Siết chặt quy định bảo đảm an toàn đường thủy

Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy xảy ra do thuyền bị lật, gây hậu quả thương tâm. Nguyên nhân chủ yếu vì phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, hoạt động tự phát...

 Phương tiện thủy nội địa hoạt động trên sông tại TP Cần Thơ, cả người điều khiển và hành khách đều không mặc áo phao.

Phương tiện thủy nội địa hoạt động trên sông tại TP Cần Thơ, cả người điều khiển và hành khách đều không mặc áo phao.

Nhắc tới những vụ TNGT đường thủy gần đây, dư luận vẫn đau lòng với vụ lật thuyền gia dụng trên sông Vu Gia thuộc địa phận xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vào ngày 25-2-2020, làm 6 người chết, trong đó có 4 người lớn và 2 trẻ em. Chiếc thuyền chở tới 10 người trong khi trọng tải tối đa chỉ được chở 6 người. Khi đến giữa sông, gặp gió chướng cộng với việc chở quá tải khiến thuyền bị lật.

Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều vụ tai nạn đường thủy tương tự đã xảy ra và đều gây tổn thất lớn về người. Có thể kể đến vụ lật thuyền gia dụng trên sông Trà Lý (đoạn chảy qua TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) tối 6-1, làm 2 người tử vong. Sáng sớm 15-2, trên sông La Ma thuộc địa bàn huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế xảy ra vụ lật thuyền gia dụng chở theo 12 người (6 cặp vợ chồng đi khai thác keo tràm), hậu quả làm 3 người chết.

Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn đường thủy là do phương tiện gia dụng sản xuất thủ công, tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về ATGT. Việc người dân đưa phương tiện thủy gia dụng vào hoạt động mang tính tự phát, phục vụ nhu cầu hằng ngày, hầu hết không được trang bị áo phao, thiết bị cứu sinh, thiết bị an toàn theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quy định pháp luật; hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT đường thủy đối với phương tiện gia dụng còn nhiều hạn chế. Đa số người dân sử dụng phương tiện này chưa có ý thức về an toàn, không quan tâm đến việc mặc áo phao hoặc mang theo dụng cụ cứu sinh.

Để ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên đường thủy, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật theo hướng siết chặt điều kiện an toàn, tăng nặng chế tài xử phạt, bảo đảm đủ sức răn đe, trong đó có hành vi đưa phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa mà không tuân thủ các quy định về ATGT. Đồng thời bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định bắt buộc mặc áo phao hoặc cầm theo dụng cụ cứu sinh khi đi trên phương tiện thủy nội địa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT đường thủy nội địa nhằm nâng cao ý thức chấp hành cho người dân, cảnh báo các nguy cơ tai nạn, đuối nước có thể xảy ra, giúp mỗi người chủ động phòng tránh.

Bài và ảnh: MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/siet-chat-quy-dinh-bao-dam-an-toan-duong-thuy-612927