Siết chặt quản lý an toàn hóa chất

Một số vụ cháy nổ liên quan đến hóa chất xảy ra gần đây đã gây tâm lý lo lắng cho người dân. Thực trạng trên cho thấy, công tác quản lý hóa chất còn nhiều bất cập. Để khắc phục tình trạng này, cần siết chặt quản lý an toàn hóa chất một cách hiệu quả nhất.

Lượng hóa chất sử dụng lớn

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), lượng hóa chất sử dụng của Việt Nam ước tính hơn 9 triệu tấn/năm, tập trung tại các nhà máy ở thành phố lớn và địa phương có nhiều khu công nghiệp. Đơn cử như Công ty Cao su Sao Vàng sản xuất săm lốp dùng mủ cao su đã qua chế biến cùng các loại hóa chất phụ gia đi kèm như chất lưu hóa, chất chống mài mòn, chống lão hóa; Công ty Xà phòng Hà Nội chủ yếu dùng hóa chất tẩy rửa; Công ty Giày Thượng Đình sử dụng keo dán; Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông dùng thủy ngân…

Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất

Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất - cho biết, đặc tính của nhiều loại hóa chất độc, nguy hiểm là ôxy hóa, ăn mòn mạnh, dễ cháy, độc cấp tính, mãn tính, gây ung thư, biến đổi gen, ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, độc hại đến môi trường... nên khi xảy ra các sự cố rò rỉ, tràn đổ, cháy, nổ rất nguy hiểm. Theo quy định, các cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động liên quan đến sử dụng hóa chất phải chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tùy theo quy mô và đối tượng cụ thể; tự tổ chức huấn luyện, tuyên truyền trong sử dụng, bảo quản; cập nhật thông tin lưu trữ, thông báo tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất hàng năm với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chủ quan, mang tính đối phó. Vi phạm phổ biến là chưa thực hiện việc xây dựng biện pháp hoặc kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất; chưa tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất; chưa xây dựng được nội quy an toàn hóa chất cho cơ sở; sắp xếp hóa chất trong kho chưa bảo đảm an toàn theo đúng các quy định hiện hành... Năm 2018, Cục Hóa chất phát hiện 14 doanh nghiệp vi phạm hoạt động hóa chất, xử phạt 161,7 triệu đồng. Còn từ đầu năm đến nay, đã có 8 doanh nghiệp vi phạm bị xử phạt 121,8 triệu đồng.

Tăng cường hậu kiểm

Hiện nay, đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hóa chất khá đầy đủ. Doanh nghiệp hoạt động liên quan đến hóa chất phải tự chịu trách nhiệm thực thi. Mỗi cơ sở sản xuất công nghiệp phải có đầy đủ kiến thức và nắm rõ tính chất nguy hiểm, phương pháp bảo quản, bảo đảm an toàn hóa chất và giảm thiểu rủi ro.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định: Phải tăng cường khâu hậu kiểm, xử lý triệt để vi phạm. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, có hiệu lực từ ngày 15/10/2019 quy định nhiều hành vi chi tiết dễ áp dụng, có tính răn đe cao, đề cao công tác hậu kiểm, trao quyền nhiều cho địa phương và lực lượng chức năng... là cơ sở để xử lý vi phạm thuận lợi và triệt để hơn.

Bên cạnh đó, phải minh bạch, công khai thông tin về hóa chất sử dụng ở các nhà máy là trách nhiệm của doanh nghiệp. Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng quy định rõ tất cả thông tin về hóa chất độc, nguy cơ cảnh báo các sự cố liên quan đến môi trường, cơ sở sản xuất công nghiệp phải công khai với dân cư xung quanh. Về lâu dài, cần chuyển đổi mạnh mẽ việc áp dụng sản xuất sạch hơn để cải thiện tình hình môi trường; giảm dần việc sử dụng hóa chất nguy hiểm…

Các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất phải xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố phù hợp.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/siet-chat-quan-ly-an-toan-hoa-chat-127451.html