Siết chặt phòng, chống dịch tại chợ đầu mối

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn những diễn biến khó lường, việc bảo đảm phòng, chống dịch tại các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội rất quan trọng. Đây là nơi thường có mật độ người tập trung đông đúc, đến từ nhiều địa bàn khác nhau nên việc thực hiện các biện pháp phòng dịch hết sức khó khăn.

 Đo thân nhiệt cho khách tại chợ đầu mối phía Nam.

Đo thân nhiệt cho khách tại chợ đầu mối phía Nam.

Mua bán cầm chừng

Chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) kinh doanh các mặt hàng chủ yếu là nông sản như rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản… Mặc dù là chợ đầu mối nhưng từ nhiều năm nay có cả hai hình thức bán buôn và bán lẻ. Thời gian gần đây, khi thực hiện cách ly toàn xã hội, lượng người đến chợ đã giảm rõ rệt. Ông Mạc Đình Tình, xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ bán rau, củ tại chợ chia sẻ: “So với những ngày trước đây, lượng người đến chợ thời gian qua giảm 40 - 50%”.

Tương tự, tại chợ cá Yên Sở (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) - chợ cá đầu mối lớn nhất miền Bắc, mỗi ngày có gần 100 xe đưa cá từ các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh… về sản lượng khoảng hơn 100 tấn/ngày. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, sản lượng kinh doanh mặt hàng cá các loại tại đây đã giảm từ 20 - 30%, có nhiều ngày giảm sâu đến 40%.

Kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên

Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam Nguyễn Hữu Quân cho biết, chợ có khoảng 500 hộ kinh doanh cố định và 200 hộ kinh doanh thời vụ. Ngay từ đầu mùa dịch đến nay, Trung tâm luôn thực hiện phun tiêu khử độc, phòng chống dịch bệnh tại các khu vực kinh doanh với tần suất 3 lần/tuần, phun khử khuẩn tất cả các phương tiện, đo thân nhiệt người vào chợ, để nước sát khuẩn tay tại các bốt trực, khu vệ sinh. Đồng thời dán thông báo tại bảng tin, phát tờ rơi, phát loa tuyên truyền hàng ngày tại các cổng ra vào chợ, phát khẩu trang, mặt nạ chống giọt bắn cho 100% cán bộ, nhân viên... Khi thực hiện việc giãn cách xã hội, Ban quản lý chợ đã cho đóng cửa 100 gian hàng bán những mặt hàng không thiết yếu, phân luồng phương tiện để bảo đảm vào một cổng, ra một cổng.

Tuy nhiên, đại diện Trung tâm chợ đầu mối phía Nam cho rằng, cái khó nhất hiện nay là việc yêu cầu mọi người giữ khoảng cách 2m, vì nếu hạn chế người vào chợ sẽ mang tiếng “ngăn sông cấm chợ” hoặc ngăn ở một điểm để giãn cách sẽ gây ùn tắc ngoài cổng chợ. Do đó, lực lượng chức năng phải chia nhau đi kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên; đồng thời tuyên truyền để mọi người cùng có ý thức thực hiện việc đứng ngoài vạch kẻ sơn để mua hàng. Mặc dù vậy vẫn không ít người dân vẫn vi phạm vì chưa quen với quy định này.

Đối với chợ cá Yên Sở, tuy có quy mô lớn, hoạt động được gần 30 năm nhưng đến nay, vẫn chỉ là chợ tạm, xập xệ, chưa có mô hình quản lý chính thống. Việc bảo đảm an toàn vệ sinh, an ninh trật tự, phòng chống dịch là việc vẫn được phường Yên Sở, quận Hoàng Mai triển khai, duy trì. Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàng Mai Lê Thị Thu Hương cho biết, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, quận Hoàng Mai đã chỉ đạo các chợ có phương án phù hợp để áp dụng. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh phụ thuộc rất lớn vào ý thức của các tiểu thương, người dân ra vào chợ do lực lượng chức năng không đủ để theo sát nhắc nhở từng người.

Vũ Cúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/siet-chat-phong-chong-dich-tai-cho-dau-moi-381998.html