Siết chặt quản lý thị trường, đẩy lùi gian lận thương mại

Quý I cũng là thời điểm Tết Nguyên đán nên sức mua trên thị trường tăng cao. Lợi dụng tình hình này, tình trạng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn biến phức tạp. Trong 3 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng tỉnh đã bắt giữ, xử lý nhiều vụ vi phạm về thương mại.

Kiểm đếm tang vật vật tư y tế trước khi tiêu hủy tại Cục QLTT Bình Dương

Kiểm đếm tang vật vật tư y tế trước khi tiêu hủy tại Cục QLTT Bình Dương

Phát hiện nhiều vụ việc vi phạm

Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bình Dương, cho biết không chỉ có quần áo thời trang, thực phẩm, nước giải khát, linh kiện điện tử, hàng gia dụng, mỹ phẩm… mà thuốc chữa bệnh cũng bị làm giả. Trước thực trạng đó, là lực lượng cơ động, nòng cốt trong công tác trinh sát, xử lý vi phạm, Cục QLTT Bình Dương thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm nổi cộm.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Cục trưởng Cục QLTT Bình Dương, cho biết thuốc và thực phẩm chức năng là sản phẩm thiết yếu mà bất kỳ cá nhân, gia đình nào cũng cần sử dụng. Dù có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhưng trên thị trường, nhóm sản phẩm này lại đang bị làm giả khá nhiều. Nắm bắt được yếu tố này, lực lượng trinh sát phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện kịp thời các vụ việc.

Điển hình ngày 6-3 vừa qua, tại 20/22B, tổ 22, khu phố Bình Phú, phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An, Đội QLTT số 5 chủ trì, phối hợp cùng Đội 3, Phòng PC03 - Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ 1 vụ việc liên quan đến dược phẩm. Theo đó có 2.460 viên thuốc tây dùng cho người dạng viên nén, nhãn hiệu Fugacar, bao bì xuất xứ tại Thái Lan; 5.082 tem chống giả; 2.700 viên thực phẩm chức năng (cường dương) nhãn gốc bằng tiếng Ả Rập... Toàn bộ lô hàng không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra để truy tìm ổ nhóm, đường dây hoạt động.

Trước đó không lâu, Cục QLTT tỉnh cũng đã phát hiện 3 vụ vi phạm nổi cộm khác, có quy mô lớn gồm vụ vận chuyển 4.350 bao thuốc lá điếu các loại do nước ngoài sản xuất và 1 vụ nghi vấn có nhãn ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa là keo silicon, chai xịt chống gỉ, kem đánh bóng xe… Vi phạm vẫn là không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Một vụ nữa là vận chuyển rất nhiều hàng hóa đã qua sử dụng và có dấu hiệu hàng giả như máy giặt, tủ lạnh, xe đạp, vải cuộn, giày, thuốc giảm béo, thuốc diệt cỏ, diệt chuột, diệt côn trùng, gỗ quý và nhiều loại hàng hóa tiêu dùng khác. Toàn bộ số hàng đã bị bắt giữ và tiếp tục xác minh, làm rõ theo quy định.

Theo thống kê từ Cục QLTT tỉnh, trong quý I-2023, đơn vị đã xử lý 150 vụ vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với số tiền phạt vi phạm hành chính gần 1,650 tỷ đồng. Đáng chú ý là có 3 vụ việc chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự.

Tăng cường phối hợp kiểm soát

Qua hàng loạt vụ việc vi phạm đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý thời gian gần đây cho thấy, những tháng đầu năm do nhu cầu của thị trường về tiêu thụ số lượng lớn hàng hóa, nhất là thuốc lá, thực phẩm… nên các loại tội phạm cũng theo đó gia tăng, hoạt động ráo riết hơn. Không những vậy, các đối tượng phạm tội còn sử dụng nhiều hành vi, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện hơn nhằm qua mắt lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Phương Đông, cho biết, đơn vị đã ban hành các kế hoạch công tác cụ thể trong từng lĩnh vực. Trong đó có kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm thịt trâu, bò nhập lậu; tăng cường công tác phối hợp trong tiếp nhận, chuyển giao, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Cục QLTT tỉnh đã xây dựng kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023 đồng thời rà soát số lượng các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác quản lý địa bàn hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, với những giải pháp đấu tranh tích cực, tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm về cơ bản đã được chặn đứng kip thời. Trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện các tụ điểm, đường dây, ổ nhóm hoạt động thường xuyên, song vẫn chứa đựng nguy cơ, diễn biến phức tạp.

Để góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, lực lượng QLTT đang tiếp tục thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành và kiểm tra định kỳ năm 2023. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động giám sát, nhất là với các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm như xăng, dầu, các cơ sở kinh doanh vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng… Kiểm tra, giám sát thị trường bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo thống kê từ Cục QLTT tỉnh, trong quý I-2023, đơn vị đã xử lý 150 vụ vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với số tiền phạt vi phạm hành chính gần 1,650 tỷ đồng. Theo đó, giá trị hàng hóa ước tính trên 3,396 tỷ đồng… Đáng chú ý là có 3 vụ việc chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự.

THANH HỒNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/siet-chat-quan-ly-thi-truong-day-lui-gian-lan-thuong-mai-a295137.html