Siết chặt quản lý thị trường xăng dầu

An Giang là tỉnh trọng điểm của ĐBSCL, có đường biên giới dài gần 100km, giáp với tỉnh Takeo và Kandal (Campuchia). Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng xăng dầu rất lớn. Trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 340 triệu lít. Thời gian qua, thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp, do sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp (DN) đầu mối; nguồn hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc trà trộn vào hàng chất lượng cao…

Kiểm tra các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh

Thị trường diễn biến phức tạp

Hiện nay, toàn tỉnh có 7 DN đầu mối, 11 DN là thương nhân phân phối xăng dầu, 1 Tổng đại lý xăng dầu tham gia thị trường xăng dầu An Giang. Hệ thống bán lẻ trực tiếp trên thị trường chủ yếu là thương nhân nhận quyền thương mại với 530 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Với số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu lớn, nhiều DN tham gia, thị trường xăng dầu An Giang đã tạo áp lực, tác động đến thị phần ở tất cả các kênh phân phối. Việc cạnh tranh diễn ra gay gắt, khốc liệt ở tất cả các kênh bán hàng; các đầu mối cạnh tranh bằng chính sách tăng thù lao rất cao ở chu kỳ giảm giá, duy trì ở mức cao thời điểm kinh doanh bình thường; áp dụng chính sách trợ giá tồn kho và cho gửi hàng khi tăng giá; cạnh tranh gay gắt, thậm chí đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Hiện tượng nguồn hàng của đầu mối này thông qua thương nhân phân phối/tổng đại lý đưa vào hệ thống của đầu mối khác xảy ra thường xuyên, điều này vừa làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, vừa làm xáo trộn hệ thống kênh phân phối và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Một số đầu mối, DN ngoài tỉnh tham gia thị trường nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế tại An Giang.

Là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, trong bối cảnh đó, với hơn 90 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và hợp đồng nhượng quyền thương mại, tỷ trọng bán lẻ xăng dầu của Công ty TNHH MTV Xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang) trên tổng sản lượng tiêu thụ hàng năm tăng trên 60%. Petrolimex An Giang chủ động khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh thương hiệu, không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ... Chủ tịch kiêm Giám đốc Petrolimex An Giang Hồng Phong bày tỏ: “Tình trạng trên là những bất cập, nhà nước cần có giải pháp đồng bộ trong quản lý về kinh doanh xăng dầu để chấn chỉnh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; đảm bảo thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của các đầu mối tham gia kinh doanh xăng dầu trên địa bàn”.

Theo ông Hồng Phong, một số đầu mối kinh doanh xăng dầu chi trả thù lao rất cao đến mức bất hợp lý cho đại lý (vượt cả trần chi phí định mức do liên Bộ Tài chính - Công thương quy định), để cạnh tranh không bình đẳng, giành giật khách hàng. Thậm chí đã xuất hiện dấu hiệu gian lận thương mại qua hóa đơn chứng từ. Theo đó, xăng dầu vận chuyển trên đường thì có hóa đơn nhưng khi đến cửa hàng, hóa đơn được quay vòng trở lại, hợp thức hóa cho lô hàng khác nhằm trốn thuế.

Tăng cường kiểm tra chất lượng

Ngoài kiểm tra thường xuyên, đột xuất, mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Sở Công thương đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Theo Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam, hành vi sản xuất, buôn bán xăng dầu giả số lượng lớn của Công ty TNHH Mỹ Hưng do ông Trịnh Sướng, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc, công ty có thuê kho chứa xăng dầu của Công ty Cổ phần Thương mại hóa dầu Ressol. Qua rà soát trên địa bàn An Giang có 6 cửa hàng bán lẻ xăng dầu ký hợp đồng đại lý mua bán xăng dầu với Công ty Cổ phần Thương mại hóa dầu Ressol là: Công ty TNHH Xăng dầu Tiến Tiến Phát (Phú Tân); Cửa hàng Dầu khí An Giang số 9 (Châu Phú), Cửa hàng Dầu khí An Giang số 6 (Phú Tân), Cửa hàng Dầu khí An Giang số 1 (Thoại Sơn) thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thương mại Vạn Vạn Phúc; DNTN Nhiên liệu Châu Thành (Chợ Mới).

Thực hiện chỉ đạo trên, đoàn liên ngành gồm: Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường chất lượng, Thanh tra Sở Tài chính và Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh đã ra quân kiểm tra chất lượng xăng dầu thuộc hệ thống bán lẻ xăng dầu ký hợp đồng mua bán xăng dầu với Công ty Cổ phần Thương mại hóa dầu Ressol có liên quan đến vụ xăng giả của ông Trịnh Sướng trên toàn tỉnh. Đoàn kiểm tra đã lấy 3 mẫu xăng Ron 95, 6 mẫu dầu DO 0,05%S để kiểm nghiệm chất lượng; khi có kết quả kiểm tra chất lượng sẽ có hướng xử lý sau. Tại thời điểm kiểm tra, Cửa hàng Xăng dầu Tiến Tiến Phát (thuộc Công ty TNHH Xăng dầu Tiến Tiến Phát) ngưng bán, báo cáo hết xăng. Tuy nhiên, bồn dầu DO còn khoảng 950 lít. Đoàn đã lập biên bản và thu mẫu dầu để kiểm nghiệm chất lượng. Tại cây xăng Hạnh Phát (Chi nhánh Công ty TNHH MTV XNK Hạnh Phát) cũng đăng bảng hết xăng. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, bồn xăng RON 92 E5 cạn đáy, xăng RON 95 còn khoảng 4.000 lít và Dầu DO còn khoảng 13.000 lít. Theo người đại diện cây xăng, đóng cửa theo yêu cầu của chủ DN để kết thúc hợp đồng với nhà cung cấp, tuy nhiên, việc đóng cửa không báo với Phòng Kinh tế - Hạ tầng theo quy định và việc báo hết xăng nhưng trong bồn vẫn còn khoảng 4.000 lít RON 95 là không chính xác; đoàn đã lập biên bản, thu mẫu xăng và dầu để kiểm định chất lượng.

Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang Võ Nguyên Nam chỉ đạo 8 Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra chất lượng xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ trên toàn tỉnh. Lấy mẫu kiểm định, kiểm tra, kiểm soát về đo lường, chất lượng; nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm kinh doanh xăng dầu giả phải xử lý triệt để. Giao các Đội Quản lý thị trường giám sát, quản lý địa bàn kiểm tra việc chấp hành các quy định trong kinh doanh xăng dầu đối với các đơn vị xuất, nhập khẩu, tổng đại lý, đại lý... tự phát.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/siet-chat-quan-ly-thi-truong-xang-dau-a248976.html