Siết chặt, xử lý nếu vi phạm trong khu phong tỏa

Các địa phương thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền và vận động người dân chấp hành các quy định phòng chống dịch, không để xảy ra vi phạm trong khu cách ly, phong tỏa.

TP.HCM đang thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn TP để phòng chống dịch COVID-19, cùng với đó các phường, khu phố có nhiều ca nhiễm cũng thực hiện phong tỏa, cách ly y tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân trong khu phong tỏa đi lại, giao lưu, không đảm bảo giãn cách theo quy định…

Từ hai tuần nay người dân ở quận Phú Nhuận không được ra đầu chốt kiểm soát nhận hàng mà lực lượng trực chốt mặc đồ bảo hộ sẽ nhận thay và đưa tới từng hộ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Từ hai tuần nay người dân ở quận Phú Nhuận không được ra đầu chốt kiểm soát nhận hàng mà lực lượng trực chốt mặc đồ bảo hộ sẽ nhận thay và đưa tới từng hộ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người dân ở một số khu vực phong tỏa còn tâm lý thờ ơ

Tính đến trưa 19-7, UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức đã áp dụng cách ly y tế, phong tỏa đối với các khu phố (KP) 2, 6, 8 và một phần các KP 1, 2, 7 để ngăn chặn tình trạng lây lan của dịch bệnh; lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát dịch COVID-19 trong cộng đồng.

Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết khu vực nằm trong diện phong tỏa có mật độ dân số cao, diễn biến dịch phức tạp, số ca bệnh nhiều. Do đó việc phong tỏa, cách ly là để lấy mẫu, tầm soát diện rộng để sàng lọc F0, F1 nhằm khoanh vùng kịp thời, không để bùng dịch.

Tuy nhiên, theo chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, vẫn có tình trạng người dân ở một số khu phong tỏa còn tâm lý thờ ơ, chưa chấp hành đúng các quy định về giãn cách, đeo khẩu trang, thường xuyên giao tiếp với nhau. Bên cạnh đó, người dân cũng thường ra các chốt kiểm soát để giao/nhận hàng khiến cho việc phòng dịch trở nên phức tạp.

“Phường đã có kế hoạch siết chặt tình trạng trên như hỗ trợ giao hàng cho người dân nhằm hạn chế việc giao/nhận hàng ở các chốt kiểm soát; thực hiện các chuyến xe 0 đồng, đưa gạo, rau củ quả, nhu yếu phẩm mà người dân cần; tổ chức đi chợ theo yêu cầu của người dân mỗi ngày” - ông Tuấn cho hay.

Ngoài ra, phường sẽ lập các tổ xung kích đi kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên và mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm. Các tổ COVID-19 cộng đồng cũng vào cuộc giám sát mỗi ngày tại khu vực được giao quản lý.

Cũng từ ngày 16-7, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức thực hiện cách ly y tế, phong tỏa toàn phường với gần 60.000 nhân khẩu. Lãnh đạo UBND phường cho biết những ngày đầu vẫn có người dân thỉnh thoảng ra khỏi nhà do bí bách nhưng đã được lực lượng chức năng chấn chỉnh, nhắc nhở ngay.

Lực lượng chức năng phường hiện đã siết chặt việc thực hiện 5K, giãn cách của người dân, vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện. Cùng đó, từ ngày 20-7, phường tổ chức xe bán hàng lưu động, bình ổn giá phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân ở từng KP theo từng khung giờ cụ thể.

Thông tin ngay những điều người dân trong khu phong tỏa được làm

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND phường 9, quận Tân Bình, cho hay trên địa bàn phường 9 có hai khu vực bị phong tỏa nằm trên đường Âu Cơ. “Người dân chấp hành rất tốt các quy định trong khu cách ly, phong tỏa. Chúng tôi thường xuyên có sự trao đổi, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân nên việc vi phạm khi đang ở trong khu cách ly, phong tỏa là không có” - bà Vân nói.

Tại quận Gò Vấp, Chủ tịch UBND phường 14 Nguyễn Thế Dũng cho biết trên địa bàn có tổng cộng 27 điểm cách ly, phong tỏa. “Ngay khi bắt đầu phong tỏa, cách ly, UBND phường đã thông tin cho người dân những gì được làm và không được làm. Do được chuẩn bị trước tâm lý nên người dân chấp hành rất nghiêm chỉnh các quy định” - ông Dũng nói và thông tin đến thời điểm này chưa có trường hợp người dân nào bị xử lý do vi phạm quy định.

Phường 1, quận Bình Thạnh hiện có tổng cộng tám khu phong tỏa với khoảng 120 hộ dân. Ông Trần Đăng Khoa, Chủ tịch UBND phường 1, quận Bình Thạnh, cho biết hầu hết người dân chấp hành tốt các quy định về phòng chống dịch. “Thời gian đầu có một số trường hợp người dân lơ là nhưng tới thời điểm này đã chấp hành rất tốt” - ông Khoa nói và cho hay tại các khu phong tỏa, phường thực hiện chăm lo cho bà con đầy đủ và định kỳ nên bà con không phải ra ngoài để yêu cầu mua thực phẩm hay nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, cùng với kế hoạch của quận và TP, phường cũng có kế hoạch tuyên truyền riêng cho người dân về công tác phòng chống dịch bệnh.

Tại phường 9, quận Phú Nhuận, ông Nguyễn Dương Quang Hiển, Phó Chủ tịch UBND phường, cho biết đa số người dân trong sáu khu phong tỏa trên địa bàn phường đều chấp hành nghiêm chỉnh việc giãn cách.

Thời gian đầu phường có ghi nhận một số trường hợp người dân ở khu vực phong tỏa giáp ranh đường ray xe lửa di chuyển qua lại. “Lực lượng của phường đã nhắc nhở những trường hợp này. Tăng cường tuyên truyền qua loa, dán thông báo ở các khu vực chốt phong tỏa để nâng cao ý thức của người dân” - ông Hiển nói.

Tăng cường kiểm soát tại các khu phong tỏa

Trước đó, UBND TP.HCM có văn bản khẩn gửi chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chấn chỉnh hoạt động của tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm và tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ tại các khu phong tỏa.

Cụ thể, UBND TP yêu cầu các địa phương tăng cường vận động người dân trong khu phong tỏa ủng hộ và thực hiện nghiêm yêu cầu về giãn cách. Không để tình trạng người dân trong khu phong tỏa tập trung, vi phạm quy định về giãn cách, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo.

Nghiên cứu lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu phong tỏa để kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/siet-chat-xu-ly-neu-vi-pham-trong-khu-phong-toa-1002556.html