Siết chặt xử lý vi phạm về thuốc lá

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Quỹ Phòng chống Tác hại thuốc lá vừa tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống Tác hại Thuốc lá cho biết, sức khỏe là vốn quý của mỗi cá nhân, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng là nhiệm vụ không chỉ của ngành Y tế mà còn còn của các Bộ, Ban ngành và toàn xã hội.

Sau đại dịch Covid-19, số bệnh nhân đến với các bệnh viện ngày càng đông, gây ra sự quá tải bệnh viện ở một số chuyên khoa.

Theo báo cáo của 1.400 bệnh viện trên cả nước, có tới 70-75% bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm (tiêu đường, tim mạch, ung thư…). Trong đó, thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh không lây nhiễm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho rằng, công tác thanh tra kiểm soát thuốc lá là nhiệm vụ quan trọng đối với phòng chống tác hại thuốc lá.

Nếu không chung tay với sức khỏe cộng đồng, nếu không tăng cường phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát thực hiện luật phòng chống tác hại thuốc lá thì ngành Y tế và xã hội vẫn phải đối mặt với những gánh nặng về sức khỏe do thuốc lá gây ra.

Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cũng chỉ ra một số khó khăn trong công tác xử phạt hiện nay do sự phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, thanh tra còn rất hạn chế, chủ yếu do ngành Y tế đề xuất và thực hiện.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao; đặc biệt hiện nay, trên thị trường lại xuất hiện các sản phẩm như thuốc lá điện tử được mua bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ...

Thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Thuế thấp khiến giá thuốc lá rẻ, từ đó làm tăng khả năng tiếp cận do thuốc lá bày bán khắp nơi. Chính những nguyên nhân này đã làm giảm hiệu quả của công tác phòng chống tác hại thuốc lá.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra, kiểm tra mỏng, cùng lúc phải phụ trách nhiều lĩnh vực; thanh tra các cấp chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến việc thanh tra kiểm tra công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Các cá nhân, tổ chức được kiểm tra không phối hợp và khó cưỡng chế xử phạt kể cả khi có biên bản vi phạm hành chính….

Đại diện Cục Y tế Bộ Công an cho biết, mọi hoạt động trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá có thành công hay không cần có sự ủng hộ rất lớn từ các cơ quan, đơn vị.

Hoạt động kiểm tra, xử phạt tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Công án các tỉnh/thành phố chỉ thành công khi có sự tham gia quyết liệt của các đồng chí cảnh sát phụ trách mảng quản lý hành chính về trật tự xã hội các cấp.

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất cần hoàn thiện hơn nữa chính sách phòng chống tác hại thuốc lá.

Trong đó, cần phân biệt, quy định rõ ràng về quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, tài trợ cũng như quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại…

Cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Phòng chống thuốc lá. Tăng hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm theo Nghị định 117/2022/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Đồng thời theo dõi chặt chẽ việc thực thi xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; lồng ghép sử dụng ứng dụng phần mềm trong các hoạt động khác của các cơ quan, đơn vị…..

Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, đặc biệt là môi trường không khói thuốc lá Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đã xây dựng phần mềm tiếp nhận phản ánh của người dân về thực thi môi trường không khói thuốc lá, thí điểm tại 2 quận tại TP. Hà Nội là Quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/siet-chat-xu-ly-vi-pham-ve-thuoc-la-d172291.html