Siết chặt quản lý sử dụng hóa đơn để chống thất thu thuế

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tính từ khi triển khai đến hết 19/7/2024, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 8,54 tỷ hóa đơn, trong đó 2,35 tỷ hóa đơn có mã và hơn 6,19 tỷ hóa đơn không mã. Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, đây là nguồn dữ liệu lớn cơ quan thuế cần thực hiện rà soát, phân tích dữ liệu, phát hiện rủi ro, phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử để chống thất thu thuế.

 Số thu ngân sách tăng mạnh sau khi triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán. Ảnh: minh họa.

Số thu ngân sách tăng mạnh sau khi triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán. Ảnh: minh họa.

15,26% người nộp thuế vượt hệ số K có rủi ro cao

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, với nguồn lực có hạn, trong khi khối lượng hóa đơn điện tử (HĐĐT) ngày càng lớn, cơ quan thuế không thể kiểm soát hết hoạt động phát hành, sử dụng HĐĐT của tất cả người nộp thuế (NNT). Thay vào đó, cơ quan thuế áp dụng phân tích rủi ro theo các tiêu chí đánh giá để xác định NNT có rủi ro cao là NNT có nhiều dấu hiệu nghi ngờ gian lận khi sử dụng hóa đơn để đưa vào kiểm tra, thanh tra.

Xuất hóa đơn từng lần bán hàng giúp ngân sách tăng thu

Tổng hợp, phân tích báo cáo của 63 cục thuế cho thấy, sau khi triển khai xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, sản lượng bán lẻ xăng dầu qua các cột bơm trong tháng 7 tăng 11%, số thu ngân sách nhà nước tăng 13%, trong đó thuế bảo vệ môi trường tăng 14%; tổng số lượng hóa đơn bán lẻ phát hành đến thời điểm hiện tại là trên 171,6 triệu hóa đơn.

Cụ thể, Tổng cục Thuế đã triển khai 3 nhóm công việc gồm: Một là, nhóm công tác quản lý hóa đơn dựa trên kết quả phân tích rủi ro.

Hai là, nhóm các việc liên quan kiểm soát thông tin HĐĐT theo các dấu hiệu cảnh báo sớm, giúp đưa ra các trường hợp cần kiểm tra, nhắc nhở, có biện pháp phòng ngừa từ sớm hoặc đưa vào danh sách tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên và sẽ có cảnh báo tới cán bộ quản lý về sự bất thường trong việc sử dụng hóa đơn ngay khi NNT thực hiện xuất hóa đơn.

Ba là, nhóm công tác rà soát, đối chiếu, phát hiện các sai lệch cần xử lý nhằm đưa ra kết quả cụ thể từ dữ liệu hiện có, sử dụng ngay để xem xét, đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp. Theo chỉ đạo chung của Tổng cục Thuế, các cơ quan thuế đang tăng cường công tác đối chiếu thông tin giữa hóa đơn và tờ khai giá trị gia tăng (GTGT), đảm bảo doanh nghiệp khai đúng, đủ, không trì hoãn thời gian nộp thuế GTGT.

Thông tin về một số kết quả bước đầu đạt được qua việc triển khai các nhóm công việc, đại diện Ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) cho biết, đối với việc quản lý hóa đơn dựa trên kết quả phân tích rủi ro, những trường hợp rủi ro cần xử lý sẽ phải thực hiện rà soát, xem xét cụ thể dữ liệu hoặc qua kiểm tra, thanh tra để xác định chính xác vi phạm, từ đó đưa ra biện pháp xử lý. Quản lý trên cơ sở phân tích rủi ro nhằm mục đích thu hẹp phạm vi kiểm soát, tập trung vào những trường hợp được đánh giá là rủi ro cao nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực có hạn.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế cũng đã hướng dẫn các cục thuế tổ chức kiểm tra “danh sách NNT thuộc diện giám sát xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn”. Qua báo cáo kết quả rà soát của cơ quan thuế các cấp trong 6 tháng triển khai cuối năm 2023, theo số liệu cập nhật đến ngày 8/12/2023, toàn ngành đã thực hiện rà soát 34.314 NNT (bao gồm cả tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh). Trong đó, đã có kết quả kiểm tra trên 80% NNT, nhiều cơ quan thuế đã thực hiện rà soát hơn 90% - 100% số lượng NNT vượt ngưỡng hệ số K, xác định được 15,26% NNT vượt hệ số K có rủi ro cao (kê khai sai, dừng hoạt động, bỏ trốn, chuyển cơ quan điều tra, ...).

Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, với đặc thù tốc độ phát sinh nhanh của dữ liệu HĐĐT, hệ số K là công cụ theo dõi giám sát có độ trễ sát với thời gian xuất hóa đơn của NNT; đồng thời, là giải pháp quản lý cho thấy tính chủ động và trách nhiệm trong thực thi công vụ của công chức thuế.

Giám sát chặt chẽ sử dụng hóa đơn của người nộp thuế

Thông tin về kết quả đối chiếu dữ liệu hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) và tờ khai thuế GTGT, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, đã triển khai trên cơ sở nguồn dữ liệu về HĐĐT quý I/2022 của 6 tỉnh gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Bình Định, Hải Phòng, Quảng Ninh. Sau khi cơ quan thuế thực hiện rà soát các doanh nghiệp có chênh lệch sai lệch giữa dữ liệu hóa đơn và số liệu kê khai thuế GTGT, NNT đã thực hiện kê khai bổ sung tờ khai thuế GTGT điều chỉnh tăng số thuế GTGT nhiều nhất tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh với 35,2 tỷ đồng và Cục Thuế TP. Hà Nội là 32,6 tỷ đồng.

Từ những kết quả trên, ngày 10/5/2023, Tổng cục Thuế đã có hướng dẫn thực hiện chức năng đối chiếu tờ khai và hóa đơn trên phạm vi cả nước. Theo đó, từ ngày 15/5/2023, triển khai chức năng ứng dụng hỗ trợ thực hiện đối chiếu dữ liệu HĐĐT và tờ khai thuế GTGT, giúp giảm tải công việc cho cán bộ thuế cũng như nâng cao hiệu quả công tác giám sát quá trình sử dụng HĐĐT của NNT. Nguyên tắc là sau 5 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp nghĩa vụ khai thuế theo quy định, ứng dụng sẽ thực hiện tổng hợp dữ liệu hóa đơn phát sinh của kỳ đánh giá hiện tại tương ứng với dữ liệu trên tờ khai NNT đã nộp kỳ tương ứng để so sánh.

Theo đánh giá của Ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế), nguyên tắc này giúp đảm bảo khi NNT hoàn thành nghĩa vụ khai thuế, ngay lập tức cơ quan thuế đã có được số liệu đánh giá tính tuân thủ của NNT, từ đó đảm bảo đôn đốc, tuyên truyền, nhắc nhở và đưa ra biện pháp quản lý phù hợp để NNT tuân thủ đầy đủ các quy định của quản lý thuế.

Đại diện Ban Quản lý rủi ro cho biết, thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục nghiên cứu, phân tích các chuỗi mua bán. Cụ thể, tập trung phối hợp với Cục Thuế TP. Hà Nội phân tích chuỗi mua bán mặt hàng “điện thoại”, “máy tính bảng”; phối hợp với vụ/đơn vị liên quan nghiên cứu, phân tích chuỗi mua bán liên quan đến “dăm gỗ”. Đồng thời, dự kiến nội dung mở rộng phân tích gồm: Phân tích chuỗi mua bán của doanh nghiệp (theo một số mặt hàng); Phân tích doanh nghiệp xuất khẩu có đề nghị hoàn (mở rộng).

Tổng cục Thuế cũng tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp hoàn thiện ứng dụng theo hướng bổ sung chức năng hỗ trợ quá trình đánh giá, rà soát và cập nhật kết quả lên hệ thống cho công chức thuế; bổ sung các trường thông tin cập nhật kết quả rà soát; cập nhật bổ sung dữ liệu hàng hóa dịch vụ mua vào, dữ liệu tài sản mua vào còn thiếu, phân quyền để cơ quan thuế cấp trên có thể tra cứu được danh sách cảnh báo rủi ro theo hệ số K của cơ quan thuế cấp dưới…/.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/siet-chat-quan-ly-su-dung-hoa-don-de-chong-that-thu-thue-156696-156696.html