Siết chặt phòng dịch động vật xuyên biên giới
Tỉnh Tuyên Quang có đường biên giới dài 277,556 km tiếp giáp với Trung Quốc, gồm 17 xã, 346 thôn, bản biên giới. Hoạt động giao thương và người dân có quan hệ thân tộc là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh động vật qua biên giới. Bối cảnh đó đòi hỏi các ngành, địa phương cần có biện pháp chặt chẽ xây dựng vành đai an toàn vùng biên, bảo vệ đàn vật nuôi.

Xã Bạch Đích xử lý các ổ dịch tả lợn châu Phi, không để lây lan qua biên giới.
Phối hợp liên ngành trong kiểm soát, phòng ngừa
Toàn tỉnh có 1 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu song phương và 13 lối mở qua lại trên toàn tuyến biên giới. Một số dịch bệnh động vật có nguy cơ lây lan qua biên giới như: lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm H5N1… Khu vực biên giới được xây dựng rào chắn, không có tình trạng chăn thả gia súc tự do, trao đổi vật nuôi qua đường mòn, lối mở như trước. Tuy nhiên, nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vẫn hiện hữu qua hoạt động giao thương chính ngạch tại các cửa khẩu và lối mở.
Để bảo vệ vùng đệm quan trọng tại biên giới, lực lượng chức năng như: Biên phòng, Hải quan, Công an... duy trì chế độ kiểm tra, thành lập trạm kiểm dịch 24/24 giờ. Hàng hóa là gia súc, gia cầm, sản phẩm từ thịt xuất, nhập khẩu đều được kiểm tra nguồn gốc, phun khử trùng trước khi thông quan. Một số chợ phiên gần biên giới, khu tập kết gia súc được giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện và xử lý bất thường. Chỉ riêng trong 1 tháng từ ngày 15-5 đến ngày 15-6-2025, các cơ quan, đơn vị đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 129 vụ việc liên quan đến vận chuyển, buôn bán thịt, các sản phẩm từ thịt. Trong đó, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện 5.796 kg sản phẩm động vật; Công an tỉnh xử lý 5.664 kg đùi gà đông lạnh. Tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Cục Hải quan khu vực VII phát hiện 1 vụ hàng vô chủ, thu giữ 155kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; toàn bộ số hàng hóa nêu trên đã được xử lý, tiêu hủy theo quy định.
Cùng với các lực lượng, trạm thú y khu vực biên giới đóng vai trò then chốt trong việc phòng dịch từ gốc. Đồng chí Mua Quang Bình, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi, thú y và Thủy sản khu vực VII, Sở Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang chia sẻ: “Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, trạm phân công cán bộ phụ trách từng xã thường xuyên xuống thôn hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đúng lịch cho đàn gia súc, gia cầm. Tại các hộ chăn nuôi quy mô lớn, hợp tác xã chuyên nghiệp hỗ trợ thực hiện quy trình giám sát dịch tễ, truy xuất nguồn gốc, giúp giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh xâm nhập”.
Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm
Không chỉ siết chặt kiểm dịch tại chỗ, tỉnh Tuyên Quang còn chủ động phối hợp với các địa phương phía Trung Quốc trao đổi thông tin dịch tễ, tổ chức các đoàn công tác để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh. Đây được xem là giải pháp bền vững giúp giảm thiểu nguy cơ mầm bệnh xâm nhập từ xa. Bên cạnh đó, các địa phương, cụm dân cư biên giới tiếp tục thực hiện các biên bản ký kết hữu nghị với các hương, trấn phía Trung Quốc; ký kết nghĩa “Đồn - Trạm hữu nghị, biên giới bình yên” giữa Đồn Biên phòng với các Trạm Biên phòng đối đẳng. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả các ghi nhớ trong Hội đàm định kỳ với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc), trong đó có nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác phòng ngừa dịch bệnh động vật.
Mới đây, Đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Thú y Khu Tự trị Dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã tổ chức hội đàm, tìm hiểu tình hình chăn nuôi tại tỉnh. Hai bên thông tin về kết quả lĩnh vực chăn nuôi, phòng ngừa, kiểm soát bệnh động vật. Đặc biệt, đoàn chuyên gia đã khảo sát, đánh giá năng lực chẩn đoán xét nghiệm của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh và một số vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh. Từ đó, chia sẻ về quy trình phối hợp xử lý khẩn cấp khi phát hiện ổ dịch gần biên giới và xây dựng phương án hỗ trợ trang thiết bị nâng cao khả năng xét nghiệm cho tỉnh.
Hiện dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện tại một số xã biên giới như: Bạch Đích, Cán Tỷ, Tùng Vài, Nghĩa Thuận… Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp và Môi trường đã thông tin kịp thời cho lực lượng thú y phía đối đẳng cùng phối hợp giám sát. Các xã biên giới đang khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Phối hợp với các lực lượng tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới; tổ chức tiêu độc, khử trùng tại các chợ, khu giết mổ, vùng có nguy cơ cao. Các địa phương biên giới đã thành lập 5 chốt kiểm soát dịch tả lợn châu Phi, thành lập 5 tổ tiêu hủy để kịp thời xử lý các trường hợp phát sinh. Tham gia trực chốt có 6 thành viên, gồm công an, dân quân tự vệ, cán bộ thôn, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã. Các chốt, tổ duy trì chế độ trực 24/24h để kiểm soát việc vận chuyển lợn, thịt lợn ra vào địa bàn và phun khử khuẩn phương tiện qua lại. Tại các ổ dịch, tiến hành khoanh vùng, tiêu hủy và xử lý môi trường theo đúng quy trình. Đồng thời, các xã đẩy mạnh vận động người dân không giết mổ, vận chuyển hoặc vứt bỏ xác lợn nghi nhiễm dịch ra môi trường, tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh.