Siết chặt quản lý thị trường hàng hóa
Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng quản lý thị trường, thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về kinh doanh sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh…, Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức của các tổ chức, cá nhân đối với việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra hàng hóa tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã Thuận Châu.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Sơn La đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt chú trọng kiểm tra các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, như: Thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, sữa, mỹ phẩm, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gia súc, gia cầm, động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát việc dùng chất kích thích tăng trưởng đối với mặt hàng hoa quả, việc sử dụng hóa chất quá mức nhằm tăng trọng, chống mất nước sau khi rã đông để gian dối về khối lượng, giảm chất lượng. Phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần bình ổn thị trường, giá cả, đảm bảo chất lượng, an toàn của hàng hóa, phục vụ tốt sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Viết Thông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về đợt cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Chi cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc chủ động phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành, lực lượng chức năng kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, không gây phiền hà hoặc gián đoạn hoạt động bình thường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Phối hợp với chính quyền địa phương, ban quản lý chợ tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp tục duy trì hoạt động bình thường, không tự ý đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động gây hoang mang, ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa và công tác kiểm tra trên địa bàn; giải thích rõ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh về mục tiêu, ý nghĩa của đợt cao điểm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ gìn môi trường kinh doanh lành mạnh.

Đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra hàng hóa tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường Tô Hiệu.
Trong 6 tháng qua, lực lượng Quản lý thị trường toàn tỉnh đã kiểm tra 214 vụ, xử lý 210 vụ; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 844 triệu đồng. Riêng đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trong thời gian 1 tháng vừa qua, đã kiểm tra, xử lý 62 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước 740 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm hơn 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 158 vụ; tổng số tiền xử phạt trên 1,1 tỷ đồng; tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 530 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Trìu, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 3, thông tin: Các hành vi vi phạm trên địa bàn đơn vị quản lý tập trung chủ yếu vào nhóm hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng lậu, nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm về giá, vi phạm về nhãn hàng hóa... Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng, thuốc tân dược, vật tư nông nghiệp... 6 tháng qua, đơn vị đã kiểm tra 61 vụ, xử lý 57 vụ, xử phạt hơn 660 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 454 triệu đồng; phối hợp kiểm tra, xử lý 39 vụ, phạt hành chính 414 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 200 triệu đồng.

Đội quản lý thị trường số 3 kiểm tra hàng hóa tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường Mộc Sơn.
Tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là đợt đấu tranh cao điểm vừa qua, Đội quản lý thị trường số 2 đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận khác trong kinh doanh. Ông Đặng Thanh Lâm, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 2, chia sẻ: 6 tháng qua, Đội xử lý 27 vụ, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 171 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 42 triệu đồng; trị giá hàng tiêu hủy 19 triệu đồng. Đơn vị gắn công tác kiểm tra với công tác tuyên truyền pháp luật, tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tới các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.
Mặc dù công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, song tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm..., vẫn diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là trên tuyến giao thông từ khu vực biên giới vào nội địa và tại các địa bàn giáp ranh.
Không khoan nhượng với hàng giả, gian lận thương mại, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, sữa giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm không bảo đảm chất lượng, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ quyền lợi, nhất là sức khỏe người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình ổn thị trường.