Siết chặt quản lý học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện
Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện gia tăng.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh rơi vào độ tuổi 16 - 18 (học sinh trung học phổ thông). Đối tượng chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3, xe đạp điện.
Luật Giao thông đường bộ quy định xe đạp điện, xe máy điện là phương tiện giao thông thô sơ, do đó tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện an toàn kỹ thuật cũng như công tác quản lý đối với các loại hình này và người điều khiển... không bị điều chỉnh chặt chẽ như đối với phương tiện giao thông cơ giới.
Để siết chặt quản lý đối với phương tiện này, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ và các văn bản dưới Luật cho phù hợp, quy định cụ thể tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện an toàn kỹ thuật, tốc độ tối đa cho phép khi lưu thông trên từng loại tuyến đường, điều kiện sức khỏe, độ tuổi và nhận thức pháp luật giao thông đường bộ của người điều khiển… Đặc biệt là việc thực hiện cấp bằng điều khiển phương tiện cho người sử dụng.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật giao thông đường bộ với nội dung, hình thức linh hoạt, hiệu quả, tập trung vào điều kiện tham gia giao thông, quy tắc giao thông và kỹ năng điều khiển phương tiện. Đặc biệt, đối với thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên là vô cùng cấp thiết.
Không chỉ riêng đối tượng học sinh, sinh viên, người trực tiếp sử dụng phương tiện xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông thì các bậc phụ huynh cũng cần nâng cao nhận thức, không nên chủ quan cho con em mình sử dụng xe đạp điện, xe máy điện khi còn quá nhỏ tuổi để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.