Siết chất lượng đầu vào lẫn đầu ra đào tạo thạc sĩ

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo thông tư quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ. So với quy chế trước đây, dự thảo có nhiều điểm mới, như trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho các cơ sở đào tạo, nhưng đồng thời siết chặt hơn công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ trong thời gian tới.

Lãnh đạo Trường đại học Xây dựng và Trường đại học Xây dựng Miền Trung trao bằng thạc sĩ cho các học viên. Ảnh: THÚY HẰNG

Lãnh đạo Trường đại học Xây dựng và Trường đại học Xây dựng Miền Trung trao bằng thạc sĩ cho các học viên. Ảnh: THÚY HẰNG

Nhiều điểm mới

Tại chương trình tọa đàm về góp ý cho dự thảo quy chế mới đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, Luật Giáo dục đại học sửa đổi đã trao quyền tự chủ rất lớn cho các cơ sở đào tạo, kèm với đó là trách nhiệm giải trình của các trường. Vì vậy, việc sửa đổi bổ sung một số điều trong thông tư đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có ý nghĩa rất quan trọng với bối cảnh hội nhập và tình hình mới. Do đó, các trường (tự chủ) khi mở ngành, liên kết đào tạo phải nâng cao chất lượng, quy định theo hướng hội nhập.

Theo các cơ sở đào tạo, Dự thảo Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ có nhiều điểm mới đáng chú ý. Cụ thể, về tuyển sinh, quy chế hiện hành tại Thông tư 15/2014 chỉ có hình thức thi tuyển và quy định rất chi tiết về đề thi, tổ chức thi, chấm thi... Còn theo dự thảo này, bên cạnh thi tuyển, cơ sở đào tạo được phép sử dụng phương thức xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Dự thảo cũng quy định về nguyên tắc và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào như cho phép đối tượng đầu vào là người học có bằng đại học ở các ngành khác nhau với khối lượng học tập tích lũy khác nhau.

ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo (Trường đại học Xây dựng Miền Trung) cho hay: Với lợi thế của hình thức đào tạo tín chỉ, dự thảo thông tư này cho phép các trường có thể mềm dẻo về quy trình đào tạo, nhưng vẫn phải đảm bảo về chất lượng. Cụ thể mỗi đối tượng đầu vào, cơ sở đào tạo phải căn cứ vào chương trình đào tạo (ở trình độ đại học) của người học để xác định những nội dung/học phần mà người học cần học bổ sung trước khi vào học chương trình thạc sĩ.

Song song đó, dự thảo cũng tăng cường quản lý chất lượng đầu ra khi quy định chuẩn đầu ra phải đạt trình độ bậc 4 theo Khung năng lực 6 bậc của Việt Nam. Chuẩn đầu ra này cũng là điều kiện đầu vào của tuyển sinh trình độ tiến sĩ tại Việt Nam.

Như vậy, để đáp ứng nhu cầu đào tạo của mọi đối tượng người học, tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ có thể mềm dẻo về quy trình nhưng vẫn bảo đảm về chất lượng.

Quan trọng là ý thức của người học

Một trong những định hướng phát triển của ngành Giáo dục là tăng quy mô đào tạo sau đại học. Trong khi quy trình đào tạo thạc sĩ của nhiều trường đại học vẫn theo kiểu hàm thụ vì phần lớn học viên cao học là người vừa đi học vừa đi làm. Liên kết đào tạo thạc sĩ thường là các cơ sở như đại học, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên…

Tại Phú Yên, những năm qua, các trường đại học, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh cũng đã tuyển sinh nhiều khóa đào tạo thạc sĩ dưới hình thức liên kết với các trường đại học trong nước. Thực tế tuyển sinh đào tạo thạc sĩ tại các trường cho thấy người theo học thạc sĩ chủ yếu là sinh viên vừa tốt nghiệp do chưa tìm được việc làm; công chức - viên chức theo học để được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Số này ngày càng đông vì có trường hợp theo học thạc sĩ để qua được rào cản do bằng đại học của họ không chính quy.

“Công bằng mà nói, cũng có người học cao học để nâng cao trình độ, phát triển kiến thức, thỏa mãn đam mê nghiên cứu, tìm tòi, nhưng tỉ lệ đó không nhiều”, ThS Huỳnh Mạnh Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung cho hay.

Sau một thời gian thực hiện liên kết đào tạo thạc sĩ, năm 2018, Trường đại học Xây dựng Miền Trung được Bộ GD-ĐT cho phép trực tiếp đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Kỹ thuật xây dựng. ThS Nguyễn Vân Trạm chia sẻ: Đặc thù của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ là phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu của người học, người dạy chủ yếu mang tính định hướng, hướng dẫn cho học viên. Vì vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng đầu vào thì việc kiểm soát chất lượng đào tạo cũng rất quan trọng nhằm để đào tạo thạc sĩ thực chất hơn và bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở đào tạo.

Tôi đánh giá cao việc dự thảo lần này đã nâng chất “sản phẩm” đầu ra, quy định cơ sở đào tạo có quy định về cách thức trình bày luận văn, số lượng từ tối thiểu và tối đa theo yêu cầu từng ngành; quy định về cam kết của học viên trong đạo đức nghiên cứu; quy định và hướng dẫn việc sử dụng hoặc trích dẫn kết quả nghiên cứu đã công bố theo quy định trích dẫn quốc tế đã chuẩn hóa, theo yêu cầu của từng ngành, chuyên ngành; quy định về rà soát và chống sao chép bằng phần mềm chuyên dụng; xử lý vi phạm khi tỉ lệ sao chép không trích dẫn đúng quy định. Những quy định này sẽ góp phần nâng cao ý thức học tập của học viên.

MẠNH THÚY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/248919/siet-chat-luong-dau-vao-lan-dau-ra-dao-tao-thac-si.html