Siết chặt quản lý thi công thủy điện

Với tiềm năng thủy năng trên các dòng sông, con suối, tỉnh Lai Châu đã quan tâm thu hút đầu tư xây dựng các công trình thủy điện, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi công tại một số công trình còn vi phạm quy định về an toàn lao động (ATLĐ) dẫn đến những vụ tai nạn lao động rất nghiêm trọng.

Báo động tình trạng mất an toàn lao động
Ngày 12/3/2024, tại công trường xây dựng thủy điện Nậm Mít Luông (huyện Tân Uyên), xảy ra vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 1 công nhân tử vong. Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện đã khởi tố vụ án, khởi tố 1 bị can về tội “Vi phạm quy định về ATLĐ”. Tiếp đến, ngày 11/7/2024, tại công trường xây dựng hầm thủy điện Nậm Cuổi 1 (xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn) xảy ra TNLĐ làm 3 công nhân tử vong. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can về tội danh tương tự. Mới đây, ngày 9/8/2024, tại công trình thủy điện Nậm Cấu (thuộc địa phận xã Bum Tở, huyện Mường Tè) xảy ra TNLĐ làm 1 công nhân người Trung Quốc tử vong và 1 công nhân có hộ khẩu thường trú tại thành phố Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) bị thương. Đây là dự án thủy điện do Công ty Năng lượng Bảo Khang (tổ dân phố số 25, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu) là chủ đầu tư. Gói thầu nơi xảy ra vụ việc là hầm số 3 do Công ty TNHH Duy Thành (Thành phố Hà Nội) thi công, thầu phụ là Công ty Việt Trung Lê Thanh (thành phố Lào Cai). Quá trình đặt thuốc, mìn phát nổ đột ngột dẫn đến có lao động thương vong. Ngày 12/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” để tiến hành điều tra theo tố tụng hình sự.
Qua công tác điều tra các vụ án trên và kết luận của cơ quan công an cho thấy, các giám đốc công ty nhận thầu thi công, chỉ huy trưởng công trình đều không được đào tạo đúng chuyên ngành, không nghiên cứu, nắm vững những kiến thức, quy định về ATLĐ; tuyển dụng công nhân làm việc không có hợp đồng lao động hoặc sử dụng công nhân làm việc không đúng với nội dung hợp đồng lao động. 100% công nhân chưa được tập huấn về ATLĐ; không có phương án hoặc không thực hiện đúng phương án đã được duyệt về ATLĐ trong quá trình thi công công trình...

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh bắt giữ đối tượng liên quan đến vụ nổ mìn gây thương vong tại công trình thủy điện Nậm Cấu (xã Bum Tở, huyện Mường Tè) ngày 9/8/2024.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh bắt giữ đối tượng liên quan đến vụ nổ mìn gây thương vong tại công trình thủy điện Nậm Cấu (xã Bum Tở, huyện Mường Tè) ngày 9/8/2024.

Quá trình nắm tình hình tại nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh của phóng viên cũng cho thấy, không chỉ các công trình thủy điện mà công trình xây dựng dân dụng, khai thác vật liệu xây dựng… còn lơ là trong bảo đảm an toàn cho công nhân trực tiếp lao động, sản xuất. Hoặc nếu chủ sử dụng lao động có trang bị bảo hộ, người lao động cũng ít sử dụng do bất tiện cho quá trình làm việc.
Siết chặt công tác thanh, kiểm tra
Lai Châu là tỉnh có nhiều tiềm năng thủy năng để thu hút đầu tư, phát triển thủy điện. Hiện, tỉnh đã được cấp chủ trương đầu tư hơn 120 dự án, trong đó có nhiều thủy điện vừa và nhỏ. Toàn tỉnh có hơn 50 dự án đã đưa vào vận hành phát điện. Riêng huyện Nậm Nhùn có 18 công trình thủy điện; đã có 11 công trình hoàn thiện và đưa vào vận hành với công suất hơn 216Mw.
Thời gian qua, công tác thanh, kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành quy định về ATLĐ cũng được các cơ quan chức năng thực hiện theo chương trình kế hoạch. Tuy nhiên, chưa được thường xuyên, sát sao và phát hiện được những bất cập, sơ suất trong đảm bảo ATLĐ của quá trình thi công các công trình.
Theo Đại tá Phạm Hải Đăng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định về ATLĐ cần phải được thực hiện chặt chẽ, kịp thời hơn nữa để góp phần ngăn chặn việc lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý thi công công trình, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc như thời gian vừa qua.
Trước thực tế đó, Cơ quan CSĐT (Công an tỉnh) đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATLĐ tại công trình thủy điện đang thi công nhằm phát hiện và xử lý nghiêm đơn vị không đảm bảo điều kiện về ATLĐ. Chú trọng công tác tập huấn về ATLĐ cho các chủ doanh nghiệp và người lao động. Tổng hợp danh sách tổ chức, cá nhân đã được đào tạo, bồi dưỡng về ATLĐ, thông báo với Công an tỉnh để nắm, phục vụ công tác phối hợp kiểm tra cũng như trao đổi, cung cấp thông tin cho lực lượng công an về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ATLĐ. Phối hợp với cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra.Đối với các Sở: Tài nguyên - Môi trường; Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền cơ sở trong kiểm tra, rà soát công tác quản lý chất lượng xây dựng, đảm bảo an toàn công trình và đáp ứng các yêu cầu về môi trường, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Đặc biệt là các dự án nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất; kịp thời phát hiện, thống kê các dự án mà nhà thầu chưa đủ năng lực nhưng đã tham gia thi công để kiến nghị xử lý nghiêm trước pháp luật, không loại trừ việc thu hồi giấy phép, tạm dừng thi công để khắc phục. Siết chặt công tác quản lý, cấp phép cho các công trình thủy điện…
Với những giải pháp trên, hy vọng trong thời gian tới sẽ giảm tối đa những vụ việc đáng tiếc liên quan đến quá trình thi công các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Thu Trang

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-h%C3%B4m-nay/si%E1%BA%BFt-ch%E1%BA%B7t-qu%E1%BA%A3n-l%C3%BD-thi-c%C3%B4ng-th%E1%BB%A7y-%C4%91i%E1%BB%87n