Siết chặt nguồn cây giống lâm nghiệp
Một vườn ươm cây giống lâm nghiệp ở huyện Đồng Xuân đang xuất bán cây giống. Ảnh: ANH NGỌC
Mặc dù năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng ở Phú Yên đã được cải thiện, nhưng so với mặt bằng chung cả nước thì vẫn chưa cao. Để nâng cao năng suất rừng trồng giống được coi là khâu đột phá mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất và chiếm khoảng 60% thành công. Ngành Nông nghiệp Phú Yên đang siết chặt nguồn cây giống lâm nghiệp cung cấp ra thị trường và khuyến cáo các chủ rừng nên chọn cây giống tốt, chất lượng cao để trồng.
Cây giống tốt quyết định năng suất
Theo Sở NN-PTNT, diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp ở Phú Yên khoảng 276.045ha; trong đó, đất có rừng hơn 206.000ha (rừng tự nhiên hơn 126.965ha, rừng trồng gần 79.640ha) và đất chưa có rừng khoảng 70.250ha. Hiện năng suất rừng trồng ở Phú Yên bình quân khoảng 17m3/ha/năm, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt khoảng 140.000m3, riêng năm 2018 đạt 211.000m3. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, năng suất và chất lượng rừng trồng ở Phú Yên hiện nay chưa cao.
Theo ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Đồng Xuân, trước đây các chủ rừng, nhất là các hộ dân trồng rừng với diện tích nhỏ lẻ ít quan tâm đến chất lượng cây giống. Thời gian gần đây, nhiều mô hình rừng trồng đạt năng suất, chất lượng cao nên người dân cũng học hỏi kinh nghiệm, triển khai từ khâu chọn giống đến kỹ thuật trồng và chăm sóc nên rừng trồng ngày càng phát triển.
Ông Trần Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên (Bảo Châu Phú Yên), cho biết: Công ty hiện có trên 3.500ha diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh, trong đó có gần 2.000ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC (quản lý rừng theo hướng bền vững). Định hướng phát triển của công ty là nâng diện tích rừng trồng lên 8.000ha vào năm 2020.
Ngoài ra, Bảo Châu Phú Yên đang liên kết với các chủ rừng để phát triển thêm từ 8.000-10.000ha rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Để phát triển rừng trồng theo hướng bền vững, việc đầu tư giống có chất lượng cao, trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật là rất cần thiết. Với diện tích đất rừng hiện do công ty quản lý và diện tích dự kiến liên kết thì nhu cầu cây giống để trồng rừng của công ty là rất lớn.
Để đảm bảo chất lượng cây giống, mới đây công ty đã ký hợp đồng liên kết với Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN). Theo đó, trung tâm này có trách nhiệm nghiên cứu các giống lâm nghiệp, đặc biệt là cây keo lá tràm phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu trên địa bàn tỉnh để chuyển giao cho các chủ rừng mà công ty liên kết.
Theo Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Đông Nam Bộ (Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Bộ), để phát triển rừng trồng thành công thì công tác giống phải đi trước một bước và phải tạo ra những giống có năng suất, chất lượng cao. Ông Trần Hữu Biển, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Đông Nam Bộ, cho biết: Hiện nay, trên thị trường cả nước vẫn còn khoảng 15% lượng cây giống sản xuất hàng năm chưa kiểm soát được. Trong tổng số 183 giống cây lâm nghiệp được Bộ NN-PTNT công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật thì hiện có khoảng 55 giống cây được trồng phổ biến.
Bên cạnh đó, giá thành sản xuất cây giống mô, hom còn cao, nguồn giống có chất lượng di truyền cao còn hạn chế. Công tác nghiên cứu chọn, tạo giống chưa quan tâm đúng mức tới giống cây bản địa, cây gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao.
Cần đầu tư theo hướng bền vững
Ông Trần Hữu Biển cho biết thêm, trong số những giải pháp để nâng cao năng suất rừng trồng thì giống được coi là khâu đột phá mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, chiếm khoảng 60%. Nếu chủ rừng trồng rừng mà không có giống được chọn lọc thì không thể nâng cao năng suất rừng trồng. Việc nghiên cứu cải thiện giống cây rừng thời gian qua đã đi đúng hướng, gắn với nhu cầu thực tế sản xuất, nâng cao được năng suất và chất lượng rừng trồng.
Bên cạnh những thành tựu đạt được về các giống năng suất cao, chất lượng tốt, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Bộ còn quan tâm đến nghiên cứu chọn tạo giống và nhân giống các loài cây mọc nhanh phục vụ trồng rừng kinh tế, trong đó chú trọng đến nâng cao khả năng chống chịu sâu bệnh hại, chống chịu gió bão và nâng cao chất lượng gỗ phục vụ trồng rừng gỗ lớn đáp ứng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp…
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với các địa phương quản lý giống cây lâm nghiệp chặt chẽ hơn, đưa tỉ lệ giống cây lâm nghiệp có năng suất, được công nhận quản lý theo chuỗi sản xuất giống vào sản xuất góp phần đưa năng suất rừng trồng lên 10-20% so với diện tích rừng trồng quảng canh hiện nay. Đồng thời thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp ở các địa phương để kiểm soát chặt chẽ các khâu trong chuỗi hành trình sản xuất giống cây lâm nghiệp.
Sở NN-PTNT sẽ xây dựng một số mô hình trồng rừng sản xuất, lâm sản ngoài gỗ như song mây, mây nếp… dưới tán rừng trồng nhằm tăng giá trị gia tăng thu nhập trên diện tích rừng trồng. Sở NN-PTNT cũng đã xây dựng đề án phát triển trồng rừng nguyên liệu năng suất cao gắn với công nghiệp chế biến gỗ và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Ngành Nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, thúc đẩy các đơn vị trồng rừng lập thủ tục cấp chứng chỉ FSC và xây dựng chuỗi hành trình sản phẩm trong lâm nghiệp.
Để phát triển rừng trồng theo hướng bền vững, cần thiết phải gắn kết cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp với viện nghiên cứu để xây dựng mô hình trình diễn giống mới, khảo nghiệm mở rộng giống, từ đó chọn lọc ra giống phù hợp với điều kiện lập địa phát triển sản xuất cho từng địa phương.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/229418/siet-chat-nguon-cay-giong-lam-nghiep.html