Siết chặt phế liệu nhập khẩu

Theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 9-2019, còn hơn 9.000 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng biển, trong đó trên 4.000 container phế liệu tồn đọng trên 90 ngày.

Thông tin trên phần nào giải tỏa được bức xúc của dư luận khi lượng phế liệu nhập khẩu (PLNK) gia tăng đột biến vào Việt Nam. Còn nhớ, vào thời điểm cuối năm 2018, có trên 21.000 container PLNK lưu giữ tại các cảng biển, trong đó, hơn 9.000 container đã tồn đọng trên 90 ngày, khiến Việt Nam trở thành một trong những “bãi rác” của thế giới.

Cần lưu ý rằng, Việt Nam cho phép doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất trong nước. Để tăng cường công tác quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Theo đó, có 36 loại phế liệu được phép nhập khẩu.

Thế nhưng, việc nhập khẩu và sử dụng PLNK không được quản lý, kiểm soát chặt đã tạo ra “cơn bão” nhập khẩu ồ ạt chất thải độc hại vào nước ta. Dư luận không thể chấp nhận chỉ trong năm 2018, tổng số lượng phế liệu Việt Nam nhập khẩu lên tới 9.254.300 tấn, tăng hơn 1.308.100 tấn so với năm 2017. Trong đó, lượng phế liệu nhựa đặc biệt gây nguy hại cho sức khỏe người dân và môi trường tăng gấp đôi so với cả năm 2017...

Các cơ quan trực tiếp liên quan đến quản lý, kiểm soát PLNK “đổ” cho nguyên nhân một số quốc gia vốn là thị trường nhập khẩu phế liệu lớn của thế giới đã hạn chế, thậm chí cấm nhập khẩu phế liệu, dẫn đến một lượng lớn phế liệu, chất thải rắn tìm mọi cách tuồn vào Việt Nam. Nhưng họ giải trình thế nào về một lượng lớn phế liệu xỉ hạt và nhựa vô tư “lọt” vào các cảng biển. Trong khi Việt Nam đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa cao nhất thế giới và dư thừa xỉ hạt lò cao, thạch cao nhân tạo phát sinh từ các nhà máy.

Các nhà quản lý môi trường cảnh báo với tốc độ nhập khẩu phế liệu như năm 2018, nước ta sẽ sớm trở thành trung tâm tái chế chất thải, phế liệu có chất lượng thấp của thế giới. Điều đáng buồn là một số cơ quan chức năng ứng phó chậm chạp và lúng túng.

Chỉ khi Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ra “tối hậu thư” (Chỉ thị 27/CT-TTg, ngày 17-9-2018; Nghị định 40/2019/NĐ-CP, ngày 13-5-2019...) thúc bách các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu và sử dụng PLNK, những bất cập trong công tác quản lý PLNK mới cơ bản được giải quyết.

Đến thời điểm này, chúng ta đã kiên quyết loại bỏ những loại phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguồn cung cấp ở trong nước ra ngoài danh mục phế liệu được phép nhập khẩu. Các cơ quan chức năng đã tăng cường biện pháp ngăn chặn từ xa phế liệu, phế thải, không đủ điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Dư luận thêm tin tưởng quyết tâm của Chính phủ với hình thức xử lý đối với phế liệu tồn đọng: Đối với các lô hàng phế liệu không đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cơ quan Hải quan có văn bản thông báo yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày. Quá 30 ngày kể từ ngày thông báo, các lô hàng trên sẽ bị tiêu hủy...

Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm những bất cập trong công tác quản lý PLNK hiện nay, Chính phủ cần sớm ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu; cương quyết tái xuất toàn bộ các lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu như các nước Malaysia, Philippines đang áp dụng; xử lý nghiêm các doanh nghiệp buôn lậu, gian lận, làm giả giấy tờ trong việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/siet-chat-phe-lieu-nhap-khau/