Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong trường học
An toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học luôn là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương có tổng số khoảng 1,7 triệu học sinh và có hơn 1.830 trường học có bếp ăn tập thể, gần 490 trường học sử dụng suất ăn công nghiệp (đặt mua suất ăn của các đơn vị bên ngoài), vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học luôn được dư luận đặc biệt quan tâm. Để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, thành phố đã, đang tăng cường kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể trong trường học, nhằm tránh những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra.
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căng-tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn thành phố luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố triển khai thực hiện. Gần đây nhất, đầu tháng 11, Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố thành lập hai đoàn kiểm tra việc tổ chức bữa ăn và các công tác an toàn cho học sinh ở một số quận, huyện. Trong những ngày tới, đơn vị này cùng với ngành giáo dục thành phố, các cơ quan quản lý chuyên môn sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể trong trường học.
Năm học 2021-2022, các đơn vị chức năng đã thanh tra, kiểm tra hơn 1.700 cơ sở, trong đó có 1.121 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 110 bếp ăn tập thể hợp đồng, hai căng-tin tự tổ chức, 281 căng-tin hợp đồng, 194 đơn vị cung cấp suất ăn sẵn. Năm học 2022-2023, các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các bếp ăn tập thể trong trường học.
Qua các đợt kiểm tra cho thấy, nguồn nguyên liệu thực phẩm tại các trường đa số được lấy tại những đơn vị đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” (807 cơ sở), hoặc các đơn vị có Giấy chứng nhận ISO, HACCP, VietGAP, GlobalGAP (670 cơ sở). Các trường có bố trí cán bộ y tế phụ trách công tác an toàn thực phẩm, thực hiện lưu giữ hồ sơ pháp lý, thường xuyên kiểm tra an toàn bếp ăn cũng góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng phát hiện một số khó khăn, bất cập như một số đơn vị cung cấp suất ăn cho các trường học có nơi chế biến đặt ở các địa phương lân cận, ngoài phạm vi quản lý của thành phố nên việc kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn; một số trường không tổ chức căng-tin do quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến tình trạng học sinh sử dụng thực phẩm trước cổng trường nên khó kiểm soát về an toàn thực phẩm...
Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học, nhất là tại địa phương có đông học sinh như Thành phố Hồ Chí Minh, công tác thanh, kiểm tra phải được duy trì và tổ chức thường xuyên; khuyến khích các trường học, đơn vị cung cấp suất ăn sử dụng nguyên liệu thực phẩm an toàn. Các đơn vị trường học cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, quản lý, người chế biến tại các cơ sở dịch vụ ăn uống... Đây là tiền đề quan trọng góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh trên địa bàn thành phố.