bình luận chốt đơn sản phẩm. Trên nền tảng Facebook Mailystyle.com có 332.000 lượt thích và 520.000 lượt theo dõi đăng tải công khai số tài khoản ngân hàng của Nguyễn Hoàng Mai Ly với 12 số điện thoại chốt đơn, tư vấn khách hàng. Chưa kể, hotgirl này còn có trang cá nhân cũng thường xuyên livestream, với hàng nghìn đơn được chốt.
Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã bất ngờ ập vào kiểm tra một kho hàng khi nhân viên đang tiến hành livestream bán hàng trên tài khoản "Ngọc Quyên Gia Lai". Hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên có dấu hiệu sử dụng ứng dụng bán hàng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền; kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu. Hàng hóa là các sản phẩm như nước hoa có nhãn hiệu Gucci, Tom Ford, YSL, Chanel, Louis Vuitton, Dior, Boss, Sauvage, Lancôme, Kilian….; giày, dép, túi, ví các thương hiệu Louis Vuitton, Chanel, Adidas, Nike; mỹ phẩm là các nhãn hiệu Vaseline, Bioderma; các loại thực phẩm chức năng giảm cân cấp tốc trong vòng 7 ngày cùng hàng loạt các mặt hàng là đồ gia dụng, tiêu dùng không rõ nguồn gốc xuất xứ. hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên không có cửa hàng kinh doanh cố định.
Toàn bộ hàng hóa được kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, cụ thể là livestream bán qua Facebook cá nhân dưới tên "Ngọc Quyên Gia Lai", tài khoản này có hàng trăm nghìn người theo dõi. Các livestream cũng được phát lại tại các tài khoản khác mang tên "Ngọc Quyên".
Tại các phiên livestream mà lực lượng quản lý thị trường theo dõi, nhiều các sản phẩm như giày có nhãn hiệu Gucci, Adidas, Nike được hộ kinh doanh này chào bán với giá từ 80.000 đến trên 100.000 đồng/ sản phẩm. Các loại đồng hồ, kính mắt có nhãn hiệu Versace, Gucci, LV có giá từ 30.000 đồng đến dưới 200.000 đồng/ sản phẩm. Các loại mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, nước giặt có giá từ 20.000 đến dưới 100.000 đồng/ sản phẩm.
Trên thực tế, livestream bán hàng đang trở thành xu hướng bùng nổ, thu được doanh thu khủng cho người bán và cả người được thuê livestream. Thế nhưng, điều mà lâu nay rất nhiều người quan tâm là thu nhập khủng thì các cá nhân này đóng thuế bao nhiêu thì không ai hay.
Một dịch vụ tư vấn marketing online cho biết, bảng giá thuê KOL thực hiện livestream quảng bá sản phẩm, bán hàng dựa theo các tiêu chí gồm số lượng người theo dõi, lĩnh vực chuyên môn, quy mô và chiến dịch của doanh nghiệp. Trong đó, tiêu chí số lượng người theo dõi là quan trọng nhất.
Bảng giá tham khảo cho thấy, một KOL có 10.000 - 50.000 người theo dõi thì phí thuê để thực hiện livestream trên TikTok dao động từ 1 - 3 triệu đồng; nếu KOL có 50.000 - 500.000 người theo dõi thì giá thuê tăng lên từ 3 - 30 triệu đồng/buổi. Nếu thực hiện trên Facebook thì giá sẽ khác, có thể cao hơn từ 5 - 6 lần… Do vậy, nhiều KOL nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này được ước tính mỗi năm thu nhập có thể lên đến hàng tỉ đồng hay vài chục tỉ đồng cũng có cơ sở.
Chống thất thu thuế
Theo các quy định pháp luật về thuế của Nhà nước, bộ, ngành, các cá nhân kinh doanh online hay truyền thống đều phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân và các khoản thuế khác. Hiện nay đã có nhiều quy định nhằm chống thất thu thuế đối với hoạt động bán hàng online trên các trang mạng xã hội cũng như trên các sàn thương mại điện tử, đơn cử như Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế nêu rõ các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế, dù có nhiều cơ sở kinh doanh online hàng giả, hàng nhái bị triệt phá, tuy nhiên trên thực tế chỉ như muối bỏ biển. Việc kiểm soát hoạt động thanh toán thương mại điện tử là vô cùng khó khăn, khi có hàng trăm nghìn cá nhân, hộ gia đình… đang kinh doanh online.
Còn nhớ giữa tháng 6-2023, qua công tác trinh sát nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Đà Nẵng đã phát hiện 6 cơ sở tham gia hoạt động thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các cơ sở này có doanh thu bán hàng online hơn 223 tỷ đồng nhưng không khai báo và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam năm vừa qua chứng kiến tốc độ tăng trưởng khoảng 20% và đạt 16,4 tỷ USD, chi tiêu mỗi người dân ở mức 300 USD/năm. Tốc độ tăng trưởng nhanh nên khó tránh khỏi phát sinh những vấn đề như: hàng giả, hàng nhái và thất thu thuế.
Còn theo Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử hiện nay là việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, đặc biệt khi họ không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định.
Hiện có quy định yêu cầu ngân hàng thương mại và các tổ chức thực hiện trung gian thanh toán có nghĩa vụ khấu trừ và nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mà không có cơ sở thường trú và không chủ động thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, quy định này đã đặt ra một số vấn đề chưa rõ ràng, khiến ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bối rối.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với sự đa dạng về phương thức, việc kiểm soát hoạt động thanh toán thương mại điện tử là vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, ngay cả khi xác định có luồng tiền từ một chủ thể này sang một chủ thể khác cũng chưa thể khẳng định đó là hoạt động thanh toán cho giao dịch thương mại điện tử, bởi lẽ có hàng trăm lý do để các chủ thể chuyển tiền cho nhau. Ngoài ra, nếu chủ thể kinh doanh thương mại điện tử cố tình gian lận thuế và sử dụng phương thức thanh toán trả tiền mặt khi giao hàng (COD), thì việc kiểm soát luồng tiền để xác định giao dịch thương mại điện tử càng trở nên khó khăn.
Xu hướng livestream bán hàng hay kinh doanh online ngày càng bùng nổ và đây là nguồn thu bổ sung sẽ ngày càng lớn cho ngân sách nhà nước khi nhiều nguồn thu từ doanh nghiệp, xuất nhập khẩu bị giảm do kinh tế khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trà trộn. Để chống thất thu thuế, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng. Cơ quan thuế cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra giám sát, thúc đẩy thu thuế kinh doanh online. Có hình thức tuyên truyền như biểu dương các cá nhân nộp thuế cao như công bố danh sách với doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất hằng năm, đồng thời nêu tên các cá nhân không kê khai nộp thuế để răn đe. Cần công bố luôn danh tính các cá nhân nổi tiếng, KOL hoặc các cá nhân bị xử phạt truy thu và có những hình thức xử phạt nghiêm minh. Thực hiện song song các hoạt động đó thường xuyên sẽ mang tính tuyên truyền, răn đe cao hơn để ngăn ngừa các hành vi lách, trốn thuế.
Cá nhân bán hàng online thuộc diện điều chỉnh của pháp luật về thuế đối với cá nhân kinh doanh. Theo quy định của pháp luật thuế hiện hành, cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có phát sinh doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên.