Siết chặt quản lý bữa ăn bán trú

Năm học mới bắt đầu đồng nghĩa các trường triển khai bữa ăn bán trú.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Mỹ Đình 1 trong giờ học tại lớp. Ảnh: TG

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Mỹ Đình 1 trong giờ học tại lớp. Ảnh: TG

Thời điểm này, ngoài siết chặt chất lượng bữa ăn, các trường còn lên kế hoạch hỗ trợ trẻ. Bởi, ở môi trường mới với thầy cô và bạn mới, trẻ rất cần được giúp đỡ để nhanh chóng bắt kịp với nhịp học tập, sinh hoạt trên lớp, nhất là giờ ăn bán trú.

Lựa theo thói quen từng trẻ

Là cấp học nhỏ nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân, trẻ mầm non phải dựa vào sự hỗ trợ của cô giáo khi ở trường để làm quen với môi trường ngoài gia đình. Việc đảm bảo an toàn bán trú cho trẻ được các trường mầm non thực hiện giúp phụ huynh thêm yên tâm. Tùy vào điều kiện ở địa phương và học sinh, mỗi nhà trường có cách thức triển khai công tác bán trú cho phù hợp.

Cô Đinh Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) chia sẻ, năm nay toàn trường có hơn 300 trẻ và 100% đăng ký ăn bán trú tại lớp. Cũng như các năm trước, với những trẻ kén ăn hoặc mới đi lớp sẽ gặp một số khó khăn. Do đó, các cô sẽ căn cứ vào thực tế trong lớp có trẻ nào phải ăn kiêng hoặc kén có thể bổ sung thêm sữa vào khẩu phần ăn, kể cả bữa phụ chiều để đảm bảo đủ dinh dưỡng.

Dựa vào đặc điểm tâm lý chung của trẻ mầm non, các cô sẽ khéo léo động viên trẻ khi ăn. Quá trình này thường kéo dài trong tháng đầu tiên của năm học, sau đó trẻ dần quen với môi trường mới, bạn mới sẽ hình thành thói quen ăn hết suất bữa trưa lẫn chiều. Một số trường hợp kén ăn, bố mẹ mang theo đồ ăn, nhà trường cũng xem xét kỹ để đưa ra phương án phù hợp, mục tiêu là giữ vệ sinh an toàn thực phẩm.

“An toàn bán trú luôn là ưu tiên hàng đầu của nhà trường. Chúng tôi luôn tuân thủ theo đúng văn bản hướng dẫn từ phòng GD&ĐT để tổ chức bữa ăn bán trú đảm bảo an toàn cho trẻ. Việc sử dụng các nguồn thực phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng và thân thuộc với người dân địa phương giúp phụ huynh thêm tin tưởng, trẻ cũng nhanh thích nghi với bữa ăn trên lớp hơn. Hiện, nhà trường vẫn giữ mức tiền ăn hằng ngày của trẻ là 20.000 đồng cho đến khi có văn bản mới”, cô Hương nói.

Với hơn 700 trẻ đang theo học, cô Bùi Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B (huyện Hoài Đức, Hà Nội) thông tin, mọi hoạt động giáo dục cũng như công tác bán trú được triển khai theo đúng kế hoạch ngay sau khai giảng năm học 2024 - 2025. Căn cứ theo số lượng phụ huynh đăng ký, nhà trường tổng hợp danh sách trẻ ăn bán trú và thực hiện các quy trình cần thiết để đảm bảo an toàn bán trú cho trẻ.

Thực tế cho thấy, có một vài trẻ ở lớp Nhà trẻ do chưa quen môi trường xa gia đình nên còn quấy khóc, ăn kém nên các cô giáo phải linh hoạt, khéo léo để động viên trẻ. Các cô sẽ ngồi ăn cùng trẻ và xúc cho ăn, cô kể chi tiết về những món ăn ngon, món ăn nào giống như ở nhà bố mẹ hay nấu để kích thích trẻ tò mò và ăn ngon. Trong khoảng 1 - 2 tuần đầu tiên của năm học, trẻ dần bắt quen với nhịp sinh hoạt, ăn ngủ trên lớp nên các cô sẽ rất vất vả, nhất là khối Nhà trẻ.

Nằm ở địa bàn vùng khó khăn của tỉnh Sơn La, cô Lê Thị Toan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (huyện Yên Châu) chia sẻ, năm nay, trường có hơn 500 trẻ theo học ở 11 điểm trường. Trong đó, điểm trường chính có hơn 200 trẻ. Thực hiện hướng dẫn của phòng GD&ĐT huyện, nhà trường tổ chức bán trú cho học sinh với mức thu chỉ 15.000 đồng/trẻ/ngày để phù hợp với mức sống của nhân dân địa phương.

Từ ngày 9/9, nhà trường chính thức bước vào tuần học đầu tiên của năm học mới. Vì vậy, với những trẻ mới ra lớp thường lạ cô, lạ lớp và không chịu ăn, thậm chí quấy khóc. Các cô sẽ động viên để trẻ quen dần cô và bạn, đồng thời điều chỉnh thành phần bữa ăn cho hợp lý. Có một số trường hợp chưa chịu ăn cơm trên lớp, cô giáo sẽ liên hệ để phụ huynh mang theo đồ ăn từ nhà. Việc này nhằm đảm bảo dinh dưỡng trong buổi đầu đến lớp cũng như có thời gian giúp trẻ tập làm quen thức ăn mới.

“Việc này phải làm thật linh hoạt và phối hợp chặt chẽ cùng phụ huynh. Bằng tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương của cô giáo, trẻ sẽ dần quen với nếp ăn ngủ và tham gia các hoạt động trên lớp”, cô Lê Thị Toan nhấn mạnh thêm.

 Trẻ tại Trường Mầm non An Khánh B cùng dự tiệc liên hoan kết thúc thời gian học hè. Ảnh: TG

Trẻ tại Trường Mầm non An Khánh B cùng dự tiệc liên hoan kết thúc thời gian học hè. Ảnh: TG

Sẽ điều chỉnh mức tiền ăn phù hợp

Tại Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông, Hà Nội), ngay từ trong thời gian học hè, trẻ được nhà trường rèn luyện nhiều kỹ năng tự phục vụ như: Rửa mặt, tự xúc thức ăn, sắp xếp đồ dùng học tập, đồ chơi… Khi vào năm học mới, trẻ tiếp tục được cô giáo củng cố thêm các kỹ năng cùng nhiều bài học trải nghiệm khác, trong đó có hoạt động vận động thể chất.

Cô Nguyễn Thị Thu An - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí lực thì điều kiện đầu tiên là đảm bảo an toàn bán trú. Khâu giám sát bữa ăn học đường được nhà trường đẩy mạnh ngay từ những ngày đầu tiên và trong suốt năm học. Có thời điểm, bố mẹ đăng ký đến ăn trưa cùng con để trải nghiệm thực tế về chất lượng bữa ăn trên lớp. Qua thực tế, nhà trường nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phụ huynh.

Với gần 1.800 học sinh theo học, thầy Trần Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, với trẻ lớp 1 vừa chuyển từ cấp mầm non sẽ còn nhiều bỡ ngỡ. Ngay từ việc đi lại giữa các phòng, ngồi nguyên một chỗ suốt một tiết học cũng phải được thầy cô hướng dẫn, chỉ bảo để nhanh vào nếp. Giáo viên vừa trong vai người dạy kiến thức, vừa đóng vai trò như những “nhà tâm lý” để giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập môi trường mới.

“Tuần 1 của năm học này sẽ tính từ ngày 9/9. Những ngày này, học sinh đến trường chủ yếu để làm quen thầy cô và học một số kỹ năng tự phục vụ, nghe phổ biến nội quy trường lớp. Nhà trường đang tập hợp số lượng phụ huynh đăng ký cho con ăn bán trú và sẽ có buổi họp thống nhất các nội dung từ đầu năm. Sau khi thống nhất các khoản thu, trong đó có mức tiền ăn của trẻ, chúng tôi sẽ xin ý kiến phê duyệt của lãnh đạo UBND quận để thực hiện”, thầy Bình trao đổi.

Ngày 29/3, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã ký ban hành Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục đào tạo tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (không bao gồm cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) của thành phố.

Trong đó, dịch vụ tiền ăn của học sinh được thành phố quy định mức trần là 35.000 đồng/em/ngày đối với bữa trưa; 20.000 đồng/em/ngày đối với bữa sáng. Ông Vương Văn Lâm - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi các trường trực thuộc về việc thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị quyết số 03/2024 của HĐND thành phố.

“Ngoài đảm bảo công tác an toàn bán trú theo văn bản hướng dẫn hiện hành, các trường cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND huyện, thành phố về mức thu tiền ăn bán trú. Tùy vào điều kiện của mỗi địa phương và thống nhất với phụ huynh, các trường sẽ có văn bản trình UBND huyện xem xét, phê duyệt mức thu theo đúng tinh thần của Nghị quyết 03/2024 của HĐND TP Hà Nội”, ông Vương Văn Lâm trao đổi thêm.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/siet-chat-quan-ly-bua-an-ban-tru-post699819.html